Có ai dám tự nhận "Tôi không vô cảm, tôi không hèn nhát"?

17/05/2013 09:23
Phạm Liễu (th)
(GDVN) - "Khi lên án thói xấu của không ít người Việt, liệu có ai dám tự nhận mình miễn nhiễm với những thói xấu ấy không?", độc giả T.T.Luận (Nghệ An) đặt câu hỏi.
Chia sẻ suy nghĩ về chuyên mục Vì khát vọng Việt, độc giả Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Tôi rất tán thành chủ trương của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa vấn đề nóng bỏng này lên diễn đàn. Tôi có một vài ý kiến như sau: Nhiều bạn đọc đã chỉ ra một số nguyên nhân để dẫn đến thảm cảnh "cái xấu" bắt đầu sinh sôi nảy nở như "nấm trong rừng"… Theo tôi tất cả đều đúng, nhưng chưa phải nguyên nhân hàng đầu. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nguyên nhân hàng đầu mà mỗi người Việt chúng ta phải “không hèn nhát” để dám nói ra, dám nhận dạng nó, là nguyên nhân mà ông cha ta đã tổng kết nhiều đời nay đó chính là “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. 

Hãy nhìn lại xem, ở bất cứ cấp nào, địa phương nào, cơ quan đơn vị nào, nếu các vị lãnh đạo gương mẫu, liêm chính, chí công vô tư, có đức có tài như lời dạy của Bác Hồ với cán bộ, thì ở đó không xảy ra tiêu cực, nhân viên hoặc cấp dưới không dám tham nhũng, cửa quyền, sống làm việc vô trách nhiệm, đục khoét làm giàu trên nỗi đau của người khác... Ở đó sẽ không có cơ hội để xuất hiện “một con sâu…”, rồi sau đó “cả bầy sâu…” đục khoét đất nước.

GS Nguyễn Lân Dũng: Rất nhiều người Việt ham tiền, vô cảm, hèn nhát

GS Nguyễn Lân Dũng: Rất nhiều người Việt ham tiền, vô cảm, hèn nhát

Trước khi ước mơ lớn, các cử nhân tương lai hãy đọc bài viết này!

Trước khi "ước mơ lớn", các cử nhân tương lai hãy đọc bài viết này!

Không có khát vọng lớn, nhiều người Việt quẩn quanh sau lũy tre làng

Không có khát vọng lớn, nhiều người Việt "quẩn quanh sau lũy tre làng"

Cũng từ nguyên nhân này, nảy ra một bệnh dịch là “bệnh thành tích” mà đúng nghĩa của nó chính là “bệnh nói dối” đang hoành hành ở khắp nơi, mọi cấp mọi ngành.

Có bạn đọc nhận định là “Vô cảm, hèn nhát của nhiều người Việt bắt nguồn từ việc sợ liên lụy….”, theo tôi là không sai, nhưng cái chủ yếu nhất là trong xã hội hiện nay đã mất đi niềm tin của nhân dân là “kẻ gian phải sợ người ngay”, “chính nghĩa cuối cùng phải chiến thắng phi nghĩa”, người có tâm, có công tố cáo hoặc chống tiêu cực phải được bảo vệ an toàn đến cùng (chứ chưa nói đến việc tưởng thưởng xứng đáng).

Từ nhìn nhận những nguyên nhân chủ yếu này, các cấp lãnh đạo nếu quyết tâm và quyết liệt vì tương lai của đất nước, có thể có những giải pháp hiệu quả để xử lý, khắc phục".

Bên cạnh đó, độc giả Dương Đăng Khoa cũng chỉ ra khởi nguyên tính xấu của người Việt là "sự đố kỵ": "Theo tôi nghĩ: Những tật xấu của người Việt bắt đầu từ sự đố kỵ. 

Ví dụ như thấy người khác giàu hơn mình, giỏi hơn mình, đẹp hơn mình, được nhiều người ca tụng và nể nang... Thì đâm ra ganh ghét, nói xấu và tìm cách hãm hại mới vừa lòng hả dạ. 

Trong quan hệ gia đình họ hàng, người nào có quyền cao chức trọng, có nhiều tiền bạc sẽ được họ hàng, bà con xa gần ca tụng, nịnh bợ để hòng nhờ vả. Ngược lại, những người nghèo hèn thì bị khinh, coi thường cho dù là người thân trong gia đình. Cái xấu cũng bắt đầu từ đây. 

Trong giáo dục, dùng điểm số để đánh giá năng lực học tập là môi trường rất tốt để gia tăng lòng đố kỵ. Có thể thấy, học sinh bị điểm thấp sẽ bị các bạn chế giễu, thầy cô la mắng. Trong khi đó những học sinh này rất cần sự giúp đỡ, động viên của cộng đồng để vươn lên học tốt. Vả lại, điểm thấp không phải là cái tội và những học sinh bị điểm thấp không phải là tội đồ.

Vậy đánh giá học sinh không dùng điểm số mà dùng chữ. Ta có thể dùng chữ “đạt” hay “chưa đạt” để đánh giá học sinh. Tuyệt đối không để các em học sinh mắc bệnh ngôi sao trong khi mới chỉ ở cấp tiểu học. 

Như vậy, có 2 nguồn gốc quan trọng hình thành nhân cách xấu hoặc tốt: Một là từ gia đình, bao gồm những tục lệ và lối sống, cách suy nghĩ... Hai là từ hệ thống giáo dục, bao gồm những người vận hành hệ thống giáo dục, sách giáo khoa, nhân cách của những người làm giáo dục. Như vậy giải quyết những nguyên căn đó thì làm như thế nào?"

Ở một khía cạnh khác, độc giả Việt Anh nêu ra tính xấu của một bộ phận người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài như sau: "Người Việt ta khi rời quê hương bản quán đi làm ăn, sinh sống ở địa phương khác ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đa số mang trong dòng máu “tính cục bộ ích kỷ”. Họ chỉ chú ý sự gắn kết "đồng hương" theo địa phương, vùng miền. Từ đó, phát sinh nhiều mặt ứng xử tiêu cực, thích sống co cụm theo tư tưởng bầy đàn, ủng hộ nhau bất chấp đúng sai... Đa số không chú ý đề cao thể diện quê hương, thể diện dân tộc hào hùng trên đất khách,... Đó là một ý thức hệ của người Việt đang thịnh hành, một tình trạng rất đáng buồn hiện nay".

Đối với bài viết "Giới trẻ và những thói xấu" của BS Hòa Minh Tân (Hà Nội), độc giả Thanh Thảo cho biết ý kiến: “Trước hết, em xin nói em không bác bỏ bài viết này mà chỉ đóng gớp thêm một số ý kiến cá nhân. Bài viết rất hay, rất xác thực.

Em cũng là một sinh viên. Nhưng nói cho cùng, ở một khía cạnh nào đó, sinh viên đúng là có rất nhiều tật xấu. Nhưng em mong mọi người nên nhớ một điều: Bởi chính chúng em hiện nay đang ngồi trên ghế giảng đường thỉnh thoảng vẫn tự hỏi "Liệu những điều chúng ta được học trên ghế nhà trường có đủ để giúp chúng ta có thêm những cơ hội trong cuộc sống?" 

Em không phủ nhận thói xấu của sinh viên, nhưng vẫn có một số bộ phận sinh viên vẫn muốn được học hỏi, được làm việc, được thể hiện mình. Tuy nhiên với nền giáo dục hiện nay, thì từ khi bước chân vào trường học đến lúc là một sinh viên thì các thầy cô vẫn chưa thực sự để học sinh bộc lộ những suy nghĩ của bản thân. Thay vào đó, thầy cô bắt học sinh phải theo tư duy của thầy cô... đáng buồn thay!

Thay cho lời kết bài viết này là câu hỏi của độc giả T.T.Luận (Nghệ An): "Khi lên án thói xấu của không ít người Việt, liệu bản thân người đó có dám tự nhận mình miễn nhiễm với những thói xấu ấy không? Tôi tin chắc là khó, thế thì thay vì "ném đá", quan trọng nhất là mọi người phải đưa ra được giải pháp có thể triệt tiêu dần thói xấu, để người Việt mạnh hơn, đoàn kết hơn. Từng cá thể người Việt mạnh, xã hội ắt sẽ không dễ dàng nhiễm bệnh"

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi


Phạm Liễu (th)