Ai biết Chu Văn An cho "tốt nghiệp" bao nhiêu học trò?

03/09/2011 07:27
Nguyễn Văn Căn/Theo Bee
Chúng tôi cho rằng cần phải tìm ra nguyên nhân hay là điều kiện cụ thể để tạo ra bệnh thành tích.
Theo TS Nguyễn Văn Căn, việc đánh giá chất lượng dạy - học phổ thông theo tỉ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp đã không thỏa đáng, còn dẫn đến căn bệnh thành tích trong giáo dục. Ông đề xuất nên đánh giá chất lượng theo số lượng học sinh đạt giải ở các kỳ thi học sinh giỏi và số lượng thi đỗ vào đại học, cao đẳng.

Có một vấn nạn mà mọi người đều thấy bức xúc, đó chính là bệnh thành tích trong dạy và học. Làm cách nào để chống lại bệnh này vì nó đã ngấm sâu vào tiềm thức của không chỉ giáo viên, học sinh mà còn rất đậm nét ở đội ngũ cán bộ quản lý cả trong và ngoài ngành giáo dục. Loại bỏ căn bệnh này là mong muốn của cả xã hội nhưng loại bỏ bằng cách nào?

Chúng tôi cho rằng cần phải tìm ra nguyên nhân hay là điều kiện cụ thể để tạo ra bệnh thành tích. Nguyên nhân này chính là cách đánh giá đối với việc dạy và học.

Hiện nay, ngành giáo dục đang đánh giá bình xét chất lượng dạy và học dựa theo tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp. Trong thực tế ở nhà trường phổ thông theo chương trình hiện hành, kiến thức trang bị cho học sinh thống nhất theo qui định của hệ thống giáo dục nhà nước.

Mọi kế hoạch giảng dạy, giáo án của giáo viên cũng như sách giáo khoa và sách tham khảo đều thống nhất. Vì vậy, điểm số tốt nghiệp, tỷ lệ lên lớp của học sinh được coi là tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường.

Những quan điểm này không phải là không khoa học, nhưng trên thực tế đôi khi kết quả giáo dục ở các cấp học phổ thông lại do các cấp có thẩm quyền hoặc cơ quan giáo dục cấp trên thông qua bằng cách đưa ra "chỉ tiêu" lên lớp hay tốt nghiệp.

Các chỉ tiêu này đặt các trường vào một tình thế bắt buộc và để đảm bảo họ phải "nỗ lực" tìm mọi biện pháp để đạt tỷ lệ đó, bởi nếu không đạt họ khó tránh khỏi áp lực của dư luận. Chính sự “nỗ lực” này dẫn đến hiện trạng “tôi” nhẹ nhàng với “anh” để  “anh” hoặc “bạn của anh” nhẹ nhàng lại với “tôi”. Thực chất, các “thành tích” loại này chỉ để trường hoặc địa phương báo cáo, mà không phản ánh đúng chất lượng đào tạo.
Trong khi đó trong xã hội đã và đang có một cách đánh giá khác mà chúng ta chưa để ý nhiều để nhân rộng ra.

Nếu xét trong lịch sử Chu Văn An là một nhà giáo vĩ đại nhưng trong chúng ta có ai biết mỗi năm cụ dạy “tốt nghiệp” bao nhiêu học sinh? Cái mà cụ lưu danh với sử xanh ngoài việc cụ là người mở trường “tư thục” đầu tiên còn một yếu tố rất quan trọng chính là cụ đã đào tạo được nhiều học sinh trở thành những quan lại trọng yếu của đất nước.

Tương tự, tại sao xã hội hiện nay mặc nhiên thừa nhận Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học  Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa, Y khoa… là những đại học hàng đầu? Liệu có ai quan tâm hàng năm ở các trường này sinh viên tốt nghiệp bao nhiêu % hay đất chỉ là con số báo để biết trong nội bộ.

Thế nhưng các trường vẫn là tốp đầu bởi vì sinh viên của các trường này ra trường đều được xã hội chấp nhận, đều được sử dụng kiến thức đào tạo ở trường và cũng có một yếu tố rất quan trọng là nhiều người trong số sinh viên đã trở thành những nhà khoa học có tiếng, nhiều công trình của họ đem lại lợi ích cho cộng đồng và nhiều người trở thành cán bộ quản lý có uy tín của ngành họ theo học.

Thực tế ở ngành giáo dục phổ thông cũng đã có cách đánh giá tương tự. Thí dụ ở Hà Nội mặc nhiên hai trường Chu Văn An và Hà Nội - Amsterdam được coi là hai trường “đỉnh”. Có phải hai trường này có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất Hà Nội không? Chắc không mà cái chính là ở tiêu chí khác, đó chính là số học sinh giỏi trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế.

Là một cán bộ được đào tạo ở đại học sư phạm, trong một lần hội trường bạn bè chúng tôi đều nồng nhiệt chúc mừng một bạn đồng nghiệp không phải vì lớp anh dạy tốt nghiệp 100%, không phải vì anh được đề bạt làm lãnh đạo mà vì vừa có một học sinh do anh dạy đoạt giải trong kì thi quốc tế.

Trên cơ sở các lý do trên chúng tôi cho rằng, là một loại “hàng hoá đặc biệt”, giá trị của giáo dục phổ thông phải do xã hội công nhận. Mục đích của giáo dục là đào tạo những con người lao động có kỹ năng và do vậy có thể coi giáo dục là nơi “sản xuất” ra lực lượng lao động. Học sinh tốt nghiệp phổ thông sẽ được thi tuyển vào các trường đào tạo nghề, các trường đại học và có thể bước vào thị trường lao động để đảm đương những công việc nhất định.

Nên chăng Bộ Giáo dục xây dựng một cách đánh giá mới theo các tiêu chí mới? Cụ thể việc đánh giá đối với các trường phổ thông nên dựa vào các tiêu chí sau:

- Tiêu chuẩn khách quan để đánh giá chất lượng giáo dục nên được xem xét từ số lượng học sinh đạt giải ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế.

- Xác định dựa trên kết quả của số học sinh thi đậu vào các trường đại học và các trường cao đẳng chuyên nghiệp, các trường đào tạo nghề. Trong số này có thể phân ra số học sinh được vào các trường tốp đầu, các trường công lập và các trường dân lập…

- Có thể thống kê xem  xét và đánh giá không chỉ căn cứ vào kết quả một năm mà phải là một số năm về chỉ tiêu năng lực, trình độ đảm nhận công việc của học sinh, thể hiện thông qua đóng góp của họ cho nhà nước, cho xã hội.

Nếu hình thành được quan niệm mới về cách đánh giá thì tư duy tỷ lệ lên lớp và tốt nghiệp sẽ được giải thoát và cải cách giáo dục sẽ có hiệu quả hơn, sẽ tự nhiên mất đi bệnh thành tích vì không một ai kể cả lãnh đạo các cấp tự viết được ra thành tích như hiện nay nữa.
Nguyễn Văn Căn/Theo Bee