“Quan điện” và những "chiêu trò hành" doanh nghiệp đến cùng

03/05/2013 08:05
Nhóm PV điều tra
(GDVN) - Kỳ trước, trong bài “Quan điện vừa giữ 1,7 tỷ đồng của doanh nghiệp, vừa la làng”, chúng tôi đã gửi tới bạn đọc những thông tin về những “miếng võ có một không hai” của Điện lực Phú Thọ. Những miếng võ này đã làm doanh nghiệp “dở khóc dở mếu” ...
Văn phòng Công ty Điện lực Phú Thọ, đường Đại lộ Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Văn phòng Công ty Điện lực Phú Thọ, đường Đại lộ Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Là đơn vị quản lý về mặt hành chính trong lĩnh vực điện ở tỉnh, nhưng với những chiêu trò "hành" doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh của Điện lực Phú Thọ đã làm cho nhà máy xi măng Hữu Nghị phải nhiều phen lao đao.
Sự việc được diễn ra đầu năm 2007, sau những "chiêu trò" mà chúng tôi đã nêu trong những số báo trước thì Điện lực Phú Thọ lại tự ý đấu chết tất cả các cầu dao và thiết bị đóng ngắt điện của trạm biến thế của Nhà máy xi măng Hữu Nghị. 

Những việc mà lẽ ra nó “không cần phải có” như sau khi nghiệm thu chuẩn bị đóng điện trạm biến thế mới cho doanh nghiệp, cán bộ của Điện lực Phú Thọ bỗng dưng ‘phát hiện” ra những lỗi như “bản lề” của hòm công tơ bị hỏng hoặc “sao mà tôn làm hòm công tơ lại mỏng thế này”... để lấy lý do trì hoãn việc đóng điện.

Sau nhiều ngày dừng lại để sửa bản lề hòm công tơ và rồi lại phải chế tạo hòm công tơ mới (chúng tôi cũng lưu ý với bạn đọc là hòm công tơ là tài sản của Điện lực và do Điện lực tự mua, quản lý chứ không liên quan gì đến doanh nghiệp), Điện lực Phú Thọ đã tiến hành đóng điện trong sự bức xúc của cán bộ, công nhân nhà máy xi măng Hữu Nghị.

Việc đấu chết tất cả các cầu dao và thiết bị đóng ngắt điện của trạm biến thế của Nhà máy được thực hiện trong quá trình Điện lực nghiệm thu trạm biến thế và lắp đặt các thiết bị đo đếm điện. Với cách làm này nếu xẩy ra sự cố về điện như chập điện, cháy nổ thì rất khó có thể xử lý công tác cứu chữa được.

Bởi vì nếu chờ “người cứu” thì doanh nghiệp lại phải thêm một công đoạn nữa là phải báo được “Quan điện” đồng ý để ngắt cầu dao tổng ở lưới điện chung của Thành phố. Hồi đó, báo chí cũng đã tốn nhiều bút mực để phê phán cách làm tùy tiện, phi kỹ thuật và thậm chí vi phạm nghiêm trọng qui định của Pháp luật về an toàn sử dụng điện của ông “Quan điện” này.

Nếu có tai nạn chập, cháy xẩy ra do điện thì không chỉ hàng nghìn tỷ đồng tiền thiết bị của một nhà máy xi măng sẽ bị phá hủy mà tính mạng của hàng trăm công nhân đang làm việc trong nhà máy cũng phải chịu chung số phận “ngàn cân treo sợi tóc”.

Có ai dám dùng vòi rồng phun nước vào một đám cháy do điện khi mà nguồn điện chưa được cắt (!). Có lẽ lịch sử của ngành điện Việt Nam, chưa có nơi nào dám làm như vậy. Theo qui định an toàn về điện thì mỗi một thiết bị sử dụng điện đều phải có thiết bị bảo vệ, thế mà vào năm 2007, điện lực Phú Thọ đã dám ngang nhiên vô hiệu hóa khả năng bảo vệ của toàn bộ hàng ngàn, hàng vạn thiết bị của một nhà máy xi măng.

Biên bản nghiệm thu hòm bao bọc thiết bị đếm điện và hệ thống đo đếm điện năng với nhiều điều khoản "lạ lùng" của Điện lực Phú Thọ
Biên bản nghiệm thu hòm bao bọc thiết bị đếm điện và hệ thống đo đếm điện năng với nhiều điều khoản "lạ lùng" của Điện lực Phú Thọ


Sau khi phát hiện ra kiểu hành doanh nghiệp này của Điện lực Phú Thọ, doanh nghiệp đã phải kêu cứu lên UBND Tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp và các ban, ngành liên quan. UBND Tỉnh đã phải ngay lập tức can thiệp yêu cầu Điện lực phải gỡ bỏ toàn bộ các đấu tắt để trả lại sự an toàn cho nhà máy.

Mặc dù đã có sự can thiệp ngay của UBND tỉnh Phú Thọ, nhưng cũng phải sau nhiều cuộc họp của các Ban, ngành và với sự lên tiếng gay gắt của báo chí thì Điện lực Phú Thọ mới chịu lui để trả lại sự an toàn cho doanh nghiệp. Trong các cuộc họp giải quyết sự vụ này, hầu như tất cả các thành viên được mời dự họp, đều lắc đầu lè lưỡi về sự liều mạng của “Quan điện”.

Với áp lực mạnh mẽ của UBND tỉnh Phú Thọ, các cơ quan chức năng của Tỉnh và báo chí, Điện lực phải tháo bỏ tất cả các điểm đấu chết ra, không có tai nạn nào kịp ập xuống đầu “dân lành”.

Sau khi tất cả các điểm “đấu chết” được tháo bỏ, dư luận nhẹ người mừng cho doanh nghiệp “tai qua nạn khỏi”. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, “Quan điện” lại "thắc mắc" khi thấy sản lượng tiêu thụ điện tháng 6 năm nay của doanh nghiệp “tại sao lại thấp hơn nhiều” so với tháng 6 năm ngoái. Và "khúc mắc" giữa doanh nghiệp và Điện lực Phú Thọ lại diễn ra, doanh nghiệp lại bị hành và lại kêu cứu, lại khiếu nại, các cơ quan chức năng lại phải vào cuộc hòa giải.

Sự việc cụ thể ra sao, liệu có xẩy ra sự kiện 28/8 (sự kiện ngày 28/8/2006 Điện lực Phú Thọ đã vu cho doanh nghiệp là “ăn cắp” điện) nữa hay không, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong kỳ tới.
Nhóm PV điều tra