Bóng đá Đức chưa đủ ‘trình’ thống trị Champions League

03/05/2013 08:42
Hoài Trinh (TT&VH)
Người Đức trên thực tế chỉ biết dựa vào Bayern và Dortmund, trong khi những đại diện còn lại chưa đủ lớn về tầm vóc. Nhưng ngay cả hai niềm hi vọng ấy cũng gặp phải những vấn đề khiến họ không thể là những kẻ thống trị.
Borussia Dortmund và Bayern Munich đã có những màn trình diễn tuyệt hay và rất thuyết phục trên con đường tiến vào trận chung kết Champions League đầu tiên trong lịch sử giữa hai đại diện Bundesliga. Nhưng chừng đó là chưa đủ để khẳng định quyền lực của bóng đá châu Âu đã được chuyển giao cho người Đức.Bayern, Dortmund và hết Bundesliga đã có một mùa giải ngập tràn niềm vui và gợi nhớ tới thời hoàng kim của bóng đá Đức những năm 1970. Lần đầu tiên 7 đại diện Đức tham dự Champions League và Europa League đều vượt qua vòng bảng. Bayern, Dortmund, Schalke đều xếp nhất bảng ở sân chơi lớn nhất lục địa già và Bayern, lá cờ đầu của Bundesliga giành vé vào chơi trận chung kết thứ 3 trong vòng 4 năm. Tiếp đến, khi UEFA công bố hệ số của các CLB dựa trên thành tích ở các Cúp châu Âu, có tới 7 đại diện Đức góp mặt trong top 40, sánh ngang La Liga, trong khi bóng đá Italia và Anh chỉ có 5 và 4 đại diện. Tháng 4, Bundesliga được tạp chí World Soccer bầu là giải VĐQG số 1 thế giới dựa trên các tiêu chí: bàn thắng, tài chính, lượng khán giả đến sân…
Còn quá sớm để nói về sự thống trị của bóng đá Đức.
Còn quá sớm để nói về sự thống trị của bóng đá Đức.
Người ta bắt đầu nói về sự sụp đổ của Barca, về sự đổ vỡ của Real sau khi chia tay Mourinho, về triều đại của người TBN đã chấm dứt và sự lên ngôi của người Đức. Nhưng người viết cho rằng chiến thắng của người Đức chỉ mang tính hiện tượng và không thể lặp lại vào mùa sau, giống như người TBN, Italia và Anh không thể duy trì thế thống trị của mình sau những trận chung kết nội bộ vào các năm 2000, 2003 và 2008. Gladbach đã bị loại ngay từ vòng play-off mùa này. Schalke, đội bóng lọt vào bán kết hai năm trước (và thua tan nát trước M.U) bị loại bởi Galatasaray. Leverkusen, CLB đã nắm chắc vé Champions League mùa sau từng bị Barca quần tơi tả với tỷ số 7-1. Người Đức trên thực tế chỉ biết dựa vào Bayern và Dortmund, trong khi những đại diện còn lại chưa đủ lớn về tầm vóc. Nhưng ngay cả hai niềm hi vọng ấy cũng gặp phải những vấn đề khiến họ không thể là những kẻ thống trị.Sự run rẩy của Dortmund

1
Đây là trận derby Đức đầu tiên ở chung kết Cúp C1/Champions League. Bayern đã 9 lần lọt vào chung kết, thắng 4 và thua 5. Dortmund mới một lần đi tới trận đấu cuối cùng và đoạt Cúp sau khi đánh bại Juventus năm 1997.

4
Đây là trận derby thứ tư giữa hai CLB thuộc cùng một nước ở chung kết Cúp C1/Champions League, sau các trận derby TBN (Real - Valencia, 2000), derby Italia (Milan - Juve, 2003) và derby Anh (M.U - Chelsea, 2008).

7
Mùa giải này, cả 7 đại diện Đức tham dự Champions League và Europa League đều lọt vào vòng knock-out.

Trong hai lượt đấu bán kết, Dortmund đã trình diễn hai bộ mặt đối nghịch. Một bộ mặt tươi sáng ở Signal Iduna Park với lối tấn công rực lửa, đánh bại đối thủ trong từng pha tranh chấp. Ở Bernabeu lại là một vẻ mặt nhợt nhạt, yếu ớt, thậm chí run sợ trước sức công phá của Real. “Vàng đen” đã trải qua 10 phút cuối dài dằng dặc khi Benzema và Ramos ghi bàn. Các cầu thủ Subotic, Blaszczykowski, Piszczek… lóng ngóng, mắc sai lầm và phải nhờ vận may để bảo toàn vé. Sự yếu ớt của Dortmund được thể hiện qua lời tự thú của CEO Hans-Joachim Watzke, người đã phải rời khỏi hàng ghế V.I.P, trốn vào toilet vì quá căng thẳng: “Lần đầu trong đời tôi gặp vấn đề về tim. Tôi đã phải chui vào toilet trong những phút cuối, bịt tai lại và nhìn vào gương”. Đội quân trẻ của Juergen Klopp đã gặp phải những vấn đề về kiểm soát cảm xúc, nói như trung vệ Hummels thì “nhiều người trong chúng tôi vẫn còn là trẻ con”. HLV Klopp cũng thừa nhận “những đứa trẻ của tôi cần được xả hơi”, sau màn tra tấn cảm xúc ở Madrid. Sau một mùa giải thành công, Dortmund sẽ chảy máu tài năng. Goetze và Lewandowski đã chắc chắn ra đi. “Die Borussen” sẽ nhận được khoảng 60 triệu euro từ Champions League và cũng chừng đó từ việc bán hai ngôi sao, nhưng sẽ không có chuyện đội bóng vùng Ruhr đổ tiền vào chuyển nhượng. Sau lần suýt phá sản vì chạy đua mua ngôi sao, Dortmund quay về sử dụng các cầu thủ tự đào tạo và sẵn sàng bán bớt ngôi sao để không phá vỡ khung lương. Sahin được bán với giá chỉ 10 triệu euro. Goetze, 37 triệu vẫn quá rẻ so với tài năng của mình. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu hiện tượng Dortmund được giải mã ở mùa sau.Và sự “vô đối” của Bayern Bayern đã chứng minh mình là đội bóng mạnh nhất thế giới khi đánh bại Barca với tổng tỷ số 7-0. Họ sẽ càng mạnh hơn nhờ Goetze cùng những ngôi sao “rút ruột” từ các đối thủ ở Bundesliga? Chưa chắc, việc khiến các đối thủ suy yếu, kiệt quệ có thể là sai lầm của “hùm xám”. Steve Jobs, CEO quá cố của Apple từng nói: “Bạn thật hạnh phúc nếu có một đối thủ đích thực”. Cuốn sách “Từng là bá chủ” cũng viết rằng “tôi đã làm một điều kinh khủng với ông, bằng cách lấy đi đối thủ nặng ký của ông”, bởi khi một kẻ không có đối thủ, không nằm trong môi trường cạnh tranh, kẻ đó sẽ tự thất bại. Sức mạnh của gã khổng lồ Bavaria là không cần bàn cãi, nhưng quá mạnh chưa hẳn đã là tốt. Chuỗi trận buồn tẻ ở Bundesliga sẽ làm cùn nanh vuốt của “hùm” và cảm hứng chiến thắng cũng sẽ trôi tuột theo thời gian. Đó là viễn cảnh chờ đợi Bayern ở mùa giải tới. Bóng đá Đức có những nền tảng vững chãi cho thành công nhưng chỉ có Bayern là đủ tiềm lực cạnh tranh ở Champions League. Và khi không được trui rèn bản lĩnh bằng những trận cầu cân não, sức mạnh, bản lĩnh, độ lì lợm của “hùm xám” cũng khó có thể phát lộ khi bắt gặp những đối thủ lớn ở sân chơi châu lục.
40 năm trước, bóng đá Đức từng thống trị châu Âu

Bundesliga của người Đức không thể sánh bằng La Liga, Serie A hay Premier League về thành tích ở cấp CLB, nhưng cũng đã có một thời kỳ bóng đá Đức thống trị Cúp châu Âu. Đó là giai đoạn những năm 1970, khi Bayern Munich với dàn sao Franz Beckenbauer, Sepp Maier, Gerd Mueller, Uli Hoeness… liên tiếp giành 3 Cúp C1 các năm 1974, 1975, 1976 và thời kỳ thống trị ấy chỉ kết thúc khi Maier, Hoeness giải nghệ, còn Beckenbauer, Mueller gia nhập giải nhà nghề Mỹ. Cùng trong giai đoạn ấy, Borussia Moenchengladbach của siêu tiền đạo Jupp Heynckes cũng chơi rất tốt ở đấu trường châu lục, từng đi tới trận chung kết Cúp C1 1977 (thua Liverpool) và 4 lần lọt vào chung kết UEFA Cup, với 2 lần giành chiến thắng.

Cả Bayern và Gladbach đều suy yếu trong thập niên 1980 và đó là giai đoạn Hamburg đóng vai trò lĩnh xướng với ngôi sao Kevin Keegan tới từ nước Anh. Sau khi để thua Nottingham Forest trong trận chung kết Cúp C1 1980, Hamburg 3 năm sau đã đánh bại Juventus để lần đầu tiên, cũng là duy nhất lên ngôi vô địch châu Âu. Thập niên 1990, tới lượt Dortmund của HLV Ottmar Hitzfeld ghi dấu ấn. Sau cú đúp vô địch Bundesliga 1995, 1996, Dortmund đã đánh bại Juventus của Del Piero và Zidane đầy bất ngờ trong trận chung kết Champions League 1997 ở Olympiastadion, Munich để giành chức vô địch đầu tiên trong lịch sử “Vàng đen”.
Hoài Trinh (TT&VH)