Nhiều lí do khiến sinh viên bỏ học giữa chừng

23/04/2013 08:59
Nguyễn Hậu
(GDVN) - Nhiều trường đại học, cao đẳng liên tiếp được lập ra cũng đồng nghĩa với việc học sinh có cơ hội trở thành sinh viên một cách dễ dàng. Có những trường không thi tuyển mà chỉ xét hồ sơ, bảng điểm cấp ba. Những tú tài khi thi tuyển trường mình yêu thích không đỗ có thể nộp hồ sơ. Vì thế mà không thiếu những trường hợp, sinh viên chán nản bỏ học giữa chừng.

Có rất nhiều sinh viên khi vào trường được một thời gian thì có xu hướng muốn bỏ học. Lí do được cho là phổ biến nhất là cảm thấy chán học và công việc sau khi ra trường bấp bênh. Vì chán học mà có nhiều sinh viên lao vào game và những thú vui khác.

Công việc hằng ngày là lên lớp ngủ và về nhà chơi game. Không chịu học hành nên cuối kì điểm học phần thường là những điểm trung bình và tình trạng nợ môn nhiều. Nợ môn quá nhiều, sinh viên chán nản và muốn bỏ học.

Dương Đình Du, sinh viên năm 2 trường Sư Phạm kĩ thuật Hưng Yên cho biết: " Mình thi Thương không đỗ và phải học nguyện vọng hai của trường. Mới đầu vì muốn bố mẹ vui lòng, mình cũng đi học, xác định năm sau sẽ thi lại. Nhưng dần dà, mình thấy chán học, chán luôn cả ôn thi Đại học, mình lao vào game. Đến cuối năm 2 thì mình nộp đơn xin thôi học.

Căn bản ngành học không phù hợp với mình và mình bị nợ môn khá nhiều". Những suy nghĩ của cậu sinh viên mới lớn thường là nông nổi và hối hận sau này. Đình Du cũng chia sẻ thêm: "Lớp năm đầu tiên rất đông, cứ hết năm lại có vài ba bạn xin thôi học. Không chỉ nguyên lớp mình mà hầu hết các ngành nghề đều có sinh viên xin thôi học".

Nhiều sinh viên chán nản học hành trên lớp khi không có mục tiêu rõ ràng
Nhiều sinh viên chán nản học hành trên lớp khi không có mục tiêu rõ ràng
Hoàng Văn Huy, sinh năm 92, trước kia là sinh viên của trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tâm sự: " Mình học ở trường được một năm, mình học chuyên ngành nấu ăn nhưng năm đầu tiên toàn học đại cương. Cảm thấy khô khan và không được học chuyên ngành mình đam ra chán.

Học được một năm thì mình bỏ. Hiện tại mình đang học nấu ăn tại một trung tâm, ngày ngày được tiếp xúc với các món ăn và được thực hành luôn. Mình thấy số tiền mình bỏ ra đáng hơn nhiều so với việc học tập ở một trường cao đẳng". Hiện trạng các trường ngày nay quá tải chương trình dạy các môn đại cương không phải là ít. Nhiều bạn sinh viên khi được hỏi không biết những môn đó sẽ giúp ích gì cho chuyên môn của mình.

Chương trình đào tạo 3, 4 năm thì có đến gần 2 năm đào tạo môn không chuyên ngành. Sinh viên được đi thực tập là rất ít. Các trường không tạo được nguồn cảm hứng cho sinh viên nên chỉ một thời gian sinh viên trở nên thấy chán và muốn thôi học. Lí do này được nhiều bạn sinh viên của nhiều trường ủng hộ. Huy cũng tâm sự thêm : " Có thể vì không được đào tạo chuyên sâu mà sinh viên sau khi ra trường không thích ứng được với việc làm. Vì thế tình trạng thất nghiệp của sinh viên ra trường ngày càng cao".
Có những trường hợp sinh viên đi làm thêm, vì mải mê kiếm tiền sớm mà quên đi nhiệm vụ trước mắt là học hành tử tế. Sau một thời gian lao vào kiếm tiền, sinh viên trở nên chán nản việc học tập, muốn có cái lợi ngay trước mắt. Nhiều sinh viên bỏ học để đi làm thêm. Thậm chí, có những trường hợp sinh viên thuê người học để đi làm thêm.

Thu Chung, là một sinh viên thường xuyên đi học hộ các bạn sinh viên cùng khóa. Chung có kể : " Mỗi lần đi học mình được 50 nghìn. bạn bè chúng nó kể đi làm được 200 nghìn. Vậy là vẫn còn tiền thừa, chẳng ai lại muốn lên lớp và ngồi không nghe thầy giảng cả". Cứ những suy nghĩ như vậy, sinh viên càng trở nên lười học và coi việc làm thêm quan trọng hơn việc không. Từ đó, nhiều sinh viên đã thôi học để chuyển hết thời gian đi làm kiếm tiền sớm. Một lối suy nghĩ sai lầm của nhiều bạn sinh viên ngày nay.
"Dù là trường hợp nào, nhưng khi đã xác định đi học, mỗi sinh viên cần phải học thật chăm chỉ. Các cụ thường nói cần cù bù khả năng. Có thể ngành học đó mình không ưa thích nhưng hãy cố gắng tạo niềm đam mê cho mình. Kiếm tiền sớm không phải là xấu nhưng sinh viên cần biết việc gì quan trọng thì đặt lên làm mục tiêu. Một công việc tốt luôn chờ bạn ở phía trước."- cô Tô Minh Phượng giáo viên trường THPT Đông Ngạc chia sẻ.
Nguyễn Hậu