Đường Lâm, chuyện ngôi “làng cổ” than “làng khổ”

17/05/2013 06:47
Nguyễn Hải Linh
(GDVN) - Vừa qua, sự kiện 78 người của gần 60 hộ dân ở làng cổ Đường Lâm vừa đồng loạt ký tên trên lá đơn gửi đến UBND thị xã Sơn Tây, UBND TP Hà Nội và Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) để xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia cho Nhà nước đã gây xôn xao dư luận trong nước.
Một ngôi nhà ở làng cổ Đường Lâm
Một ngôi nhà ở làng cổ Đường Lâm

Thực tế, đây không phải lần đầu người dân Đường Lâm có phản ứng gay gắt như vậy. Sự việc tương tự đã xảy ra từ cuối năm 2010 khi chính quyền địa phương cưỡng chế "giải tỏa”, tháo dỡ nhà tầng cao của một hộ gia đình, khiến dân làng Đường Lâm rất bức xúc, đòi trả lại danh hiệu làng cổ. 

Cay đắng hơn, họ đã gọi ngôi làng của mình là “làng khổ”. Điều gì khiến người dân Đường Lâm tự mỉa mai chính ngôi làng cổ danh tiếng mà đáng lẽ họ phải tự hào?

Những năm gần đây, làng cổ Đường Lâm đã tiếp nhận nhiều dự án bảo tồn, tôn tạo và phát triển, nhưng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia này vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức.

Ở bề nổi, dễ thấy thực trạng của các di tích là vấn đề phải đánh giá đầu tiên đối với ngôi làng cổ vốn tiêu biểu cho không gian làng quê đồng bằng Bắc Bộ này. Làng cổ Đường Lâm có 50 di tích, trong đó hình thức nhà cổ là điển hình với gần 1000 ngôi, trong đó có khoảng 30 nhà cổ được xếp loại 1, còn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc cổ, niên đại trên dưới 200 năm.

Tuy nhiên, mới chỉ hơn 10 ngôi nhà được tài trợ kinh phí và sự hỗ trợ tu bổ của tổ chức JICA (Nhật Bản), còn lại hầu hết đều xuống cấp nghiêm trọng. Song song với đó là sự thay đổi, biến dạng của nhà cổ đã và đang diễn ra theo xu hướng đô thị hóa.

Người dân tự ý phá bỏ nhà cổ xây nhà mới hiện đại, hay phân chia, cơi nới nhà cổ để đáp ứng nhu cầu sinh sống. Mặt khác, có những di tích đã biến mất, ví dụ như những cổng làng xưa. Vốn dĩ Đường Lâm có năm cổng làng, một cổng lớn và bốn cổng trấn tứ phương, nhưng hiện tại chỉ còn cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ 1553.

Ở khía cạnh công tác bảo tồn và quản lý, năm 2011, ý tưởng lập hồ sơ Di sản Văn hóa thế giới cho làng cổ Đường Lâm bắt đầu được manh nha và được các chuyên gia đánh giá cao, nhưng bên cạnh đó, cũng có những sự không đồng thuận từ phía người dân. Thậm chí, nhiều người bức xúc muốn trả lại danh hiệu làng cổ, chứ chưa nói đến danh hiệu từ UNESCO.

Thực tế, không phải cơ quan quản lý không có giải pháp cho vấn đề bảo tồn và phát triển đối với làng cổ Đường Lâm. Từ năm 2010, nhằm giải quyết việc giãn dân, BQL di tích đã có quy hoạch 9 ha để tái định cư cho 6000 dân trong làng, mục đích để tạo điều kiện sống phù hợp cho người dân và thuận lợi cho việc bảo tồn làng cổ.

Tuy nhiên, dân số địa bàn ngày càng tăng nhanh, kế hoạch giãn dân triển khai chậm chạp và không hiệu quả. Theo kế hoạch, năm 2012 sẽ có khoảng 30 hộ dân được di dời đến nơi ở mới (tái định cư). Tuy nhiên, đến nay dự án giãn dân vẫn chưa có chuyển biến gì. Mặt khác, phần lớn người dân Đường Lâm làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn, không có tiền để xây nhà trên đất tái định cư được cấp, nên họ đành bán đất để lấy tiền về làng xây nhà hoặc cơi nới.

Về phát triển du lịch, Đường Lâm còn những vấn đề tồn tại như thiếu chiến lược và thiếu đồng bộ. Đặc biệt nổi cộm là sự không đồng thuận của người dân khi lợi ích không được đáp ứng công bằng. Đường Lâm có gần 1000 nhà cổ, 1500 hộ và 6000 dân thì mới chỉ có khoảng 30 hộ nhạy bén, chuyển hướng sang làm du lịch.

Người dân chưa có nhiều cơ hội thuận lợi để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang làm dịch vụ du lịch. Số gia đình được hưởng lợi ích từ danh hiệu làng cổ không nhiều, do đó người dân không mặn mà giữ gìn nhà cổ. Cả thôn Mông Phụ chỉ có vài ngôi nhà cổ được hưởng khoản phụ cấp ít ỏi (300 nghìn/tháng) từ nguồn bán vé của BQL.

Số nhà cổ đón hàng trăm khách chỉ đếm trên đầu ngón tay.. Còn lại, hơn 400 hộ xung quanh không được hưởng lợi gì nhưng phải chịu tuân theo những quy định ngặt nghèo của BQL di tích và luật di sản.

Tóm lại, đời sống kinh tế và sinh hoạt người dân chưa được đảm bảo đúng mức để họ yên tâm một lòng một dạ bảo tồn ngôi nhà cổ của chính họ.

Theo chương trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích làng cổ Đường Lâm, ngôi làng cổ sẽ trở thành mô hình một “bảo tàng sống” của nông thôn đồng bằng bắc bộ Việt Nam. Mô hình “bảo tàng sống” là giải pháp thích hợp và tối ưu đối với một không gian văn hóa giá trị như làng cổ Đường Lâm.

Phương pháp bảo tồn này đã được áp dụng rất thành công ở các quốc gia phát triển có kinh nghiệm bảo tồn di sản như Nhật Bản, Hàn Quốc. Muốn làm được việc này, Đường Lâm cần giải quyết hai nhiệm vụ cốt lõi, đó là:

- Hoàn thiện Quy hoạch tổng thể và công tác giãn dân – tái định cư, đi cùng với đó là tạo điều kiện cho người dân hưởng lợi ích kinh tế từ hoạt động dịch vụ, du lịch.

- Bảo tồn nguyên trạng, khẩn trương tu bổ các di tích đã xuống cấp trước khi chúng sụp đổ. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch phục dựng lại những di tích đã bị phá hủy (nếu có thể) dựa trên những tư liệu đã có.

Đó là những nhiệm vụ mà BQL di tích làng cổ Đường Lâm cần giải quyết nhanh chóng dưới sự chỉ đạo từ các cấp cao hơn là UBND thành phố Hà Nội, Cục di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) trước khi nghĩ đến những danh hiệu cao quý hơn từ UNESCO. Các cấp quản lý cần vào cuộc khẩn trương, đừng để biến mất hoàn toàn một không gian làng quê Việt Nam như trường hợp đáng tiếc của làng cổ Cự Đà (Thanh Oai-Hà Nội).

Nguyễn Hải Linh