Tuổi trẻ Thủ đô mang thông điệp của hậu phương gửi tới Trường Sa

28/04/2013 13:00
N.H
(GDVN) - “Mong rằng chuyến đi này sẽ chuyển tải được tất cả những gì các bạn tới thăm chúng tôi ngày hôm nay, để nói lại với Hưng cũng như các đồng đội của Hưng đang công tác ngoài Trường Sa biết là, hậu phương luôn luôn tin tưởng các con là sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đó chính là sự báo hiếu lớn lao nhất các con dành cho bố mẹ...".

Lời chia sẻ của ông Trịnh Phúc Khải, bố của anh Trịnh Quốc Hưng (đang công tác tại đảo Niêm Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) khiến nhiều trái tim như nghẹn lại.

Chỉ còn ít ngày nữa, hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” sẽ chính thức lên đường mang theo trái tim, những lời nhắn gửi, những món quà của đất liền tới với miền biển đảo xa xôi. Trước khi đến với các chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa, những người sẽ tham gia cuộc hành trình xuất phát từ Thủ đô Hà Nội đã có buổi tới thăm hỏi, động viên “hậu phương” của các  chiến sĩ đang công tác ngoài đảo. Những hình ảnh chân thực nhất về cuộc sống của gia đình các anh sẽ phần nào giúp các anh yên tâm công tác.

Sau chuyến thăm Trường Sa trở về, “tuổi trẻ” ấy lại mang những tình cảm, thông điệp của chiến sĩ về với gia đình. Đó chính là sợi dây gắn kết giữa hậu phương và lính đảo Trường Sa.

Bạn Hán Văn Đại cùng các đại biểu của đoàn trong hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" tới thăm gia đình chiến sĩ Trịnh Quốc Hưng.
Bạn Hán Văn Đại cùng các đại biểu của đoàn trong hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" tới thăm gia đình chiến sĩ Trịnh Quốc Hưng.

Trong căn nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội), bố mẹ anh Kiều Đức Vinh tuổi đã cao. Nhưng lúc nào trong họ cũng là niềm tự hào khi con trai mình được Nhà nước tin tưởng giao cho nhiệm vụ hết sức cao cả và thiêng liêng là ra công tác tại Trường Sa để khám, chữa bệnh cho bộ đội và ngư dân trên đảo.

Anh Vinh là bác sĩ bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội). Một năm trước anh nhận công tác tại đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa). Thời gian anh Vinh đi làm nhiệm vụ mới, đúng vào dịp báo, đài liên tục đưa tin về vấn đề chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa khiến vợ anh là chị Đỗ Thị Mỹ Anh vô cùng lo lắng. Nhưng sự an ủi, động viên thường xuyên của anh, những thông tin về tình hình biển đảo, nơi anh đang công tác liên tục được anh cập nhật với gia đình. Điều ấy mới giúp chị Mỹ Anh yên tâm phần nào.  

Được đặt chân tới Trường Sa, đó là niềm mong mỏi của bác sĩ Hán Văn Đại (hiện đang công tác tại bệnh viện Việt Đức). Khi ước mơ đã trở thành hiện thực, Đại luôn dặn lòng phải truyền tải được thật nhiều thông điệp mà mọi người muốn gửi gắm tới các anh. Công việc chính của Đại trong cuộc hành trình này là vận chuyển các thiết bị y tế của đoàn và hướng dẫn các chiến sĩ, y bác sĩ trên đảo sử dụng làm sao nâng cao đời sống về mặt y tế cho các chiến sĩ cũng như ngư dân trên đảo.

Các đoàn viên, thanh niên và chiến sĩ hải quân chuyển đá lên tàu ra đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa (ảnh: Tuổi trẻ).

Các đoàn viên, thanh niên và chiến sĩ hải quân chuyển đá lên tàu ra đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa (ảnh: Tuổi trẻ).

Trước khi nộp hồ sơ tham gia cuộc hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, Đại biết chuyến đi sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sức trẻ, đặc biệt là lòng nhiệt thành của một cựu sinh viên, Đại mang theo cả niềm vinh dự của thế hệ trẻ tới với vùng đất thiêng liêng của Tổ Quốc.

Xuất phát từ cảm xúc rất ngẫu nhiên khi xem những clip hay những hình ảnh, tư liệu về biển đảo nói chung, quần đảo Trường Sa nói riêng, những vấn đề liên quan tới biển đảo, chủ quyền Việt Nam luôn đọng lại trong Đại nhiều cảm xúc khó tả và dặn mình phải luôn cố gắng trên mọi “mặt trận”.

Chính từ những cảm xúc đó, Đại đã làm bài thơ: “Cảm xúc đảo xa”:

“Ôi đảo xa sao yêu đến thế

Dù hi sinh vẫn mãi kề bên

Dù trăm năm ngàn năm vẫn giữ

Để trường tồn đến vạn đại đời sau”.

Thông qua bài thơ, Đại muốn gửi thông điệp của thế hệ trẻ nói chung tới các chiến sĩ đang công tác tại các đảo và quần đảo của Việt Nam: muốn giữ được đảo hay phát triển đảo là vấn đề lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực, sự đồng lòng, chung sức của rất nhiều thế hệ. Đồng thời, bài thơ cũng thể hiện được tinh thần, trách nhiệm của thế hệ trẻ về vấn đề chủ quyền và biển đảo của đất nước.

Đại mong muốn qua chuyến đi này, trong hành trang cuộc đời, mình sẽ tích lũy được thêm nhiều những cung bậc cảm xúc về biển đảo quê hương cũng như những sự trải nghiệm, những chia sẻ, những câu chuyện về các chiến sĩ trên đảo.

Dẫu biết rằng cuộc sống của những người chiến sĩ đang công tác tại đảo Trường Sa còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của xã hội và hậu phương, chắc chắn các anh sẽ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vùng trời, biển đảo của quê hương.

N.H