Người gọi ‘kẻ lười biếng’ là BOM TẤN: Trách nhiệm thuộc về ai?

07/05/2013 16:32
Ngô Khởi
(GDVN) - Bạn đọc Ngô Khởi đã gửi đến Giaoduc.net.vn một bài viết công phu xung quanh sự kiện clip "kẻ lười biếng" luận về giáo dục. Bài viết có tựa đề: Từ "Sự trăn trở của Kẻ lười biếng" đến vấn đề cải cách giáo dục VN. Sau đây là phần 2 của bài viết.

>Xem lại phần 1: 'Thưa Kẻ lười biếng, cậu đúng là quả bom tấn'!

Phần II: Giáo dục ngày càng tuột dốc. Trách nhiệm thuộc về ai?

Clip "Sự trăn trở của kẻ lười biếng" xuất hiện khiến cho câu chuyện giáo dục rôm rả hẳn lên. Đối với tác giả của clip: khen có, chê có. Nhưng chê ít mà khen lại quá nhiều.

Dễ hiểu thôi: Ngoài việc Cậu quá ưa nhìn, diễn thuyết quá hay, quá hùng hồn…  thì về phương diện bản lĩnh (thể hiện Trách nhiệm cá nhân đối với thời cuộc), Cậu xứng đáng là một ANH HÙNG!

Clip đã làm nức lòng biết bao người lớn. Chúng ta vui, vui lắm! Vui vì bỗng nhiên có người nói toạc hộ mình bao nhiêu bức xúc đang chứa chất bấy lâu trong lòng. Nhưng người lớn chúng ta ơi! Chút vui mừng nhỏ nhoi ấy làm sao che giấu nổi nỗi thất vọng, niềm xót xa, tủi hổ đang hiển hiện trong từng ánh mắt, trên từng khuôn mặt, mỗi khi nhắc đến hai từ: "Giáo dục"?!

Thất vọng! Vì không biết còn phải chờ đợi cho tới bao giờ?!

Xót xa! Vì ngẫm lại không biết bao nhiêu lần phải cắn răng trước tất cả những gì mà GD đã và đang đày ải ta suốt mấy chục năm ròng!

Tủi hổ! Vì thấy mình thật thấp hèn - chẳng thể bén nổi cái chân lông của một thằng bé!

Chúng ta vẫn nói nhiều, vẫn nói rất nhiều về thực trạng của GD. Hôm nay, nhờ có Cậu bé, chúng ta lại tiếp tục cùng nhau nói nhiều hơn. Song có một điều rất cần phải nói, nếu không muốn nói là CẦN NHẤT. Đó là:

GD ngày càng tuột dốc. TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

Thì hầu như trong chúng ta, chẳng có ai nhắc tới cả.

Phải chăng ta đang lãng quên? Không phải thế.

Đó vẫn chỉ là vì: Chẳng bằng một thằng bé!

Theo "tập quán" ở ta, mỗi khi có một sự cố ở đâu đó thì việc Quy trách nhiệm luôn diễn ra một cách hết sức êm thấm. Phải chăng người Việt Nam ta vốn ưa chuộng hòa bình, có truyền thống về đức vị tha và lòng nhân ái cao cả: Lỗi nhiều thành lỗi vừa, lỗi vừa thành lỗi ít, lỗi ít coi như không có. Và nếu sau khi đã bỏ qua nhiều lần mà lỗi vẫn chưa hết thì lúc đó chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện triệt để tinh thần "xây dựng", tinh thần "đoàn kết", "yêu thương đùm bọc lẫn nhau". Để rồi cùng nhau tìm ra trách nhiệm thuộc về Tập thể này, Đội ngũ kia, Bộ này, Ngành nọ, thậm chí là "chúng ta".  Và cuối cùng sẽ là… KHÔNG AI CẢ! 

Vả lại: "Nếu cứ động vi phạm là kỷ luật thì lấy đâu ra cán bộ mà làm việc" hả giời?!

Hoan hô tinh thần "ĐOÀN KẾT" và "XÂY DỰNG"!

Hoan hô "ĐẠO ĐỨC" và "TÌNH YÊU THƯƠNG" con người!

Tôi đã đọc khá nhiều bài phản hồi về “Kẻ nổi loạn”. Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là có một vị GS đã chất vấn Cậu bé về "Trách nhiệm của học sinh đối với thực trạng GD nước nhà hiện nay?".

Trong chúng ta, những bậc trung và cao niên hẳn ai cũng chưa thể quên Câu chuyện Khoán 10 trong nông nghiệp xảy ra cách đây ngót 3 thập kỷ.

Cơ chế Khoán phá bỏ lối làm ăn tập thể thủ cựu, ỷ lại, dựa dẫm, vô trách nhiệm… đã giúp nền nông nghiệp phát triển vượt bậc, biến đất nước từ chỗ thiếu đói triền miên bỗng dưng trở thành quốc gia xuất khẩu gạo vào hàng nhất nhì thế giới. Vẫn mảnh ruộng ấy, con người ấy, tại sao vậy?

Thế mới biết: Mùa màng chưa tươi tốt chớ vội đổ lỗi cho nông dân; đất nước còn nghèo đói, chậm phát triển đâu phải tại nhân dân lười lao động, thiếu sáng tạo; GD trì trệ, mục nát sao lại bảo do học sinh không chịu phấn đấu?!

Hồ Chủ Tịch từng nói: "Trẻ em như búp trên cành, Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan".

Chẳng lẽ như thế vẫn là chưa đủ: Trẻ em VN ta thời đại ngày nay còn cần phải có nghĩa vụ làm cả GD nữa?!

Hỡi những ai đang được nhân dân giao cho trọng trách!

Xin đừng bắt chước vị GS nọ: Đùn đẩy trách nhiệm cho cả trẻ em!

Xin hãy lắng nghe nguyện vọng của toàn dân!

Xin hãy bỏ chút thời gian vàng ngọc của các vị suy ngẫm về GD!

Xin hãy nhìn ra Thế giới, hãy làm những việc làm thật đúng đắn và có lương tri, hãy ra những quyết định sáng suốt!...

Và xin: Hãy làm tất cả những gì để sớm đưa GD nước nhà trở lại vai trò và con đường ngay ngắn vốn có: Trang bị kiến thức và năng lực LÀM NGƯỜI cho mọi thành viên của một xã hội tiến bộ!

Ngô Khởi