“Pháp chế vãn báo” Trung Quốc đăng bài tuyên truyền bôi xấu Nhật Bản

15/05/2013 07:37
Việt Dũng
(GDVN) - Theo Pháp chế vãn báo, dư luận TQ ngày càng lo ngại Nhật Bản khai thác tiềm lực công nghệ để tăng cường sức mạnh quân sự, ngăn chặn TQ bá quyền trên biển.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mặc quân phục trên xe tăng được Pháp chế văn báo tuyên truyền là ông có hô “Thiên hoàng vạn tuế”
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mặc quân phục trên xe tăng được Pháp chế văn báo tuyên truyền là ông có hô “Thiên hoàng vạn tuế”

Ngày 12/5/2013, tờ “Pháp chế vãn báo” Trung Quốc đăng bài viết sặc mùi tuyên truyền xấu về Nhật Bản với nhan đề “Nhật Bản đến gần bờ vực chiến tranh, bẻ cong Hiến pháp, khôi phục chủ nghĩa quân phiệt”.

Bài viết cho rằng, trong “Ngày khôi phục chủ quyền” gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mặc quân phục, ngồi xe tăng và hô “Thiên hoàng vạn tuế” – sự kiện này đã khiến cho người ta “nhớ” lại thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Báo Trung Quốc tuyên truyền rằng, Nhật Bản vẫn chưa từng “thức tỉnh”, các quan chức liên tục thăm đền Yasukuni, sửa đổi sách giáo khoa, làm đẹp sách lịch sử xâm lược, phủ nhận sự thực “nô lệ tình dục”…

Theo đó, bài báo kêu gọi phải loại trừ được “mầm họa chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản”. Bài báo dẫn lời Phùng Vĩ, người được cho là chuyên gia vấn đề Nhật Bản của Đại học Phục Đán, Trung Quốc cho rằng, "hiện nay ở Nhật Bản có tình trạng mâu thuẫn xã hội nổi cộm, nhiều lần “vượt rào trật tự quốc tế”, ra sức phát triển sức mạnh quân sự, có “điềm báo tương tự” như thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Vị giáo sư này kêu gọi cần các nước cần “cảnh giác cao”".

Trên thực tế, hiện nay, Trung Quốc đang liên tục gây sức ép với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, như điều tàu tuần tra, máy bay đòi trục xuất các lực lượng chấp pháp của Nhật Bản khỏi vùng biển đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát thực tế.

Đồng thời “mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc” cũng không ngừng nổi lên, như Trung Quốc liên tục điều các biên đội tàu chiến chạy xuyên qua các hòn đảo của Nhật Bản để diễn tập biển xa, xâm nhập vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản, sử dụng radar điều khiển hỏa lực của tàu chiến để ngắm bắn tàu chiến, máy bay Nhật Bản v.v…

Đây thực sự là sức ép to lớn của Nhật Bản trong bảo vệ chủ quyền đảo Senkaku, hòn đảo do họ kiểm soát thực tế.

Trung Quốc muốn đoạt lại quyền kiểm soát đảo Senkaku từ Nhật Bản.
Trung Quốc muốn đoạt lại quyền kiểm soát đảo Senkaku từ Nhật Bản.

Báo Trung Quốc tuyên truyền, "người Nhật Bản có truyền thống “võ sĩ đạo”, tức tinh thần của “chủ nghĩa phát xít” và Nhật Bản đã tiến hành giáo dục tinh thần này cho các binh sĩ của họ. Theo bài báo, sự phát triển của “chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản” gắn liền với các cuộc chiến tranh, chinh phạt, như trước năm 1945".

Theo Phùng Vĩ, sự phát triển của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ nhất có liên quan chặt chẽ đến chính sách quốc gia do quân đội lãnh đạo, trong đó điển hình nhất là biến cố “18/9”. Khi đó, tầng lớp thống trị tối cao Nhật Bản muốn từng bước thực hiện mục tiêu đánh chiếm Mãn Châu - tức vùng đông bắc Trung Quốc. Ngày 1/5/1929, quân Quan Đông Nhật Bản quyết định “làm tốt chuẩn bị cho việc áp dụng các hành động quân sự toàn diện” và đã xác định các bước đi cụ thể.

Theo đó, chuyên gia Trung Quốc cho rằng, biến cố “18/9” là khởi điểm thực sự của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bởi vì nó đã phá vỡ thể chế do Versailles – Washington quy định sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Chính vì vậy, Phùng Vĩ nhấn mạnh, các hoạt động thúc đẩy “sửa đổi Hiến pháp, phá vỡ thể chế sau chiến tranh” của Nhật Bản phải được cảnh giác cao độ.

Theo báo Trung Quốc tuyên truyền với tư tưởng đầy hằn học thì "từ năm 2003 đến nay, trong 10 năm Nhật Bản đã đổi tới 8 Thủ tướng, nợ bên ngoài chồng chất, kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp nhiều lần vượt kỷ lục, lúc cao nhất lên tới 5,7%, mâu thuẫn xã hội ngày càng nổi cộm".

Bài báo liên tưởng quá khứ cho rằng, 10 năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản cũng đã thay đổi 12 Thủ tướng, khi đó, kinh tế Nhật Bản đứng trước suy thoái lớn. Để làm thay đổi mâu thuẫn xã hội, Nhật Bản đã phát động chiến tranh.

Nhật Bản tăng cường cảnh giới hướng tây nam (hướng đảo Senkaku)
Nhật Bản tăng cường cảnh giới hướng tây nam (hướng đảo Senkaku)

Theo đó, bài báo chụp mũ cho rằng, hiện nay, thế lực cánh hữu ở Nhật Bản nổi lên, đang xuyên tạc lịch sử trên trường quốc tế, nổi bật nhất là ông Shintaro Ishihara đã tạo ra vấn đề “mua đảo Senkaku” vào năm 2012.

Ngoài ra, hiện nay, các chính đảng ở Nhật Bản như chính đảng cầm quyền (LDP) nhiều lần kêu gọi sửa đổi Điều 9 và Điều 96 của Hiến pháp Nhật Bản, từ đó đạt được các mục đích như tăng cường binh lực, mở rộng quân bị, có quyền phát động chiến tranh.

Theo bài báo, những năm gần đây, Nhật Bản liên tục tăng quân cho hướng tây nam, hiện nay nhân viên quân sự cả nước đã được tăng lên khoảng 300.000 người, vượt xa so với “tổng binh lực không được vượt 100.000 người” theo quy định của “Hiến pháp hòa bình”; tàu chiến các loại gần 150 chiếc, gấp 5 lần theo quy định của “Hiến pháp hòa bình” – không được trên 30 tàu chiến.

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai – trước biến cố “7/7”, cả nước Nhật Bản chỉ có chưa đến 200.000 quân. Sau đó, Nhật Bản bắt đầu mở rộng rất lớn quân số, đến năm 1941 lên tới trên 2,5 triệu người. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản sản xuất hơn 5.000 xe tăng, 17 tàu sân bay, 2 tàu chiến chủ lực, 147 tàu ngầm.

Như vậy, rõ ràng "dư luận Trung Quốc" (thực chất là cỗ máy tuyên truyền TQ) đang thực sự lo lắng trước khả năng Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp, xây dựng quân đội chính quy, tăng cường sức mạnh quân sự nhằm vào Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư và luôn tìm cách ép buộc Nhật Bản thừa nhận đảo Senkaku có tranh chấp và đòi trục xuất Nhật Bản khỏi hòn đảo này).

Nhật-Mỹ tăng cường khả năng tác chiến liên hợp
Nhật-Mỹ tăng cường khả năng tác chiến liên hợp

Ngoài ra, gần đây dư luận Trung Quốc cũng đặc biệt quan tâm tới khả năng Nhật Bản viện trợ quân sự cho các nước trong khu vực, nhất là những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như các nước ven biển Đông, Ấn Độ.

Tờ “China News” ngày 11/5 cho rằng, Chính phủ Nhật Bản quyết định xuất khẩu thủy phi cơ cho Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, loại máy bay này đã dỡ bỏ các thiết bị như radar, không động chạm đến “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”. Theo bài báo, Nhật Bản tăng cường hợp tác với Ấn Độ có ý đồ kiềm chế Trung Quốc – quốc gia hoạt động ngày càng hung hăng trên biển.

Thủy phi cơ mà Nhật Bản đang thúc đẩy xuất khẩu cho Ấn Độ là US-2, một loại máy bay đã trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cho rằng, tăng cường số lượng chế tạo có thể làm giảm giá thành của mỗi chiếc, đồng thời còn có thể cắt giảm chi tiêu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, vì vậy sẽ lấy xuất khẩu làm mục tiêu mới. Ấn Độ muốn sử dụng thủy phi cơ US-2 cho cứu nạn trên biển và tân công cướp biển, bày tỏ muốn mua.

Chính phủ hai nước Nhật-Ấn đang triển khai phối hợp tiếp tục về vấn đề này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, nếu dỡ bỏ radar của US-2 thì nó sẽ không động chạm tới “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”. Lần này, nếu có thể xuất khẩu cho Ấn Độ thì đây sẽ là lần đầu tiên thủy phi cơ Nhật Bản được xuất khẩu ra nước ngoài.

Được biết, vào cuối tháng 5/2013, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ thăm Nhật Bản, tăng cường quan hệ hợp tác song phương Nhật-Ấn.

Thủy phi cơ US-2 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Thủy phi cơ US-2 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Như vậy, Nhật Bản không chỉ muốn sửa đổi Hiến pháp, tăng cường sức mạnh quân sự cho bản thân, mà họ còn muốn nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí, tăng cường xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài, tăng cường hợp tác với các nước. Đây là bước đi tất yếu của Nhật Bản trong tình hình an ninh khu vực hiện nay.

Việt Dũng