Barcelona: Ngày mai không bao giờ chết

04/05/2013 14:23
Trần Công Hưng
(GDVN) - Sau khi lên đến đỉnh vinh quang, một lúc nào đó bạn sẽ phải đi xuống. Đó là điều hết sức bình thường. Barca đã tự nhận thua và chắc chắn họ phải cải tổ.
Nếu có một đội bóng đầu hàng trước trận lượt về trên sân nhà, đội bóng đó đã tự nhận mình kém hơn đối phương một bậc. Thật đau lòng khi đó lại là Barcelona. Không có nhiều đội bóng chịu thua sớm như vậy. Năm 2009, Liverpool sau khi thất bại 1-3 ở sân nhà cũng vẫn làm cho Chelsea phải mướt mồ hôi với trận hòa 4-4 ngay tại Stamford Bridge. Mùa này, đội bóng đang suy yếu Arsenal vẫn thắng Bayern 2-0 ngay ở sào huyệt của đối thủ. Ngay đêm trước thôi, Real cũng đã khiến nhiều người phải tiếc nuối khi chỉ cần một bàn nữa là vượt qua Dortmund sau thất bại 1-4 ở lượt đi.

So sánh như vậy để thấy rằng, việc đầu hàng trước cả khi bóng lăn của những người hơn 1 tuần trước đó còn là số 1 thế giới quả là “dũng cảm”. Vì nó biến Barca trong nháy mắt từ người khổng lồ thành những chàng tý hon. Nguyên nhân nào cho hình ảnh thảm hại của đội bóng xứ Catalan?

Thua kém về thể lực

Messi và Barca đã quá say mê theo đuổi các kỷ lục. Thắng “quá” nhiều và ghi bàn “quá” nhiều. Có thời điểm họ đã hơn Real 16 điểm tại La Liga. Hơn nhiều thế để làm gì? Sẽ không ai thắc mắc nếu cách biệt đó làm Barca thảnh thơi xoay tua đội hình. Nhưng Messi vẫn ra sân và ghi bàn trong tất cả các trận đấu. Tình trạng của mùa trước lặp lại, “La Pulga” không có được thể trạng tốt nhất ở giai đoạn quan trọng nhất mùa bóng.

Nhà vua Barca đã bị hạ bệ.
Nhà vua Barca đã bị hạ bệ.

Barca mua sắm rất ít hồi đầu mùa dù năm ngoái gần như trắng tay! Có lẽ vì họ tin tưởng vào La Masia. Nhưng thật ngạc nhiên là các cầu thủ trẻ hiếm khi có cơ hội ra sân khiến cho Barca gần như chỉ có một đội hình mạnh nhất. Họ thua Bayern - những người chạy khắp sân là phải, vì đội bóng Đức hầu như không có ai là không thể thay thế.

Tiki-taka đã lỗi thời

Sau khi Pep ra đi vì “không có đủ sự ủng hộ”, nhiệm vụ của Vilanova gần như chỉ là duy trì tiki-taka, và Tito đã đảm nhận tương đối tốt trọng trách này. Trước khi thua Bayern, tiki-taka vẫn là số 1. Nhưng không ai có thể chỉ dùng 1 thế võ để đánh bại đối thủ mãi được. Người ta cuối cùng cũng tìm ra điểm yếu của lối chơi gieo rắc kinh hoàng suốt nửa thập kỷ.

Tiki-taka như một vòng tròn hoàn hảo, nhưng là vòng tròn thì nó lại khép kín và không đột biến. Điều tối quan trọng của tiki-taka là giữ bóng và cho đối thủ chạm bóng càng ít càng tốt. Xavi sẽ xoay tròn và chuyền lại cho Busquets hay Iniesta nếu thấy nguy cơ mất bóng ở phía trước. Nó gây mất tinh thần cho đối thủ vì lúc nào cũng phải chạy theo bóng trong vô vọng. Nhưng cách chuyền ban đó lại cho đối phương thời gian để tập trung thành khối dày đặc ở sân nhà.

Barca dùng đúng 1 cách ghi bàn chắc ăn nhất: chỉ sút khi bóng đã ở trong vòng cấm sau những đường chuyền ngắn, sệt - cũng là lối đưa bóng có độ chính xác cao nhất. Nhưng ngay những kế hoạch phức tạp và tỉ mỉ trong các phim trinh thám Hollywood cũng cần phải có phương án 2. Barca suốt 5 năm qua không có những phương án ấy.

Phải mua gấp Neymar

Có thể hiểu vì sao Barca hầu như không sút xa, chuyền dài hay tạt cánh đánh đầu. Vì nó làm hỏng đi sự hoàn hảo của tiki-taka, hay những người dùng được tiki-taka lại không làm giỏi các việc khác, ví dụ như nhỏ con, linh hoạt, mềm dẻo thì không chơi đầu tốt chẳng hạn.

Barca vẫn cần một nghệ sĩ Samba như Neymar.
Barca vẫn cần một nghệ sĩ Samba như Neymar.

Nhưng thật bất ngờ là khi hình ảnh Barcelona đang ở mức “hoàn hảo” nhất, họ lại có nhiều anti fan nhất trong lịch sử. Trước khi tiki-taka phát triển ở mức cao nhất, có người đã nói: “Các câu lạc bộ khác, có thể là yêu hoặc ghét. Còn Barca thì chỉ có thích hoặc không thích, chứ không ai ghét”. Barca ngày trước không “keo kiệt” bóng như bây giờ, họ “hào phóng” cho đội bạn ghi bàn, nhưng thường chiến thắng nhờ ghi bàn nhiều hơn đối thủ.

Barcelona trước tiki-taka là hình ảnh dữ dội và lãng mạn nhất mà một câu lạc bộ có thể tạo ra. Không ai “latin” hơn Barca, không ai nóng bỏng hơn Barca, không ai quyến rũ hơn Barca. Đó là một thời gian dài Barca gắn bó với những cầu thủ Brazil trong đội hình. Từ Romario, “người ngoài hành tinh” Ronaldo, Rivaldo rồi Ronaldinho. Thời gian xen kẽ trước khi những người này đến Camp Nou, Barca đều không thành công, thậm chí khủng hoảng. Đội bóng xứ Catalan chỉ tuyệt vời khi có những tiền đạo người Brazil xuất sắc nhất thế giới trong đội hình.

Barca thay đổi khi Messi xuất hiện. Barca cũng nhờ Messi mà đứng vững ở vị trí số 1 trong nửa thập kỷ qua. Nhưng anh lại là một người Argentina. Kỹ thuật của “La Pulga” gọn gàng hơn, thực dụng hơn. Cũng như những người Argentina khác, Messi nhảy Tango chứ không nhảy Samba. Lối sống lành mạnh của Messi và các đồng đội giúp cho Barca duy trì phong độ ổn định trong thời gian dài. Nhưng cái gì cũng có 2 mặt của nó, Barca không còn “phóng túng” trên sân nữa.

Ronaldinho thì nhảy múa điên cuồng suốt trận, đối phương không thể biết anh này sẽ làm trò gì, sút xa hay qua người, chân trái hay chân phải, đỡ ngực chuyền bóng hay đột nhiên quay lưng volley một quả trời giáng. Cech từng là nạn nhân của một pha lắc hông rồi đột nhiên chích bóng từ ngoài vòng cấm khiến cho thủ thành xuất sắc nhất thế giới thời điểm đó chỉ biết đứng nhìn. Cách ghi bàn của Messi nhẹ nhàng và “êm ả” quá, các bàn thắng lại giống nhau khiến khán giả chỉ vỗ tay tán thưởng. Còn Ronaldinho thì không khác gì Michael Jackson trên sân bóng, từng pha ghi bàn, từng pha xử lý đều làm cho người xem muốn phát rồ và có đến chết cũng không bao giờ quên.

Mua Neymar đi. Còn Neymar, hãy đến Barca! Những người thích nhảy Samba chỉ hay nhất khi ở Camp Nou chứ không phải Bernabeu, Old Trafford hay bất cứ nơi nào khác.

Sau khi lên đến đỉnh vinh quang, một lúc nào đó bạn sẽ phải đi xuống. Đó là điều hết sức bình thường. Barca đã tự nhận thua và chắc chắn họ phải cải tổ. Người ta mừng khi thấy Bayern đánh bại Barca, một phần vì đội bóng xứ Catalan đã thống trị quá lâu. Giờ Bayern mạnh nhất nhưng không có nghĩa người hâm mộ muốn tình trạng “độc quyền” lại xảy ra. Các đội bóng khác phải mạnh mẽ để đối trọng với Bayern, đặc biệt là Barca. Cầu thủ số 1 thế giới (Messi) vẫn còn đó, và có thể một “ông vua” mới (Neymar) sẽ đến. Đứng dậy Barca! Vì “ngày mai không bao giờ chết”.
Trần Công Hưng