Lãi suất ồ ạt giảm, tiền nhàn rỗi nên đầu tư vào đâu?

16/05/2013 10:23
B.A
(GDVN) - "Nếu có tiền, tôi sẽ đầu tư một phần vào chứng khoán một phần gửi ngân hàng", TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia khẳng định.

Trong tuần qua, hàng loạt ngân hàng thương mại đều có động thái đối với tiền gửi tiết kiệm giảm sâu lãi suất về 6%. Thậm chí Agribank đã đưa lãi suất huy động về 5% - thấp nhất thị trường. Theo dự báo có thể lãi suất sẽ giảm thêm. Điều này khiến không ít người gửi tiền xót xa, cảm thấy thiệt thòi và băn khoăn không biết đầu tư khoản tiền này vào đâu hay tiếp tục gửi ngân hàng.


Theo các chuyện gia kinh tế, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,4%, trong khi huy động vốn 5,34%. Xét về mặt cung cầu bằng cảm quan cũng nhận thấy vốn trong ngân hàng đang thừa, buộc các nhà băng phải hạ lãi suất tiết kiệm. Có thể nghĩ đơn giản là các ngân hàng đang “ế” vốn và không muốn huy động thêm tiền nên cắt giảm được phần nào hay phần đó. Thay vì tìm nguồn vào, các ngân hàng đang thừa tiền và loay hoay tìm nguồn ra. Việc giảm lãi suất huy động như một động thái cắt giảm đầu vào.

Đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp có thể vay được vốn với lãi suất thấp hơn hiện tại vì thông thường lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay sẽ giảm.

"Nếu là tôi, tôi vẫn quyết định gửi ngân hàng vì sản xuất kinh doanh cũng khó khi thị trường còn nhiều khó khăn", một vị cán bộ hưu trí thừa nhận. Ảnh minh họa.
"Nếu là tôi, tôi vẫn quyết định gửi ngân hàng vì sản xuất kinh doanh cũng khó khi thị trường còn nhiều khó khăn", một vị cán bộ hưu trí thừa nhận. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi được người dân đưa ra trong lúc này là “ứng xử” thế nào dòng tiền nhàn rỗi?

Một cán bộ thuộc văn phòng ngân hàng nhà nước cho biết, từ lâu đến nay ở Việt Nam gửi tiết kiệm ngân hàng được xem như là một kênh đầu tư, nên khi kênh này trở nên ít hấp dẫn hơn, khách hàng chuyển sang đầu tư những lĩnh vực khác là phù hợp với thị trường, là xu hướng chuyển dịch có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ở thời điểm này việc đặt nguồn tiền vào đâu cũng là một câu hỏi khó.

“Nhiều người xin tư vấn tôi nên mang tiền vào đâu bây giờ, ngay cả trong câu lạc bộ hưu trí nơi tôi sống những người già có thói quen "lướt sóng" lãi suất khi thấy lãi suất giảm họ cũng lận đận đến xin tư vấn. Nói thật, nếu là tôi, tôi vẫn quyết định gửi ngân hàng vì sản xuất kinh doanh cũng khó khi thị trường còn nhiều khó khăn. Gửi ngân hàng với mức lãi suất thấp coi như chung tay vì nền kinh tế suy thoái” – vị cán bộ này cho biết.

Về phần mình, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết: Bất động sản là một kênh ảm đạm trong khi vàng nơi đầu tư béo bở trước kia thì giờ khá bấp bênh còn chứng khoán chưa có biến chuyển nhiều. Nhà đầu tư nên tìm cho mình nhiều kênh đầu tư liền lúc thay vì ôm cả cục tiền gửi vào ngân hàng.

TS Nghĩa cho rằng nếu muốn đầu tư cần được các chuyên gia tư vấn kỹ lưỡng. Nếu có tiền, tôi sẽ đầu tư một phần vào chứng khoán một phần gửi ngân hàng.

Phân tích lý do này, TS Nghĩa cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi. Thị trường chứng khoán Mỹ thường thay đổi nhanh khi có một hành động nào đó của chính phủ. Ở Việt Nam, chính phủ đã có nhiều động thái kích cầu nền kinh tế như giải cứu bất động sản, xử lý nợ xấu, nhiều quy định mới về đầu tư thương mại… sẽ là những tin tốt giúp kinh tế thoát khỏi tình trạng ảm đạm như hiện nay.

“Sắp tới, Chính phủ sẽ không còn chính sách nào mới và hay hơn những chính sách đã và đang dần được thực hiện nên chắc chắn chứng khoán sẽ có đà phục hồi”, TS Nghĩa nhấn mạnh.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!



B.A