Nhà văn Nguyên Ngọc bàng hoàng vì Bộ giáo dục đổi số 5 thành số 2

30/04/2013 12:32
Diệu Linh
(GDVN) - "Thật không ngờ sau đó Bộ GD&ĐT gửi cho một số báo đưa tin ra công luận thì 5 tiêu chí tuyển sinh của chúng tôi lại chỉ còn 2".

Một phương án tuyển sinh được đặc biệt chú ý

Thời gian qua, dư luận đặc biệt chú ý tới phương án tuyển sinh riêng mà Trường ĐH Phan Châu Trinh đã đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó được nhiều người coi là một bước đột phá trong bối cảnh đầu vào ĐH, CĐ đang phụ thuộc vào kết quả “ba chung” đang ngày càng lộ ra nhiều bất cập.
GS Hoàng Tụy đánh giá rất cao phương án tuyển sinh mà ĐH Phan Châu Trinh đưa ra với 5 tiêu chí rất cụ thể, đó là: (1) Điểm thi đại học theo phương thức ba chung; (2) Điểm thi tốt nghiệp phổ thông; (3) Điểm trung bình trong 3 năm học trung học phổ thông; (4) Điểm đánh giá khả năng tư duy của thí sinh thể hiện kết quả tổng hợp 12 năm học phổ thông; (5) Điểm đánh giá tố chất của thí sinh qua phỏng vấn.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam sáng nay (30/4), nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh cho biết, ông vô cùng bàng hoàng và bức xúc khi vài tờ báo đã đăng một số ý kiến nói về phương án này căn cứ trên những thông tin không hoàn toàn chính xác.

“Tôi nghĩ có lẽ đã đến lúc chúng tôi cần nói rõ với công luận về việc Trường ĐH Phan Châu Trinh xây dựng phương án tuyển sinh riêng năm nay, và quá trình chúng tôi làm việc với Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc này cho đến nay", ông nói.

Nhà văn Nguyên Ngọc
Nhà văn Nguyên Ngọc
 

Quá trình lắt léo dẫn đến hiểu sai bản chất phương án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Phan Châu Trinh như sau: 

* Bộ trưởng: 'Bộ ủng hộ các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng' --> Trường Phan Châu Trinh và một số trường khác xây dựng phương án trình Bộ.

* Khi trình lên Bộ, đề án của trường ĐH Phan Châu Trinh gồm 5 tiêu chí. Xem chi tiết: Đề xuất đột phá chưa từng có về phương án tuyển sinh 2013

'Điểm thi đại học chỉ có giá trị 20%, thế là đủ'

Nhà văn Nguyên Ngọc: 'Muốn vào trường tôi, đừng học thuộc lòng'

'Hoan hô bác Nguyên Ngọc'!

Điểm thi đại học: 7-3-3. Điểm xét tuyển: 66,87. Đỗ hay trượt?

Nữ TS toán đầu tiên của VN ủng hộ nhưng 'lo' cho ĐH Phan Châu Trinh

'ĐH Havard phỏng vấn 34000 người/năm, VN có thể học tập được'

GS Hoàng Tụy: 'Bây giờ mới thấy 1 cách tuyển sinh ĐH tiến bộ như vậy'

* Ngày 12/4, sau buổi làm việc với Cục Khảo thí, nhà văn Nguyên Ngọc thông báo, Cục này gợi ý cần thực hiện một lộ trình, trước mắt năm 2013 còn 3 tiêu chí (bao gồm có tiêu chí điểm thi ĐH)
Xem: Nhà văn Nguyên Ngọc: 'Mong Bộ trưởng sớm thực hiện lời hứa'

* Sau khi có các cuộc trao đổi của Bộ, như nhà văn Nguyên Ngọc kể, Bộ GD&ĐT đã đem phương án chỉ còn 2 tiêu chí (là điểm thi tốt nghiệp và kết quả THPT - vốn lâu nay bị xã hội nghi ngờ về tính chính xác) để công bố cho dư luận nhằm "lấy ý kiến", khiến dư luận hiểu sai bản chất phương án tuyển sinh của trường. 

Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định: Thực hiện điều 34 của Luật Giáo dục Đại học đã được Quốc hội chính thức ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 về việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học và cao đẳng; thực hiện ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và & Đào tạo trong cuộc làm việc với Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Ngoài công lập (ngày 5/3/2013), Trường ĐH Phan Châu Trinh đã xây dựng phương án của mình.

Phương án gồm 5 tiêu chí: 1) điểm thi đại học theo phương thức ba chung (khi cuộc thi này còn được tổ chức như hiện nay), 2)điểm thi tốt nghiệp phổ thông, 3) điểm trung bình trong 3 năm học trung học phổ thông; 4) điểm đánh giá khả năng tư duy của thí sinh thể hiện kết quả tổng hợp 12 năm học phổ thông, 5) điểm đánh giá tố chất của thí sinh qua phỏng vấn.
Nhà văn Nguyên Ngọc phân tích, trong tình hình cụ thể hiện nay cả 5 tiêu chí đó bổ sung cho nhau, điều tiết lẩn nhau có thể giúp loại trừ bớt một số yếu tố ngẫu nhiên hoặc một số tác động tiêu cực nếu chỉ dựa vào một cách thi chung duy nhất như đang hiện hành.
Ông bày tỏ: "Chúng tôi đã gửi dự thảo phương án này đến một số cơ quan liên quan của Bộ để thăm dò và xin thêm ý kiến nhằm điều chỉnh dần cho đến một phương án tương đối tốt nhất và khả thi nhất. Đã có một số trao đỏi, ví dụ, ở tiêu chí 1, đối với trường hợp thí sinh đã đạt trên điểm sàn trong kỳ thi ba chung của Bộ (mà theo quan điểm của chúng tôi là trong một thời gian không nên kéo dài nữa cần xóa bỏ, cả thi ba chung lẫn điểm sàn) thì có xét tiếp các tiêu chí khác không? Hay có cần một điểm ngưỡng dưới, chẳng hạn ở tiêu chí 3, các em dưới ngưỡng đó thì không được dự xét tuyển…
Quan điểm của chúng tôi về một phương án như đã trình bày từ đầu là nhất quán. Chúng tôi cho rằng cần ra sức tối đa bằng nhiều cách tìm và phát huy những mặt mạnh khác nhau của từng thí sinh, không vội vã loại ngay bất kỳ ai chỉ bằng một lần đánh giá có thể có nhiều ngẫu nhiên, cố gắng tối đa giúp các em, từng em được học tập và phát triển. Vội vàng gạt ngay đi một con người chỉ qua một cuộc thi đầy rủi ro, chặn hết đường phát triển của họ, nói theo một cách nào đó là tàn nhẫn, thậm chí độc ác".

Bên cạnh đó, nhà văn Nguyên Ngọc cũng kiên trì quan điểm rằng, về nguyên tắc một người đã học xong phổ thông, chứng tỏ đã đủ trình độ phổ thông qua một kỳ thi tốt nghiệp (cũng là do chính Bộ trang trọng tổ chức, chứ phải ai khác đâu), thì hoàn toàn có đủ quyền được xét vào đại học. Xét thế nào là tùy yêu cầu đào tạo và khả năng đào tạo của từng trường. Đó chính là điều mà Luật Giáo dục Đại học gọi là trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường".

5 tiêu chí bất ngờ bị biến thành 2 tiêu chí

Nhà văn Nguyên Ngọc cho hay, ngày 11/4/2013, ĐH Phan Châu trinh đã có cuộc làm việc với Cục Khảo thí và chính thức trình phương án tuyển sinh, gồm ba tiêu chí 1, 2, 3; hai tiêu chí 4, 5 là tiêu chí bổ sung khi cần cân nhắc giữa các thí sinh ngang nhau theo 3 tiêu chí trên. Quan trọng hơn, hai tiêu chí sau còn giúp trường hiểu từng em để giúp các em tốt hơn trong quá trình học tập.
"Chúng tôi đã đề nghi cho chúng tôi cùng một số trường làm thí điểm. Cuối giờ chiều ngày 16/4, các anh ở Cục Khảo thí báo cho chúng tôi thông tin trong cuộc họp Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia, phương án của chúng tôi cơ bản đã được chấp nhận với điều kiện chỉ cần điều chỉnh bỏ đi tiêu chí 1 (xét điểm thi đại học) là sẽ được phê duyệt cho thí điểm. Ngày 17/4, các anh tiếp tục hướng dẫn bổ sung mức cận dưới của điểm thi tốt nghiệp, điểm cận dưới của học bạ phổ thông" (chỗ in đậm chúng tôi nhấn mạnh - pv).
"Chính vì như thế nên chúng tôi dự định sẽ bỏ tiêu chí 1 (điểm thi ĐH) theo đề nghị của các anh ở Cục Khảo thí, đồng thời sẽ tăng cường các tiêu chí 4 và 5 (kiểm tra tư duy và phỏng vấn) trong việc xét tuyển để đảm bảo tính nhất quán của tinh thần phương án tuyển sinh ban đầu", nhà văn Nguyên Ngọc kể tiếp. 
"Thật không ngờ, sau đó, Bộ gửi cho một số báo đưa tin ra công luận để nghe ý kiến thì phương án được coi là của trường của chúng tôi lại chỉ còn tiêu chí 2 và 3. Chúng tôi không được biết trước việc này", ông nói. 
Cuối cùng, nhà văn Nguyên Ngọc nêu ra những điều cần suy nghĩ để công luận đánh giá: Vì sao Bộ lại gợi ý bỏ tiêu chí 1 (điểm thi đại học ba chung quy mô và rất được Bộ tập trung tổ chức)? Bỏ như vậy, rồi đưa ra cho dư luận phán xét phương án do chính Bộ gợi ý chỉ còn có 2 tiêu chí - là điểm thi phổ thông và điểm trung bình ở cấp 3, vốn dễ bị nghi ngờ hơn cả về độ tin cậy và cũng dễ bị tác động tiêu cực, mà chúng tôi đã cố gắng điều hòa, hạn chế bằng các tiêu chí khác?
"Quả thật, đối với việc thực hiện một điều đã được Luật quy định rõ ràng thì những diễn biến khúc khuỷu như vừa qua là không bình thường, và khá 'lạ'. Giải thích sự lạ này như thế nào đây? Và cần phải làm gì? Chúng tôi đề nghị được làm việc tiếp với Bộ để có thể cùng đi đến một phương án giữ được tinh thần cơ bản đã đề ra từ đầu, vừa giải quyết được tình hình trước mắt, vừa góp phần tích cực mở đường cho phát triển sáng sủa hơn của đào tạo đại học, và có tính hiện thực, khả thi", nhà văn Nguyên Ngọc nói.
Diệu Linh