Nếu TQ dùng tàu sân bay tấn công Đài Loan sẽ gây thiệt hại nặng

06/05/2013 09:29
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc sẽ quyết tâm chế tạo tàu sân bay để đe Mỹ và các nước trong khu vực, nhưng vấn đề nan giải là động cơ tàu sân bay.
Hải quân Trung Quốc tiếp nhận tàu sân bay Liêu Ninh, coi là tàu huấn luyện/thử nghiệm
Hải quân Trung Quốc tiếp nhận tàu sân bay Liêu Ninh, coi là tàu huấn luyện/thử nghiệm

Tờ “Người đưa tin công nghiệp quân sự” Nga ngày 1/5 cho rằng, sau nhiều năm thử nghiệm, Trung Quốc cuối cùng bắt đầu chế tạo quy mô lớn tàu khu trục 052C/D, tàu hộ vệ 054A, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056.

Với thực lực đóng tàu đang phát triển, Bắc Kinh sẽ nhanh chóng xây dựng được hạm đội lớn thứ hai thế giới có số lượng chỉ đứng sau Mỹ, nhưng trình độ kỹ chiến thuật của họ lại thua một số cường quốc hải quân hiện nay như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Phương hướng phát triển tương lai của Hải quân Trung Quốc chắc chắn là chế tạo tàu sân bay.

Theo bài báo, Bắc Kinh sẽ bắt đầu chế tạo tàu sân bay cỡ lớn hơn tàu sân bay Liêu Ninh. Dự đoán, họ có thể chế tạo 6 chiếc (không gồm tàu Liêu Ninh), biên chế 2 chiếc cho mỗi hạm đội của họ: Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải, tương đương với tổng số tàu sân bay của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ.

Nhưng, vấn đề của Trung Quốc đang hoàn toàn thiếu kinh nghiệm và công nghệ chế tạo tàu sân bay. Người Trung Quốc rõ ràng sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng tàu sân bay Sao Paulo của Brazil (mua của Pháp), nhưng giá trị của nó tương đối có hạn: Nó còn nhỏ hơn tàu sân bay Liêu Ninh, hơn nữa thời gian chế tạo quá sớm. Trung Quốc cơ bản chỉ quan tâm đến “thiết bị phóng” của tàu sân bay này.

Vấn đề quan trọng nhất là thiết bị động lực (động cơ) của tàu sân bay mới, là động cơ hạt nhân hay động cơ thông thường? Điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc hiện nay chính là chế tạo động cơ, bất kể là xe tăng, máy bay chiến đấu hay tàu chiến đều không ngoại lệ. Đối với Trung Quốc, chế tạo động cơ phổ thông cho tàu sân bay không phải là chuyện dễ, chứ đừng nói đến lò phản ứng hạt nhân.

Đảo tàu của tàu sân bay Liêu Ninh
Đảo tàu của tàu sân bay Liêu Ninh

Theo bài viết, Trung Quốc tiến hành nghiên cứu phát triển tàu sân bay cỡ lớn chủ yếu là học kinh nghiệm của Mỹ. Sau chiến tranh, Washington đã chế tạo 10 tàu sân bay cỡ lớn động cơ thông thường, sau đó còn tiếp tục chế tạo 11 tàu sân bay động cơ hạt nhân.

Sau khi chế tạo 2 tàu sân bay thông thường là Clemenceau và Foch (sau khi nghỉ hưu bán cho Brazil), Pháp đã chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles De Gaulle.

Liên Xô cũng đi con đường “tuần tự tiệm tiến” trong chế tạo tàu sân bay. Nếu như Trung Quốc tiến theo con đường của Mỹ, Pháp và Liên Xô, thì có thể trước tiên chế tạo 2-3 tàu sân bay động cơ thông thường, sau đó tiếp tục chế tạo 3-4 tàu sân bay động cơ hạt nhân.

Bắc Kinh cũng có thể lựa chọn chế tạo 6 tàu sân bay động cơ thông thường, sẽ tiết kiệm hơn và tốc độ nhanh hơn, hoặc đều chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân, tiêu tốn nhiều tiền của, thời gian dài hơn, mở ra tiền lệ mới trên thế giới. Tất cả tùy thuộc vào tiến độ nghiên cứu phát triển động cơ và giới lãnh đạo Trung Quốc có nhu cầu tàu sân bay cấp bách hay không.

Về kinh nghiệm chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân, hiện chỉ có Mỹ và Pháp. Nhưng, đối với Pháp, trong 12 năm hoạt động thì tàu sân bay Charles De Gaulle luôn xảy ra sự cố liên tiếp, lò phản ứng hạt nhân cũng từng có vấn đề. Cho nên, Mỹ là người thành công duy nhất trong lĩnh vực này.

Như vậy, Trung Quốc chỉ có bắt chước lò phản ứng hạt nhân của Mỹ, cũng không loại trừ sao chép của Nga. Nhưng, bất kể là Mỹ hay Nga, họ đều sẽ không chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, chỉ có tìm cách sở hữu bằng con đường bất hợp pháp, hoặc trực tiếp sử dụng lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm cho tàu sân bay. Tóm lại, vấn đề động cơ sẽ làm chậm, nhưng tuyệt đối không làm cho Trung Quốc từ bỏ “mộng” tàu sân bay.

Tàu Liêu Ninh chạy thử trên biển
Tàu Liêu Ninh chạy thử trên biển

Theo bài viết, sau khi sở hữu tàu sân bay, Quân đội Trung Quốc có thể tập trung vào các vấn đề sau: Đề phòng các cuộc tập kích của Không, Hải quân Mỹ, phá vỡ sự phong tỏa biển gần và biển xa của hạm đội Mỹ đối với Trung Quốc; bảo đảm an ninh các tuyến đường vận tải trên biển để Trung Quốc chuyển năng lượng nhập khẩu về nước.

Hiện nay, Mỹ chỉ có thể giành thắng lợi trước Trung Quốc trên đại dương, nhưng sẽ ít nhiều gặp khó khăn để giành chiến thắng ở khu vực gần bờ biển của Trung Quốc, khác hẳn tình hình 10 năm trước. Một khi Trung Quốc sở hữu tàu sân bay thì tình hình cũng sẽ thay đổi.

Nếu xảy ra xung đột với Nhật Bản, sở hữu tàu sân bay cũng có thể tăng cường rõ rệt thực lực cho Trung Quốc, bởi vì khi đó Trung Quốc có thể tấn công Nhật Bản từ cả hướng tây và hướng đông; một khi xảy ra chiến tranh với Nga, tàu sân bay có thể tấn công Sakhalin, đảo Kurile, bán đảo Kamchatka, thậm chí có thể đổ bộ lên những khu vực trên; trong xử lý tranh chấp các hòn đảo ở biển Đông với các nước ASEAN, tàu sân bay cũng có thể là thủ đoạn quan trọng của Bắc Kinh; trong tương lai, khả năng Trung Quốc sử dụng tàu sân bay gây sức ép với Ấn Độ cũng sẽ tăng lên.

Còn về tấn công Đài Loan, điều cần chỉ ra là, do Đài Loan cách rất gần Trung Quốc, hoàn toàn không cần tới tàu sân bay, mà chỉ cần lực lượng hàng không ở bờ biển Trung Quốc. Nhưng, sở hữu tàu sân bay sẽ tiếp tục tăng cường thực lực cho Bắc Kinh, có thể phát động tấn công từ phía đông Đài Loan, gây thiệt hại nặng nề cho thực lực phòng không của Đài Loan. Ngoài ra, tàu sân bay còn có thể phong tỏa Đài Loan từ trên biển, làm cho Mỹ gặp khó khăn khi can thiệp vào khu vực này.

Nhưng, khả năng sở hữu tàu sân bay đầu tiên (với ý nghĩa thực sự) trước năm 2020, sở hữu 6 tàu sân bay vào khoảng 2030-2035 là cực kỳ nhỏ bé, hơn nữa Bắc Kinh luôn tìm cách giải quyết vấn đề Đài Loan trước đó.

Cho nên, có thể khẳng định, Bắc Kinh cần tàu sân bay hoàn toàn không phải là để tấn công Đài Loan, mà là sự cân nhắc, tính toán sau khi “thu hồi” Đài Loan.

Việt Dũng