Ngư dân Lý Sơn vững vàng nơi đầu sóng:

Ngư dân Lý Sơn kể chuyện đối mặt tàu Trung Quốc ở Hoàng Sa

15/05/2013 10:49
Tấn Tài
(GDVN) - Từ bao đời nay, ngư dân Lý Sơn quen thuộc với từng hòn đảo, luồng cá...của ngư trường Hoàng Sa đến từng "chân tơ kẻ tóc". Hoàng Sa trở thành người Mẹ nuôi nấng ngư dân trên đảo.
LTS: Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt và chiếm đóng phi pháp từ năm 1974. Từ đó đến nay, TQ luôn tìm cách ngăn cản, gây rối, bắt bớ tàu thuyền ngư dân của ta đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Và những năm gần đây, không ít lần vươn ra khơi đánh cá, ngư dân nơi quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa này lại bị tàu của Trung Quốc rượt đuổi, bắt nhốt, tịch thu ngư lưới cụ, tàu thuyền một cách trái phép... Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng ngư dân ở Lý Sơn vẫn một lòng bám biển ở ngư trường truyền thống giữ vững chủ quyền, phát triển kinh tế.

Những năm gần đây ngư dân Lý Sơn ra vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt thủy hải sản thì bị tàu của Trung Quốc rượt đuổi vô cớ, bắt phạt tiền, tịch thu tàu... làm cho một số ngư dân rơi vào cảnh khó khăn.

Bị tịch thu tàu, hủy ngư cụ...

Chúng tôi đến Lý Sơn trong nhịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nên đại đa số ngư dân đều gác lại phiên biển để ở nhà chuẩn bị góp sức cho lễ hội  thường niên này. Bởi lễ hội này đã ăn sâu vào tâm tưởng của mỗi ngư dân nơi đây và trở thành một tập tục truyền thống linh thiêng.

Ngư dân Lê Tân
Ngư dân Lê Tân

Kế thừa truyền thống kiên cường, oai hùng của đội hùng binh năm xưa, thế hệ ngư dân hôm nay vẫn giữ vững bản lĩnh khi đối mặt với biển giả, kể cả Trung Quốc luôn ngang nhiên chực chờ trên biển để tịch thu tàu, phá hoại ngư cụ nhằm ngăn cản hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân.

Chỉ cho chúng tôi xem những vết thương năm xưa giờ đã thành sẹo, ngư dân Lê Tân ( xã An Hải , Lý Sơn)  trầm ngâm kể lại: "Đây là vết tích của những lần bị tàu Trung Quốc bắt giữ vô cớ. Năm 2006 tôi còn bị tịch thu cả tàu thuyền".

Bị tịch thu tàu, bao nhiêu vốn liếng giờ đã mất sạch. Suốt 3 tháng ròng anh Tân chạy vạy khắp nơi để có tiền trả chi phí xăng dầu đã bỏ ra lúc vươn khơi. Vợ con ngăn cản không cho anh đi biển nữa, nhưng anh Tân bỏ qua mọi lời can ngăn, đi gõ cửa từng nhà để vay mượn tiền đóng tàu ra khơi lần nữa.

Khó khăn, sóng gió chưa chịu dừng lại ở đó, mới đi phiên biển thứ 2 thì anh lại tiếp tục bị Trung Quốc bắt, đưa vào một hòn đảo. Lần này anh Tân và một thuyền viên nhỏ tuổi nhất trên thuyền bị bắt giữ lại. Nhớ lại kí ức của những ngày tháng kinh hoàng đó, ngư dân Tân rùng mình kể lại: "Chúng tôi bị nhóm người lại bắt giữ lại một thời gian và khi chúng tôi lại trở về đảo với hai bàn tay trắng, mọi ngư cụ đều bị tịch thu, nợ càng thêm nợ."

Còn ngư dân Trần Hiền (34 tuổi), ở thôn Tây, xã An Vĩnh huyện đảo Lý Sơn, tuy là một trong những ngư dân trẻ tuổi nhưng nói về kinh nghiệm bám biển thì anh không hề thua kém thế hệ cha anh. Bản thân anh đã 4 lần bị phía người của Trung Quốc bắt giam vô cớ. Anh Hiền kể về chuyến đi biển mà anh không thể nào quên: Năm 2007 tôi, đang đánh bắt ở Hoàng Sa thì bị người phía Trung Quốc bắt lại ném hết đồ đạc  xuống biển; đợi bọn chúng đi xa chúng tôi vớt đồ lên rồi tiếp tục đánh bắt. Mãi đến lần thứ tư chúng điên lên lấy cây đánh túi bụi vào tôi, đánh xong chúng  ném hết ngư lưới cụ xuống biển.

Sau lần đi biển đó Anh Hiền về nhà nghĩ dưỡng 3 tháng, xong lại sắm lại ngư lưới cụ tiếp tục vươn khơi bám biển.

Đến tháng 3/2012, anh Hiền lại bị người phía Trung Quốc bắt vô cớ và đòi nộp phạt 200 triệu đồng vì không có tiền nên anh bị nhốt 49 ngày. Anh Hiền nói: "Lúc mình đi biển thì ở nhà vợ sắp sinh, khi bọn chúng bảo gọi về nhà lấy tiền nộp phạt thì đúng là lúc vợ mình đang nằm viện chuẩn bị sinh em bé".  

Hiện nay (bé Tấn Lộc) đã 15 tháng rất ngộ nghĩnh và đáng yêu cứ bám theo anh không chụi rời bố nữa bước. Anh Hiền cho biết thêm, đi đánh bắt ở Hoàng Sa thường bị tàu Trung Quốc rượt đổi, trung bình một năm đi biển 10 chuyến thì 4- 5 lần bị Trung Quốc bắt lại phá hết ngư lưới cụ.

Ngoài ngư dân Lê Tân, Trần Hiền ra trên đảo Lý Sơn có rất nhiều ngư dân khác đã nhiều lần bị Trung Quốc bắt, uy hiếp tinh thần, bị phạt tiền, tịch thu tàu khiến họ rơi vào cảnh nợ nần.

Lâm vào cảnh nợ nần

Do nhiều lần bị Trung Quốc bắt tịch thu tàu, phá ngư lưới cụ  nên ngư dân rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Hiện giờ họ nợ nần và một số người không có phương tiện để tiếp tục đánh bắt thủy hải sản.

Ngư dân Trần Hiền cùng bé Tấn Lộc con của anh mới sinh ra khi đợt anh bị Trung quốc giam giữ năm 2012.
Ngư dân Trần Hiền cùng bé Tấn Lộc con của anh mới sinh ra khi đợt anh bị Trung quốc giam giữ năm 2012.

"Người dân ở đây sống tốt là nhờ từ lộc biển mà nghèo là cũng từ biển mà ra. Bao nhiêu tài sản cũng đầu tư hết vào tàu thuyền để đi đánh bắt nhưng đi biển bị Trung Quốc bị buộc phải nộp phạt, bị tịch thu tàu nên giờ tôi lâm vào cảnh nợ nần và cũng không có phương tiện để đi đánh bắt phải đi bạn cho người ta." Ngư dân Dương Được ở (55 tuổi) ở Thôn Tây xã An Hải than thở.

Anh Được là một trong những ngư với hơn 35 năm kinh nghiệm bám biển ở đảo Lý Sơn và cũng đã 4 lần bị Trung Quốc bắt. Anh Được kể: Năm 2001 tàu ông đang khai thác thủy hải sản ở Hoàng đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt lấy hết cá, ngư lưới cụ, máy dò định vị xong chúng đưa thuyền tôi vào một hòn đảo. Tranh thủ lúc đêm tối ông cùng các anh em thuyền chặt dây, nổ máy tắt đèn chạy về lại đảo Lý Sơn.

Đến năm 2003 thì tôi lại bị bắt, chúng giữ lại hai người trên tàu đưa về đảo Hải Nam. Lần này họ không để người trên tàu nữa mà đưa người lên bờ, họ yêu cầu tôi gọi điện về nhà yêu cầu ở nhà gửi qua 100 triệu để nộp tiền phạt thì mới thả người và phương tiện về.

Làm ăn yên ổn một thời gian thì đên năm 2006 tàu lại bị nạn, được dẫn về đảo Hải Nam sau đó họ trao trả người qua đường ngoại giao. Từ đó coi như mọi tài sản của mình tạo ra bị mất sạch mất tàu lại lâm vào cảnh nợ nần.

Tương tự như ngư dân Dương Được ngư dân Dương Lúa (48 tuổi) ở xã An Hải cũng lâm vào cảnh khó khăn. Vì từ 2005 đến 2009 ông liên tục bị Trung Quốc bắt 2 lần. Ngư dân Dương Lúa kể: Lúc đó tôi làm thuyền trưởng đang đánh bắt ở Hoàng Sa thì bị bắt dắt về đảo Hải Nam, chúng yêu cầu nộp phạt 150 triệu thì mới thả người và phương tiện về.

Đến năm 2009 tàu của ngư dân Dương Lúa lại đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì bị Trung Quốc bắt tịch thu tàu và bị giam hai tháng. Thế là bao nhiêu vốn luyến đã mất sạch. Anh Lúa than thở "Bây giờ phải đi bạn cho người ta chứ tiền bạc đâu mà sắm tàu vì nợ lần trước cũng chưa trả hết. Nói chung đi bạn cho người ta để kiếm tiền chi phí cuộc sống gia đình" 

Còn ngư dân Lê Khởi (48 tuổi) ở xã An Hải cũng bị người phía Trung Quốc bắt giam, lấy hết hải sản đánh bắt được và ngư lưới cụ...

"Năm 2007 thuyền chúng tôi đang khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa thì bị phía Trung Quốc bắt đưa vào đảo Hải Nam, sau đại sứ quán can thiệp vào nên phía Trung Quốc thả về nhưng ngư lưới cụ và 10 tấn cá mình khai thác được thì họ lấy hết" Từ năm 2012 đến nay tàu của ngư dân Lê Khởi đã 2 lần bị phía Trung Quốc bắt lại phá ngư lưới cụ. Anh Khởi cũng bị tàu chiến Trung Quốc rượt theo tố đá, xịt vòi rồng sang làm cho chìm tàu.

Ngoài ngư dân Lê Tân, Trần Hiền, Lê Khởi, Dương Được, Dương Lúa ra ở Lý Sơn còn có một số ngư dân khác bị Trung Quốc uy hiếp, tịch thu tàu, phá hại ngư lưới cụ thế nhưng họ không hề sợ hãi. Họ vẫn quyết tâm bám biển để mưu sinh đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo của quê hương.

Theo khảo sát sơ lược của UBND tỉnh Quảng Ngãi, tính bình quân trong vòng 10 năm qua, mỗi năm đều có 30-35 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc rượt đuổi, phá tàu, tịch thu ngư cụ, thu tàu... Nhưng con số này chỉ riêng quý I/2013 đã có đến 25 tàu- chủ yếu là tàu cá của Ngư dân Lý Sơn

Còn nữa...

Tấn Tài