Trấn Thành: 'Cứ đôi nào tuyên bố yêu nhau là tan rã....'

25/04/2013 08:51
T.N (ghi)
(GDVN) - Trong chương trình Rubic Chat tuần vừa rồi, nhạc sĩ Quốc Bảo và MC Trấn Thành đã có cuộc trò chuyện về chủ đề ‘Phát ngôn của người nổi tiếng’.

Trấn Thành: Chào anh, em thấy anh dạo này trẻ hơn em đó nha?

Quốc Bảo: Anh trẻ bẩm sinh.

Lý do gì để anh lúc nào cũng tươi phơi phới thế?

Tại sao lại phải buồn?

Em hỏi thật nha, chắc cuộc sống của anh ít lo nghĩ?

Thật ra cuộc sống của ai cũng đều có những lo toan riêng.

Nếu từ ngoài nhìn vào, sẽ thấy anh cực kỳ nhàn nhã, có vẻ như vô công rồi nghề. Nhưng thật ra anh làm việc căng.

Trấn Thành và bạn gái.
Trấn Thành và bạn gái.

Thế là anh biết cách để làm cho mọi thứ mềm mại?

Anh là người chọn lối sống không bao giờ tỏ ra vất vả.

Em lại sợ người cuộc sống không vất vả mà làm như là vất vả lắm!

Có nhiều người có cách sống ngược lại. Họ tạo nên hình tượng “nhân vật quan trọng”.

Theo anh thấy thì 1 người nổi tiếng, cuộc sống của họ có phần dễ hơn so với người bình thường không?

Cái gì cũng có hai mặt. Người ta hay nói về mặt tích cực trước. Anh thấy nổi tiếng là 1 món quà trời ban. Nó giống như 1 cái giấy thông hành, như 1 loại giấy phép đặc biệt. Ví dụ như khi Thành check in ở sân bay, người ta nhận ra, và có thể cho bạn check in sớm hoặc nhường cho chỗ đẹp.

Em dù có nổi tiếng hay có trở thành gì đi nữa thì em vẫn là em thôi. Em vẫn thích ăn những quán vỉa hè. Vào tiệm phở kiểu gì em cũng được ăn trước dù em đến sau. (Cười)

Anh thấy có 2 môi trường café: trong tiệm và vỉa hè. Rất nhiều lần anh đã được 1 người bí mật trả tiền hộ. Sau đó họ chào anh từ xa chứ cũng không đến bắt tay gì cả.

Đó là 1 trong những cái lợi khi mình may mắn trở thành người nổi tiếng.

Người nổi tiếng cũng giống như  1 ngôi nhà được thắp sáng, được trang trí nội thất. Nó tỏa ra một cái gì đó ở xung quanh rất khác biệt và hấp dẫn.

Theo anh nghĩ lời nói của 1 người nổi tiếng có tác động nhiều đến người nghe không?

Chắc chắn có. Lời nói của một người của công chúng thì bao giờ cũng có tác động mạnh đến công chúng. Đó là tâm lý thần tượng. Thế hệ của anh luôn phải tìm thấy 1 thần tượng nào đó, thế hệ của em cũng thế.

Một người bình thường, họ vẫn có nhu cầu cần thần tượng. Anh không phải là thần tượng của tất cả mọi người. Nhưng 1 người bình thường khi nghe lời nói của anh thì trong tâm lý của họ nghĩ rằng: Đây là phát ngôn của 1 người từng trải, của 1 người có trách nhiệm và họ sẽ ghi nhớ lời đó.


Rõ ràng lời nói của 1 người nổi tiếng rất quan trọng!

Ở vào thời đại của mạng xã hội thì không chỉ người nổi tiếng mà cả những người bình thường cũng hơi vội vàng trong việc viết ra những suy nghĩ của mình.

Có nghĩa là họ thốt ra thành lời mà chưa kịp kiểm soát?

Thời trước, mọi người cẩn thận hơn. Từ sau khi có chat hoặc diễn đàn, mạng xã hội… thì tâm lý bột phát trở nên phổ biến. Lỡ lời thì... delete.

Có phải vì người ta không sợ mọi người biết mình là ai nên họ cứ nói đại như vậy?

Mỗi người khi tham gia vào cộng đồng mạng như thế thì họ tự phân thân. Họ xem họ là nhân vật ảo và họ cho rằng những phát ngôn đó là của nhân vật ảo chứ không phải của tôi.

Đối với những người nổi tiếng, họ được nhiều người biết đến. Nhưng họ vẫn thường hay có những phát ngôn gây chấn động?

Đó là 1 căn bệnh lây của thời đại. Khi họ đã nhập 1 vai khác thì bỗng nhiên họ thấy thoải mái, muốn nói gì thì nói.

Anh có thích phát ngôn gây sốc không?

Anh là người hơi kiệm lời. Nếu nói về mình thì đơn giản thôi. Nhưng nói về người khác thì rất cẩn trọng.

Theo anh, những nghệ sĩ khác họ lên báo để nói lên chính kiến của mình thì có nên hay không?

Phát ngôn của 1 nhân vật là nên hay không thì phải xét ở những góc độ cụ thể. Nói về những điều chung chung, nói về xã hội, về kiến thức thì chẳng có vấn đề gì cả.

Nhưng nói về những điều này thì không có cá tính? Mà nghệ sĩ thì phải có cá tính và phải được quyền nói lên ý kiến của mình?

Ai cũng có quyền nêu ý kiến. Nhưng ý kiến của 1 cá nhân thì phải được phát biểu 1 cách có trách nhiệm.

Rõ ràng chúng ta có quyền nói lên ý kiến của mình. Nhưng là người của công chúng, chúng ta nên hiểu được lời nói của mình nằm ở phạm vi nào. Có bao giờ anh nghĩ, đôi khi có những phát ngôn của một số nghệ sĩ gây ra sự tranh cãi?

Cũng có nhiều vụ như thế. Nó khiến cuộc sống bên lề của văn nghệ cũng lý thú đôi chút, cũng mua vui được. Nhưng nhiều quá thì nó cũng tệ.

Thường em thấy cứ đôi nào lên báo tuyên bố yêu nhau thì về sau cũng tan rã...

Bỗng dưng mà 1 việc riêng tư biến thành 1 việc của tập thể thì bản thân nó đã bị méo mó. Khi đó, họ giống như đang diễn trò tình yêu cho hàng triệu người xem. Bản thân 2 người đó đến 1 lúc nào đó họ sẽ không biết mình đang yêu nhau thật hay đang diễn trò tình yêu. Lúc đó, tình yêu bắt đầu có vấn đề.

Theo anh thì ở bối cảnh cuộc sống thường ngày, người nghệ sĩ có được tự do phát biểu ý kiến của mình không?

Anh khuyên họ nên sống thật với bản thân mình. Anh thường dạy cho học trò của mình thứ nhất là phải sống thật. Và thứ 2, khi đã nổi tiếng thì đến những nơi công cộng phải giấu mình đi, chứ đừng cố trưng bày ra.

Qua câu chuyện của anh, em thấy rõ ràng không ai cấm chúng ta nói cả. Nhưng chúng ta cũng cần nói có trách nhiệm và có ý thức với lời nói của mình.

Đây không phải là bài học của riêng người nổi tiếng. Mà tất cả mỗi chúng ta đều phải học.

Rất cảm ơn anh Quốc Bảo về cuộc trò chuyện!

T.N (ghi)