Đề xuất “Công an có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin”:

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Phóng viên điều tra sẽ bị “vặt bớt tay chân”

05/05/2013 07:30
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: “Nếu những thông tin dự kiến này trở thành sự thật, tôi sẽ không đủ sức, không đủ tự tin để viết điều tra nữa… tôi không thể dễ dàng tiết lộ những người đã cung cấp thông tin giúp mình được”.
Những ngày qua, thông tin về việc Bộ Công an dự kiến trình Chính phủ để đưa ra Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đề nghị sửa điều 7 Luật báo chí đang bị các nhà báo và ngay cả độc giả cũng phản đối kịch liệt. Vì sao các nhà báo lại phản đối? Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Lao động để làm rõ hơn những vấn đề này.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một chuyến đi tác nghiệp
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một chuyến đi tác nghiệp

- Chào Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng! Là một cây bút nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm phóng sự, điều tra làm rúng động dư luận, anh nghĩ sao khi có thông tin đề xuất cho Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện KSND và Chánh án TAND các cấp được quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Theo luật Báo chí hiện hành thì điều 7 được quy định như sau: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án toàn án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.
Điều này như một chiếc “dây neo” bảo vệ các nhà báo, rất rõ ràng suốt bao năm qua, ít ra là từ 15 năm trước khi tôi bước chân vào nghề báo. Nếu bây giờ thay đổi, rằng: Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và Thủ trưởng CQĐT các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì sẽ có rất nhiều người sử dụng quyền ấy để yêu cầu nhà báo cung cấp thông tin, tư liệu điều tra viết bài.

- Như vậy thì sẽ rất khó khăn cho các nhà báo làm điều tra, và họ sẽ phải chịu một sức ép cực kỳ lớn?


Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Những thứ đó tôi phỏng đoán, có thể là văn bản, băng ghi âm, ghi hình, thậm chí cả sổ tay ghi chép, thậm chí cả điện thoại di động có ghi các đoạn thông tin ngắn, ghi các số điện thoại của những người đã hợp tác với nhà báo để “đấu tranh”? Nếu sự thật sẽ có ngày “tình trạng” là như vậy, thì có khác gì nhà báo chống tiêu cực, người viết điều tra phản ánh vốn đã quá vất vả, cô độc, hiểm nguy, giờ lại bị “vặt tay vặt chân”? Thế thì, các nhà báo sẽ bị thêm một sức ép cực lớn, và cực kỳ nguy hiểm nữa.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một chuyến công tác tại tỉnh Lào Cai.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một chuyến công tác tại tỉnh Lào Cai.
- Nếu dự kiến đó trở thành sự thật, anh có đủ dũng cảm để tiếp tục công việc của một nhà báo điều tra?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Điều 7 trong Luật báo chí như tôi đã nói, nó giống như “dây bảo hiểm” cuối cùng của người viết điều tra. Nếu những thông tin này trở thành sự thật, tôi sẽ không đủ sức, không đủ tự tin để viết điều tra nữa.
Mặc dù tôi đã từng thực hiện loạt điều tra về những vụ việc rất lớn, thí dụ như loạt bài điều tra về “nỗi đau” của tỉnh Cao Bằng, đã “được” Văn phòng Thủ tướng Chính phủ hai lần (trong 1 tuần) có công văn cho hai loạt bài khác nhau của tôi yêu cầu cơ quan chức năng kết hợp với tòa báo thẩm tra, xử lý vụ việc dứt điểm rồi báo cáo Thủ tướng. Cơ quan Bộ Công an đã vào cuộc, Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường đã vào cuộc, UBND tỉnh Cao Bằng đã quyết liệt ra tay.
Nhiều vụ căng thẳng đến mức mất ăn mất ngủ, cơ quan công an giám sát mọi hoạt động, thậm chí vụ việc “đuổi 80 nhà giáo ra khỏi biên chế” tại tỉnh Yên Bái vừa rồi, công an đến từng nhà các nhân chứng đã nói chuyện với nhà báo, yêu cầu ký kết văn bản theo hướng… khiến nhà báo cảm thấy hết sức “lo toan” (sau này, tại Hội nghị tổng kết của Ban Chỉ đạo Tây Bắc năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trình bày vụ việc này). Phải nói là, cả tỉnh “đảo điên”, họ cố điều tra xem những thông tin “đánh” thẳng vào đương kim lãnh đạo tỉnh kia do ai cung cấp?

- Như vậy thì chính những người cung cấp thông tin chống tham nhũng cho các nhà báo cũng chịu áp lực và nguy hiển không kém các nhà báo?


Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Đúng vậy, căng lắm. Vậy nhưng, có lẽ nhờ cái “dây bảo hiểm” là điều 7 Luật báo chí rất chí tình chí lý này mà tôi chưa bao giờ phải rớt nước mắt tiết lộ danh tính người đã giúp mình làm những việc có thể giúp dân của mình, giúp quốc dân đồng bào cùng tìm ra chân lý.
Điều thứ hai tôi muốn nhấn mạnh: Hiếm ai không muốn chống tiêu cực, chống tham nhũng, hiếm ai nhìn thấy điều vô lý và tàn độc mà lại không muốn “tiêu diệt, phanh phui” để cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và cho con cháu mình. Bà con rất ủng hộ báo chí khi điều tra về các vấn đề nóng. Nhưng bà con sợ “đấu tranh thì tránh đi đâu”.

Dân cung cấp tin cho nhà báo, rồi nhà báo lại đi tiết lộ danh tính của họ, thậm chí tiết lộ của tài liệu họ đã cung cấp cho nhà báo, thì có khác gì “giết” họ và giết danh dự của người làm báo. Ít ra thì việc cung cấp sẽ gây phiền hà, hoặc làm họ mất “môi trường” công tác, mất cơ hội thăng tiến (dù không ai nói thẳng ra điều đó) của họ.
- Tôi thì nghĩ, nhà báo cũng sẵn sàng hợp tác với Viện KSND, TAND hay Cơ quan điều tra… nhưng điều đáng lo nhất là sự “lạm quyền”. Rất có thể họ cần những tài liệu của nhà báo để “bẻ cong” sự việc?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Nhiều vụ, sau khi báo đăng tải, cơ quan công an và chính quyền cơ sở đến từng nhà người được nhắc tên hoặc “ám chỉ” địa chỉ trong bài viết. Câu đầu tiên họ hỏi, bao giờ cũng là: Sao quen nhà báo đó? Họ đến có lấy tiền hay quà gì của anh chị không? Họ có xui nói A hoặc B không? Thậm chí người ta còn đưa ra văn bản với nội dung ngược lại toàn bộ những gì báo đã nói để yêu cầu “nhân vật trong bài báo” ký kết.

Nhiều người đã buộc phải ký vì các lý do tế nhị. Nhiều người bảo, tôi không thể phỉ nhổ vào lời tôi vừa nói với nhà báo được, nhà báo lặn lội vài trăm cây số, tốn kém vất vả để về bảo vệ tôi, giờ báo đăng, tôi phải bảo vệ nhà báo chứ. Chúng tôi rất xúc động trước những vụ việc như vậy.
Nhưng để có được điều đó, tôi cũng đã thành công trong việc giấu danh tính thân phận cho người cung cấp tin cho mình. Bây giờ, nếu có “quy định” buộc tôi phải cung cấp cho tòa, viện, công an… ở mọi cấp, thì tôi (nhà báo) sẽ bỏ cuộc, vì lương tâm không cho phép mình “làm hại” người đã giúp đỡ mình.
Có những vụ việc, cơ quan chức năng chưa chắc đã đứng về phía người dân. Cụ thể vụ tôi đang làm: Giáo viên “đút lót” để chạy biên chế, giờ họ tố cáo. Cơ quan điều tra vào hỏi: Có đút lót không? Nếu nói có, thì giáo viên mắc tội “đưa hối lộ”, tội này nặng cũng như nhận hối lộ vậy. Nếu nói “không” thì hóa ra bảo vệ được mình (nhà giáo công tác tại địa phương, phải tuân thủ), nhưng điều đó dĩ nhiên sẽ ngược lại những gì mà mình đã nói với nhà báo (có ghi âm, ghi hình làm chứng).

Họ phải làm sao? Bản thân “cơ quan chức năng” cấp dưới có thể họ cũng không muốn làm điều “trái với chân lý” đó, nhưng họ buộc phải “ra tay” trong vài vụ cụ thể, vì bài báo “buộc tội” trực tiếp cấp trên của họ. Vậy là, sẽ xuất hiện rất nhiều trường hợp, “cơ quan chức năng” muốn có được tài liệu của nhà báo vì mục đích “bẻ cong hay lấp liếm” sự việc, lúc đó thì nhà báo phải làm sao?
Cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của anh!
Ngọc Quang (Thực hiện)