"Hành vi của Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy chưa đủ căn cứ cấu thành tội"

04/05/2013 06:43
Thế Long - N. Huệ
(GDVN) - Liên quan tới sự việc “Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Bình Định bị tố có quan hệ nam nữ bất chính”, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đưa ra quan điểm: hành vi của ông L.V.V – Phó Chánh văn phòng tỉnh ủy Bình Định chỉ là có lỗi chứ chưa cấu thành tội.

Như thông tin Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng tải, ông Lê Anh Quốc (SN 1969, ở đường Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn, Bình Định) đã có đơn tố cáo rằng khoảng 14h ngày 23 tháng 3 năm 2013, ông cùng một số người khác đã "bắt gặp quả tang" ông L.V.V và vợ ông là bà Hà Cẩm Hà ở phòng 207, khách sạn số 05, đường Lê Lai, TP. Quy Nhơn, Bình Định.

Theo ông Quốc, trong khi bị bắt quả tang, ông V luôn miệng năn nỉ bỏ qua vì là Đảng viên

Hiện tại, ông Nguyễn Văn Thiện – Bí thư tỉnh uỷ Bình Định đã nhận được đơn tố cáo về việc ông L.V.V bị bắt quả tang có quan hệ bất chính với một phụ nữ đang có chồng.

Ông Thiện đã chuyển đơn này sang cho Uỷ ban Kiểm tra tỉnh uỷ Bình Định để xác minh và hiện chưa có kết quả.

"Hành vi của phó Chánh văn phòng chỉ là lỗi chứ chưa cấu thành tội"

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Căn cứ vào những thông tin trong nội dung đơn thư tố cáo của ông Lê Anh Quốc gửi đến các cơ quan chức năng được đăng tải trên báo chí trong thời gian qua về sự việc này, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết:

Hành vi của ông V chỉ là lỗi chứ chưa cấu thành tội. Nếu như chỉ là đơn tố cáo của người chồng gửi lên cơ quan chức năng mà thiếu các chứng cứ khác như chứng cứ bằng hình ảnh, băng ghi hình hoặc băng ghi âm do người chồng cung cấp thì cũng chưa đủ căn cứ để xác định lỗi của ông Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Bình Định. Ngoài những chứng cứ ấy còn phải phù hợp với những chứng cứ khác. Ví dụ, người quản lý nhà nghỉ thừa nhận là hai người này có thuê ở phòng đó, vào thời gian trùng hợp với lời khai của người tố cáo.


Nhưng xét về mặt đạo đức, theo thông tin ông Quốc tố cáo thì: ông V đã chung sống như vợ chồng với người khác.

Tuy nhiên, luật sư Hòe phân tích: Chung sống như vợ chồng với người khác để cấu thành tội trong trường hợp này là rất khó đưa ra kết luận. Vì theo Nghị quyết hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao thì chung sống như vợ chồng phải có tài sản chung, nơi ở chung…

Trong nguyên tắc của điều tra và xác định có hành vi đó hay không thì phải căn cứ vào chứng cứ lời khai của người tố cáo có phù hợp với chứng cứ khách quan của người thu thập chứng cứ hay không.

Để có cái nhìn đa góc cạnh hơn về vấn đề này, luật sư Hòe đặt ra giả thiết: Trong trường hợp đơn tố cáo là đúng sự thật và người chồng có đầy đủ chứng cứ thì ông Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Định vi phạm nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân gia đình là chế độ 1 vợ, 1 chồng; vi phạm điều cấm của Luật được quy định rất rõ tại khoản 2, điều 4: “Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

Và trong điều lệ Đảng cũng quy định rất rõ là Đảng viên phải tuân thủ theo pháp luật. Nhưng việc ông V vi phạm luật hôn nhân gia đình là ông V đã vi phạm điều lệ Đảng.

"Có thể kỉ luật Đảng viên đối với ông V"


Nhà khách T102, nơi được cho là ông Lê Văn Vương và bà Hà Cẩm Hà hẹn hò nhau.
Nhà khách T102, nơi được cho là ông Lê Văn Vương và bà Hà Cẩm Hà hẹn hò nhau.

Tuy nhiên, luật sư khẳng định: Điều đặc biệt quan trọng là xác định lỗi hay hành vi của ai đó phải có một biên bản xử phạt hành chính.

Nhưng theo thông tin đã đưa, từ thời điểm ông Phó chánh văn phòng tỉnh ủy bị phát giác cho tới thời điểm hiện tại, chưa thấy có biên bản xử phạt hành chính thì liệu khi cơ quan điều tra, xác minh ra sự thật mà pháp luật đòi hỏi phải có biên bản xử phạt hành chính thì có hay không việc làm được biên bản ấy? Đó là vấn đề mà luật sư cho rằng không hồi tố được. Có chăng chỉ là một kết luận của cơ quan thanh tra khẳng định ông Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy có lỗi trong vấn đề ấy.

Một vấn đề khác cũng được Luật sư quan tâm “mổ xẻ” là: Kết luận của cơ quan thanh tra có đủ căn cứ để kỉ luật Đảng đối với ông V hay không? Một kết luận thanh tra chỉ là một căn cứ để xem xét đảng viên đó chứ chưa đủ điều kiện để kỉ luật hay sa thải đảng viên ấy.

Vì thế với tình huống này, theo quan điểm của luật sư Trương Quốc Hòe, cơ quan thanh tra sẽ là người đứng ra phán quyết. Nếu cơ quan thanh tra thu thập đầy đủ các nhân chứng, vật chứng thì có quyền triệu tập những người có liên quan tới vụ việc này để lập một biên bản và thừa nhận hành vi của ông này.

Trong trường hợp ông Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy không nhận tội nhưng khi triệu tập những người có liên quan tới đối chấp và các tình tiết phù hợp với chứng cứ khách quan như luật sư đã phân tích, theo nguyên tắc điều tra cơ quan thanh tra có quyền đưa ra kết luận. Và kết luận ấy tương đương với giá trị của một biên bản.

Đã có biên bản ấy thì hành vi của ông Vương vi phạm luật hôn nhân gia đình, có thể kỉ luật Đảng viên đối với ông V.

Luật sư cũng nêu thêm quan điểm: Trong trường hợp này, báo chí có quyền phản ánh và yêu cầu cơ quan thanh tra cung cấp kết luận của thanh tra về sự việc đã được phản ánh.

Thế Long - N. Huệ