Hà Nội loay hoay phương án làng cổ Đường Lâm và chùa Một Cột

15/05/2013 09:30
Diệu Linh
(GDVN) - Trước nhiều câu hỏi đã được đặt ra xoay quanh chủ trương, kế hoạch bảo tồn với chùa Một Cột và Làng cổ Đường Lâm, ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tại cuộc họp giao ban báo chí được tổ chức chiều 14/5 thẳng thắn đánh giá, cơ quan quản lý đã chậm trễ trong công tác trùng tu di tích...

Theo đó, ông Phan Đăng Long thẳng thắn đánh giá, cơ quan quản lý đã chậm trễ trong công tác trùng tu di tích khiến cho người dân ở Làng cổ Đường Lâm bức xúc và Đại đức Thích Đàm Kiên – Trụ trì chùa Diên Hựu – Một Cột cũng đã phải gửi đơn tới UBND TP Hà Nội, Cục Di sản và một số cơ quan khác yêu cầu lấy ý kiến trùng tu di tích chùa Diên Hựu đang xuống cấp, thậm chí mái ngói bị dột nên trời mưa các bức tượng ở chùa còn phải “đội nón, mặc áo mưa”.

Tượng phật ở chùa Diên Hựu phải đội nón khi trời mưa.
Tượng phật ở chùa Diên Hựu phải đội nón khi trời mưa.

Ông Phan Đăng Long cho hay, Thành ủy Hà Nội luôn nhắc nhở, yêu cầu các cơ quan nghiên cứu bảo tồn di tích lịch sử và quan tâm tới nguyện vọng chính đáng của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trên thực tế một số Sở, ngành chức năng chưa quan tâm đúng mức và chậm trễ trong công tác trùng tu di tích khiến cho nhân dân bức xúc.

“Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, xem xét trách nhiệm trong việc chậm trùng tu Chùa Một cột vì công trình này đã được thành phố chỉ đạo đưa vào diện trùng tu từ năm 2010. Còn với Làng cổ Đường Lâm, Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo khẩn trương xem xét ý kiến của người dân và ngay trong chiều 14/5, UBND thành phố đã có cuộc họp triển khai nhiệm vụ này”, ông Long cho hay.

Bên cạnh đó, ông Long cũng chia sẻ những khó khăn mà những cơ quan thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu di tích thường gặp phải. “Qua hai sự việc nói trên thì các cơ quan quản lý phải rút kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt hơn những nhiệm vụ đã được giao. Tôi đã từng có thời gian công tác tại Sở Văn hóa Hà Nội nên hiểu rất rõ những khó khăn trong công tác triển khai công việc tại các di tích của cơ quan này.

Thí dụ như xây dựng một công trình dân dụng thì có khung giá quy định cụ thể, nhưng trùng tu di tích thì có rất nhiều hạng mục không thể áp theo khung giá xây dựng thông thường, như vậy thì lại phải xin ý kiến cấp trên, rồi trao đổi với các đơn vị có liên quan, để đi đến thống nhất cũng mất rất nhiều thời gian. Qua đó, tôi mong rằng dư luận cũng có sự chia sẻ với các cơ quan quản lý để họ làm tốt hơn”, ông Long bày tỏ

Cũng trong chiều qua, ông Bùi Mạnh Tiến - PGĐ Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết: “Với Làng cổ Đường Lâm, năm 2010 chúng tôi đã tiếp nhận đề nghị của ban quản lý di tích và tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia và cơ quan chuyên ngành. Năm 2012 thì đã có những làm việc hướng dẫn cụ thể với ban quản lý di tích và đơn vị tư vấn. Tới ngày 17/5 tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức hội đồng thẩm định xem xét kế hoạch quy hoạch tại khu vực Làng cổ Đường Lâm, đồng thời sẽ trình UBND TP xem xét, cho ý kiến triển khai”.

Hơn 10 ngày qua, câu chuyện gần 100 gia đình ở Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đồng loạt ký tên vào lá đơn xin được trả lại danh hiệu “Di tích lịch sử Quốc gia làng cổ Đường Lâm” cho nhà nước đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước suốt mấy ngày gần đây.

Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam (nay là Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam) nhận định, đây là hệ quả tất yếu sẽ xảy ra không chỉ với làng cổ Đường Lâm mà với bất kỳ di tích nào khác, nếu không có sự quan tâm đúng mức của cơ quan quản lý.

“Thứ nhất, điều kiện sống tối thiểu của người dân ở Đường Lâm đang gặp khó khăn nhưng không được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Thứ hai, số tiền thu được từ công tác du lịch được chia sẻ lại cho người dân quá ít và không minh bạch. Điều này không chỉ bất hợp lý mà còn vô đạo lý. Con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng, tất cả đều chỉ loay hoay trên một nền diện tích cũ, bất cứ ai định cải tạo, hoặc cơi nới nhà đều bị chính quyền địa phương cưỡng chế phá dỡ, thậm chí chỉ xây nhà vệ sinh cũng rất khổ sở.

Đời sống tối thiểu của mỗi con người còn chưa được đảm bảo thì làm sao yêu cầu họ chung sức gìn giữ phát triển di tích được? Nếu tôi ở vào hoàn cảnh ấy thì tôi cũng sẽ có phản ứng như những người dân ở đây thôi”, GS Thịnh nói.

Vì đời sống quá khó khăn, nhiều người dân ở Làng cổ Đường Lâm đã ký vào đơn xin trả di tích cho nhà nước.
Vì đời sống quá khó khăn, nhiều người dân ở Làng cổ Đường Lâm đã ký vào đơn xin trả di tích cho nhà nước.

Và ngay tại trung tâm Thủ đô Hà Nội, một di tích khác là chùa Diên Hựu – Một Cột được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông, đến nay đã được 964 năm. Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, năm 1995, chùa được trùng tu ngôi Tam bảo với tổng số tiền 500 triệu đồng, năm 1997 trùng tu nhà Mẫu với số tiền đầu tư hơn 200 triệu đồng, còn chính điện chùa Diên Hựu thì được trùng tu từ năm 1954. Đã gần 60 năm, công trình văn hoá quan trọng này của Thủ đô không nhận được sự đầu tư nào.

Hiện nay, cứ mưa to là tượng Phật phải trùm áo mưa và sân chùa ngập úng. Nhà chùa rất lo lắng khi mùa mưa bão sắp tới. Đại đức mong UBND TP Hà Nội và các cấp chính quyền quan tâm và nhanh chóng tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các cấp, các ngành, các nhà khoa học, lịch sử… để trùng tu tôn tạo chùa Diên Hựu - Một Cột.

Diệu Linh