Sinh viên “lao đao” vì lạm phát

18/04/2013 09:09
Đỗ Linh
(GDVN) - Hiện nay, tình trạng giá cả gia tăng đã làm ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân, trong đó phải kể đến bộ phận sinh viên, họ là những người chịu sự biến đổi nhanh chóng của bão giá.
Lạm phát ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh viên, vì đa số sinh viên còn phụ thuộc vào gia đình, nhất là những bạn sinh viên trọ học xa nhà, không còn được bố mẹ lo cho từng bữa ăn giấc ngủ mà phải đối mặt với vô vàn những khó khăn thử thách. Họ phải học cách sống, cách chi tiêu sao cho hợp lý với số tiền ít ỏi mà gia đình chu cấp cho khi bão giá ngày càng leo thang.

Lạm phát ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người (ảnh minh họa)
Lạm phát ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người (ảnh minh họa)
Rõ ràng một điều, ngoài mối lo về học tập, thi cử, sinh viên đang phải đau đầu trong việc tìm cách đối phó với lạm phát. Ra chợ thấy cái gì cũng tăng giá một cách chóng mặt, hỏi thì được người bán hàng cho biết do xăng tăng nên kéo theo những mặt hàng đó cũng phải tăng do phí vận chuyển. Nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng giá khiến không ít sinh viên đau đầu bởi số tiền gia đình chu cấp cho vẫn vậy mà giá cả thì mỗi ngày một khác. Và đây cũng là dịp để các chủ nhà trọ sinh viên có cơ hội tăng giá. Như vậy, rõ ràng sinh viên đang phải chi ngày một nhiều hơn cho những nhu cầu không đổi. Để tìm hiểu tác động của lạm phát đến đời sống sinh viên, tôi đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn với các bạn sinh viên đang học tại các trường đại học ở Hà Nội để biết được các bạn đang hằng ngày phải chống chọi với lạm phát như thế nào. Phỏng vấn bạn Lê Thị Thúy Mùi (SV trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Bạn trọ ở đâu? Phòng bạn hiện tại ở mấy người và bạn thấy tiền nhà từ khi bạn đến ở đến giờ có nhiều biến động?Thúy Mùi: Mình trọ ở cách trường 3km, chỗ gần đại học Giao Thông Vận Tải. Mình ở đây gần 3 năm và chưa bao giờ chuyển phòng. Nhưng phòng bọn mình hẹp lắm, ở 2 người cũng thấy chật rồi. Giá phòng thì từ năm thứ 2 bắt đầu chuyền đến, là 900k. Đến bây giờ đã tăng lên 1.400k và sắp cán đích 1.500k. Tiền điện ban đầu 3k/số, bây giờ tăng lên 4k/số, tiền nước từ 30k/người tăng lên 60k/người. Giá phòng thì chỉ cần ông chủ nghe tin nhà nước tăng giá điện, giá gas, giá xăng là lập tức về tăng tiền phòng. Mỗi lần tăng giá tầm 100-200k. Có năm cách một tháng tăng tiền một lần. Và hầu như năm nào cũng thế, cứ ăn tết xong là tăng tiền phòng. Mỗi tháng bố mẹ chu cấp cho bạn được bao nhiêu tiền? Số tiền đó có đủ cho chi tiêu hàng ngày và cho việc học tập?
Thúy Mùi:
Trước kia mỗi tháng mình được bố mẹ gửi cho 1 triệu 2 đến 1 triệu rưỡi. Bây giờ lên 1 triệu 7 nhưng cũng phải chi tiêu hết sức tiếc kiệm mới đủ.

Bạn thấy lạm phát tác động như thế nào đến cuộc sống của sinh viên?

Thúy Mùi:
Tác động rất lớn chứ. Mỗi lần tăng giá nhà, mình lại phải bớt các khoản chi tiêu đi. Tiền hàng tháng bố mẹ gửi cho chỉ có thế, phải chi tiêu tiếc kiệm và hạn chế mua sắm mới đủ sống.
Không phải thuê trọ ở ngoài mà ở trong Kí Túc Xá của trường, nhưng bạn Thanh Lan (SV năm cuối Học viện Báo chí – Tuyên truyền) cũng cho biết, dù hàng tháng đỡ được khoản tiền nhà, nhưng cũng chật vật vì mức chi tiêu ngày càng tăng. Bạn Thanh lan ở KTX của trường thì giá phòng KTX hằng năm có gì biến động?Thanh Lan: Mình ở KTX từ năm nhất. Tiền phòng 3 năm đầu đều giữ mức giá 800k/1 kỳ 5 tháng bao gồm cả điện nước. Nhưng riêng năm nay tăng lên 1 triệu. Ở KTX có mặt lợi là tiền phòng rẻ, không phải lo chuyện tăng giá điện, nước nhưng ở môi trường tập thể, cũng không được thoải mái như trọ ngoài. Ở trong kí túc thì mỗi tháng gia đình trợ cấp cho bạn được bao nhiêu? Số tiền đó có đủ cho chi tiêu hàng ngày?Thanh Lan: Mỗi tháng gia đình gửi cho 1 triệu, vì tôi cũng đi làm thêm bên ngoài nữa. Ở KTX thì chỉ lo tiền ăn uống sinh hoạt hằng ngày, tiền nhà thì không phải lo nên cũng đỡ. Tuy nhiên ở KTX không được nấu ăn nên phải ăn quán. Cơm bụi ở cổng KTX thì hồi năm đầu chỉ khoảng 10-12k/suất. Nhưng bây giờ xuất rẻ nhất cũng phải 15k – 20k mà chỉ được ít cơm, ít rau với vài miếng thịt. Ăn cơm quán nhanh no mà cũng nhanh đói, lại còn lo vấn đề vệ sinh nữa. Bạn có hay ăn vặt không?Thanh Lan:  Không. Tôi chỉ thường mua sữa, bánh mì, mì tôm về ăn thêm thôi. Mua ở các hàng tạp hóa cho rẻ. vì đồ trong cantin KTX thường đắt hơn bên ngoài. Như bình nước lọc bên ngoài chỉ khoảng 10k, nhưng trong KTX giá 1 bình là 20k, mì tôm, nước ngọt ở cantin cũng đắt hơn bên ngoài 1000-2000đ. Với số tiền 1 triệu/tháng bố mẹ chu cấp cộng với lương làm thêm bạn có đủ chi tiêu?Thanh Lan: Nói chung là vẫn phải tiếc kiệm và hạn chế mua sắm thì mới không gặp phải cảnh hết tiền. Số tiền bố mẹ gửi lên cũng bằng ½ số tiền chi tiêu cho cả gia đình ở quê. Vì gia đình mình cũng không thuộc diện hộ nghèo nhưng bố mẹ cũng làm nông thôi, gia đình không có điều kiện. Trước kia khi chưa làm thêm thì lúc nào cũng thấy thiếu tiền, bây giờ thì cũng tạm ổn.Bạn có hay về quê không? Giá vé xe từ năm nhất đến giờ có nhiều biến động? Thanh Lan: Nhà tôi ở Nghệ An. Vé xe năm nhất tôi đi chỉ có 70k/lượt, bây giờ tăng lên 120k. Ngày lễ, tết còn tăng cao nữa. Cả đi lẫn về mỗi chuyến và ăn uống dọc đường nữa cũng mất tầm 300k, nên chẳng dám về nhiều. Cũng là sinh viên trọ học xa nhà, nhưng bạn Mạnh Hà (Lào Cai) gia đình cũng có điều kiện nên không phải lo chuyện cơm áo thường ngày. Nhưng những bạn sinh viên có điều kiện như bạn Hà cũng không phải không chịu tác động của lạm phát.  Bạn Hà trọ ở đâu? Và giá phòng trọ so với năm đầu có tăng nhiều?Mạnh Hà: Mình trọ ở khu Trần Quốc Hoàn. Phòng mình ở 2 người, cũng thoải mái. Giá phòng thì năm đầu là 1triệu 5, bây giờ đã tăng lên 2 triệu chưa kể điện nước. Giá phòng tăng, mà điện nước cũng tăng. Giá điện năm đầu chỉ có 2,5k/số, giờ là 3k/số. nước thì tăng từ 50k lên 70k.
Mỗi tháng gia đình cho bạn bao nhiêu? Số tiền đó với bạn có đủ chi tiêu?
Mạnh Hà: Mỗi tháng trung bình bố mẹ gửi cho 4 triệu. Năm nhất thì bố mẹ cho 3,5 triệu, bây giờ giá phòng tăng nên phải xin thêm. Nhà mình tuy ở xa nhưng gia đình cũng có điều kiện nên cũng đủ sống. Bạn thấy lạm phát ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của bạn?

Mạnh Hà: Nói chung là vì lạm phát nên giá cả tăng mạnh, và ảnh hưởng nhiều đến đời sốngsinh viên. Ví dụ như năm nhất hồi mình mới mua xe, 50k đã đổ đầy được bình xăng. Đến giờ phải 70k mới đầy bình.

Bạn ở xa, thế giá tàu xe về quê thì có tăng nhiều?
Mạnh Hà: Giá tàu xe về Lào Cai thì tăng ầm ầm. Nhích dần qua các mùa lễ. Mỗi năm mình về quê được 4 lần. Mỗi lần cả đi lẫn về cũng mất tầm 1 triệu. Bạn nghĩ thế nào về sự thay đổi về mức chi tiêu qua các năm là sinh viên?Mạnh Hà: Mình chỉ thấy cái gì cũng tăng nên tỉ lệ vẫn thế. Tăng từ tiền nhà, điện nước, chi phí đi lại cho đến giá cả thực phẩm ở chợ. Chỉ có tiền lương là ít tăng.
Có thể nói lạm phát có tác động rất lớn đến đời sống sinh viên, những người hiện còn chưa làm ra tiền, chưa có công việc ổn định và sống phụ thuộc vào gia đình. Với những gia đình có điều kiện, thì sinh viên ít phải lo đến vấn đề lạm phát. Còn với những gia đình bình thường hay gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thì
gánh nặng lạm phát đè nặng lên vai sinh viên và gia đình của họ.
Nhà trọ giá rẻ thì bao giờ cũng có khu vệ sinh chung và rất bẩn
Nhà trọ giá rẻ thì bao giờ cũng có khu vệ sinh chung và rất bẩn

Bạn Bùi Thị Phương, hiện là sinh viên trường Đại Học Hòa Bình, chuyên ngành Thiết Kế Đồ Họa cho biết, hiện tại chị đang trọ ở khu Kiều Mai – Từ Liêm HN. Khu trọ này được cái tương đối rẻ nên nhiều sinh viên thuê, giá phòng có khu vệ sinh chung chỉ từ 700-800k/tháng với phòng 12m2 nhưng ở tới 3 người để tiếc kiệm chi phí. Tiền thuê phòng tăng ít, trong 2 năm chỉ tăng 100k nhưng cuộc sống của sinh viên tỉnh lẻ nhiều khó khăn, trọ xa và đi học xa.

Phương học thiết kế nên tiền in bài tập mỗi đợt thi rất tốn kém. Năm đầu, giá in 1 tờ giấy bình thường chỉ 300đ, in mầu thì 2000đ, in bìa cứng5000đ. Đến bây giờ in giấy bình thường đã 500đ, in mầu thì 3000đ/tờ, in bìa cứng 7000đ/tờ, in caterlog mất 15.000đ/trang. Mỗi lần nộp bài thi cũng mất mấy trăm nghìn 1 bài. Mỗi mùa thi riêng tiền in đã tốn gần 1 triệu.

Khi nói về lạm phát, có lẽ rõ nhất là những người đi chợ. Giá cả ở chợ biến động theo mùa, và cả theo thời tiết nhưng nhìn chung tất cả đều tăng. Chị Phương nói, có lần đi chợ, vừa chiều hôm trước cà chua bán 10.000đ/cân, sau 1 đêm mưa, sáng hôm sau đã tăng lên 20.000đ/cân. Cá khô ở quê chỉ bán tầm 35-40.000đ/ kg, nhưng ở HN rẻ cũng 70-80.000đ/ kg, nếu muốn ăn, toàn phải gọi cho bố mẹ gửi từ quê lên… và đơn giản nhất, bình ga mini trước kia 1 bình chỉ có 3.000đ, bây giờ đã tăng lên 5000đ/bình. Mà mỗi bình chỉ nấu được một ngày. Trung bình tháng vẻn vẹn cũng mất 120.000đ-150.000đ tiền ga. Sinh viên thì chủ yếu ăn rau và mì tôm qua bữa thôi chứ thịt cá thì hiếm lắm. Đầu tháng bố mẹ mới gửi tiền lên còn xông xênh chứ cuối tháng hết tiền, ăn mì tôm cũng “méo mặt”.
Đỗ Linh