Choáng với những kiểu chặt chém ngày lễ 30/4

01/05/2013 10:28
V.P (th)
(GDVN) - Khi thanh toán tiền, chủ quán đưa hóa đơn 1,4 triệu đồng, trong đó có mục “dịch vụ ghế và tắm” hết 500.000 đồng. “Tôi chưa thấy nơi nào bán đồ ăn lại đi thu tiền ghế của khách đến 500.000 đồng như ở đây” - anh Thanh bức xúc.
Hà Nội: Du khách đi taxi 7 km bị 'chém' gần 1 triệu đồng

Trưa 28/4, anh David Patrick cùng vợ Brandi Dawn Burmey (quốc tịch Australia) bắt taxi Trung Việt từ bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (phố Điện Biên Phủ, Hà Nội) đến bảo tàng Dân tộc học (phố Nguyễn Văn Huyên). Đồng hồ tính cước hiển thị 98.000 đồng nhưng tài xế viết hoá đơn 980.000 đồng. Trước khi trả tiền, hai vợ chồng anh Patrick đã chụp lại đồng hồ cước, ảnh tài xế và biển số xe.

Đầu tháng 4, thanh tra giao thông Hà Nội đã phát hiện một xe taxi của hãng Trung Việt lắp thiết bị điều khiển từ xa làm sai lệch giá cước trên đồng hồ. Nhờ đó, nếu xe chạy với tốc độ 20 km một giờ thì chỉ cần di chuyển trong 1 km, giá cước sẽ bị đẩy lên 400.000 đồng. Ảnh: Báo Kinh tế đô thị.
Đầu tháng 4, thanh tra giao thông Hà Nội đã phát hiện một xe taxi của hãng Trung Việt lắp thiết bị điều khiển từ xa làm sai lệch giá cước trên đồng hồ. Nhờ đó, nếu xe chạy với tốc độ 20 km một giờ thì chỉ cần di chuyển trong 1 km, giá cước sẽ bị đẩy lên 400.000 đồng. Ảnh: Báo Kinh tế đô thị.

Trong vòng một tuần, tại Hà Nội liên tục xảy ra các vụ chặt chém, lừa đảo khách du lịch nước ngoài. Cụ thể, ngày 23/4, ba mẹ con bà Ilona Schultz (quốc tịch Australia) đi xích lô từ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm) dài chừng 5 km cũng bị yêu cầu trả 1,3 triệu đồng. Tài xế xích lô này sau đó bị công an xử phạt hành chính. Đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đến xin lỗi bà Ilona Schultz và trả lại 1,3 triệu đồng.

Hai ngày sau, 3 du khách Pháp vừa đến sân bay Nội Bài đã bị tài xế taxi và nhân viên khách sạn trên phố cổ cấu kết lừa đảo, đe dọa tính mạng. Khi công an vào cuộc, nhân viên lễ tân khách sạn đã nhận lỗi, đồng thời bồi thường cho 3 vị khách 10 triệu đồng. (Theo Vnexpress)

Khánh Hòa: Vào nhà hàng bị “chém” 500.000 đồng tiền ghế ngồi


Phản ánh đến báo Tuổi trẻ vào chiều 30/4, anh Lê Xuân Thanh (du khách Huế) cho biết:  Khoảng 11g cùng ngày, đoàn của anh gồm 6 người đi đến nhà hàng Bảo Hoa (khu Bãi Dài, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) ăn uống.

Đến gần 16g khi thanh toán tiền, chủ quán đưa hóa đơn 1,4 triệu đồng, trong đó có mục “dịch vụ ghế và tắm” hết 500.000 đồng. “Tôi chưa thấy nơi nào bán đồ ăn lại đi thu tiền ghế của khách đến 500.000 đồng như ở đây” - anh Thanh bức xúc.

“Tôi chưa thấy nơi nào bán đồ ăn lại đi thu tiền ghế của khách đến 500.000 đồng như ở đây” - anh Thanh bức xúc. Ảnh minh họa.
“Tôi chưa thấy nơi nào bán đồ ăn lại đi thu tiền ghế của khách đến 500.000 đồng như ở đây” - anh Thanh bức xúc. Ảnh minh họa.

Sau khi nhận được thông tin từ du khách, bà Nguyễn Thị Thạnh, chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, khẳng định nhà hàng thu tiền ghế như vậy là sai quy định.

Theo bà Thạnh, loại ghế để nằm trên bãi biển cũng chỉ được thu không quá 5.000 đồng/lượt. Ngay sau đó, bà Thạnh đã cho cán bộ xuống kiểm tra và yêu cầu nhà hàng Bảo Hoa hoàn trả số tiền cho khách.

Tham dự Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, du khách bị “chém đẹp”


Thông tin trên báo Phụ Nữ Online cho biết: Chiều 30/4, hơn 4 giờ trước khi diễn ra trình diễn pháo hoa, hàng chục điểm giữ xe tự phát ở khu vực phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) mặc dù đều treo bảng niêm yết giá giữ xe theo đúng quy định của UBND TP. Đà Nẵng 2.000 đồng/xe đạp, 5.000 đồng/xe máy và 30.000/ô tô, tuy nhiên khi du khách trở lại lấy xe, lại bị lấy giá “trên trời”.

Trong đêm 29/4, những điểm giữ xe này ngang nhiên thu của khách 10.000 đồng/xe đạp, 20.000 – 30.000 đồng/xe máy và 50.000 – 100.000 đồng/xe ô tô.

\\ Một số điểm giữ xe niêm yết giá song vẫn thu quá giá. Ảnh: VNE
Một số điểm giữ xe niêm yết giá song vẫn thu quá giá. Ảnh: VNE

“Chúng tôi không đồng ý trả thì họ dọa sẽ bẻ gương chiếu hậu, lớn tiếng la lối nói một năm chỉ có một ngày mà cũng ki bo. Để yên chuyện, chúng tôi đành phải trả tiền mới lấy được xe”, một du khách bức xúc nói.

Trong khi đó, nhiều người bán hàng rong cũng tranh thủ thời cơ để nâng giá vô tội vạ. Tối 29/4, trước lễ khai mạc, trời bất ngờ đổ mưa khiến nhiều du khách nháo nhào chạy tìm mua áo mưa, dù. Lợi dụng cơ hội, nhiều người bán hàng rong hét giá mỗi áo mưa tiện lợi (loại mỏng, xài một lần) giá 15.000 - 20.000 đồng, dù che mưa giá 50.000 - 70.000 đồng/chiếc.

Canaval Hạ Long, phòng nghỉ, khách sạn đội giá 1,5 - 2 lần

Dịp 30/4, lượng du khách đổ về thành phố biển Hạ Long không tăng so với các năm trước. Do người xem lễ hội Carnaval Hạ Long đa phần là dân địa phương nên các điểm vui chơi giải trí khá vắng lặng. Tuy nhiên, phần lớn nhà nghỉ, khách sạn 1-2 sao tăng giá 1,5 - 2 lần, và không ít khách sạn còn lừa gạt du khách.

Anh Xuân (Hà Nội) đặt phòng tại một khách sạn 2 sao ở trung tâm Bãi Cháy, giá 650.000 đồng. Tới nơi, gia đình anh thất vọng khi thấy phòng khách sạn rộng 10 m2, nội thất cũ kỹ, nhà vệ sinh bẩn thỉu. Khi anh yêu cầu trả lại tiền đặt cọc, đại diện khách sạn này lại bắt anh trả phí giữ phòng.

Du khách đến đảo Lý Sơn tăng đột biến, đi du lịch như hành xác

Tại Quảng Ngãi, theo ông Trần Ngọc Nguyên - chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), chưa năm nào huyện đảo lại đón một lượng lớn du khách đất liền ra tham quan đảo như dịp này. Ước có gần 2.000 khách du lịch ra đảo trong dịp nghỉ lễ ngày 29, 30/4.

Trong khi đó, cả đảo Lý Sơn chỉ có 2 khách sạn và vài nhà nghỉ, công suất phòng chứa được khoảng 400 khách. Do khan hiếm phòng nghỉ nên giá phòng cũng bị đẩy lên gấp rưỡi ngày thường. Phần lớn du khách phải lưu trú ở nhà dân, số khác lại ra đảo rồi vào đất liền luôn trong ngày.

Tàu cao tốc cập cảng đảo Lý Sơn.
Tàu cao tốc cập cảng đảo Lý Sơn.

Hôm 28/4 diễn ra lễ hội Lễ khao lề thế lính quy mô lớn nhất,, tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí nhiều tàu đưa đón khách song tình trạng vận chuyển quá tải vẫn diễn ra. Tàu vừa cập bến, hàng chục khách ào ào chen xuống tàu. Nhiều người đã mua vé nhưng lại bị nhà tàu đuổi xuống vì quá tải.

"Chuyến đi hãi hùng, mạnh ai người đấy chen lên tàu như một cuộc tháo chạy mà không có sự sắp xếp. Chúng tôi vạ vật trên đảo nhiều giờ, bị nhỡ 3 chuyến tàu, vạ vật trên boong tàu để về đất liền. Đi du lịch mà như bị hành xác", chị Thu Hương, một du khách Hà Nội bức xúc.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Du khách đông, giá phòng tăng vọt


Theo ban quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), trong bốn ngày lễ qua thành phố này đón hơn 130.000 lượt du khách, trong đó ngày 30/4 đón hơn 60.000 lượt. Anh Bình Minh (trú ở P.2, TP Vũng Tàu) cho biết ngày 29/4, một người bạn của anh đã phải trả đến 2,6 triệu đồng/phòng khi ở một khách sạn trên đường Thùy Vân, Bãi Sau, Vũng Tàu. Theo anh Bình Minh, giá phòng khách sạn này ngày thường chỉ 800.000-1 triệu đồng/phòng.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi

V.P (th)