Thi học sinh giỏi là 'luyện gà chọi'?

18/05/2013 07:03
Trường Giang
(GDVN) - "Việc thi học sinh giỏi quan trọng nhất không phải chuyện đạt giải" - GS.TSKH Lê Tuấn Hoa.
LTS: GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học VN, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (GS Ngô Bảo Châu là Giám đốc khoa học của Viện này) đã dành cho Giáo dục Việt Nam một buổi trò chuyện sâu sắc xung quanh 4 vấn đề chính: Về thực trạng chương trình và việc dạy - học hiện nay; Về thi học sinh giỏi Toán; học Toán để làm gì; và về GS Ngô Bảo Châu. 
Chúng tôi xin lần lượt đăng tải nội dung cuộc trò chuyện với GS Lê Tuấn Hoa theo những nội dung trên. Bài tiếp theo là về chuyện thi học sinh giỏi Toán.
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa.
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa.

Về thi học sinh giỏi Toán
- Trong việc luyện thi học sinh giỏi hiện nay, gần đây có nhiều ý kiến cho rằng thi học sinh giỏi chỉ là luyện “gà chọi”. Có vẻ như cả nước đổ xô chỉ để có 6 em đi thi Toán quốc tế? Ông có chia sẻ gì về điều này?
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa: Việc thi học sinh giỏi quan trọng nhất không phải chuyện đạt giải. Nếu nhận thức được điều này đi thi anh sẽ hứng thú, không áp lực với học sinh, phụ huynh và nhà trường. Chính kỳ thi học sinh giỏi là nơi người ta tranh tài, vượt khó. Tập luyện vượt khó, đấy là điều quý giá trong cuộc đời.
Cuộc đời con người khi còn trẻ lúc nào cũng trơn tru thì không bao giờ tốt. Thi học sinh giỏi, khi gặp bài khó anh được 0 điểm. Thoạt nhìn thấy đó là một thất bại thảm hại. Nhưng ít nhất có một cái lợi: nó giúp anh nhận ra rằng mình chưa đủ giỏi, còn phải học, phải cố gắng thêm! Nhờ tôi luyện như vậy mà sau này bước vào cuộc đời, ta sẽ đủ độ lì và bản lĩnh để đương đầu với khó khăn.
Đối với người tổ chức, mục đích chính nhất là tìm ra những người giỏi. Nếu quan niệm như vậy người ta sẽ trân trọng từng giải thưởng, từ học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện cũng quý, cấp tỉnh càng quý, cấp nhà nước càng quý nữa.
Theo quan điểm như vậy không nhất thiết phải trao nhiều giải. Trao ít giải, học sinh đi thi không được giải thấy bình thường, vì tuyệt đại đa số không có giải. Ngược lại, trao nhiều giải, học sinh được giải cũng thấy vui vừa, còn nếu không được giải thì cảm thấy buồn và thất vọng vì bị xem là kém cỏi. Thành ra dẫn đến bị áp lực.
Thời mình cả tỉnh Thanh Hóa nhiều năm đi thi toàn miền Bắc hầu như không có giải. Do vậy, nếu năm nào có em dính giải là cả tỉnh biết, rồi lưu truyền hàng ba bốn chục năm sau (dĩ nhiên trong số cùng lứa tuổi). 
- Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng số lượng 50% học sinh đạt giải trong 1 kỳ thi là quá nhiều. Ông nghĩ sao về điều này?
Đây là vấn đề quan điểm, đúng sai tùy từng người. Nếu các em này thực sự giỏi thì trao 50 – 70% cũng đúng, nhưng trao với mục đích gì thì là câu chuyện khác.
Như trên tôi đã nói, quan điểm của cá nhân tôi là trao vừa phải, ít thôi để đỡ bớt áp lực hơn.
Tôi biết, từ khá lâu, việc trao giải của các kì thi học sinh giỏi ở nước ta là học theo cách trao giải của Kì thi Toán quốc tế. Theo đó 50% số em dự thi đạt giải. 
Trên bình diện quốc tế, điều đó rất hợp lí. Bởi mỗi đội tuyển của một nước chỉ có tối đa 6 em. Về lí thuyết, đó là các em rất giỏi và vào loại tinh túy nhất rồi nên việc trao giải cho các em rất xứng đáng. 
Áp dụng sơ đồ đó vào các kì thi trong nước lại là vấn đề khác, có thể bàn đi bàn lại dưới nhiều góc độ. Quan điểm của tôi đã nêu rõ ở trên nên tôi không muốn nhắc lại nữa. 
Còn dù trao ít hay nhiều, thì tất cả các em đạt giải quốc gia được tuyển thẳng vào đại học là hoàn toàn xứng đáng.
- Được biết, năm 1974 giáo sư cũng từng trong đội tuyển ôn luyện đi thi học sinh giỏi quốc tế nhưng cuối cùng lại không được lọt vào vòng cuối cùng. Ngày đó, GS có nuối tiếc không?
Tôi trong đội dự tuyển đi ôn nhưng cuối cùng không được thi, đó là chuyện bình thường (9 người dự tuyển lấy 5). Tất nhiên, ngày đó tôi cũng tiếc nhưng không cay cú. Làm gì cũng được, nhưng phải biết mình biết ta. Tôi thấy mình còn thua các bạn, nên phải cố gắng phấn đấu để bằng. Tôi nghĩ mình còn nhiều cơ hội chứ không phải thế là mình suốt đời thua kém các bạn. 
- Giáo sư có thể chia sẻ thêm về quãng thời gian ngày đấy?
Dù không được thi Toán quốc tế, nhưng nhờ dự đội dự tuyển, tôi biết được một số câu chuyện “cơ mật”. Đó là sự băn khoăn của cấp lãnh đạo cao nhất trong giáo dục và đào tạo (các cố bộ trưởng Tạ Quang Bửu và Nguyễn Văn Huyên) về khả năng Toán học của học sinh Việt Nam cũng như chất lượng và trình độ đào tạo Toán của nước ta so với thế giới. Trước khi thi, cố bộ trưởng Tạ Quang Bửu nghĩ rằng ta còn thua xa thế giới, khi không ít lần ông nói với đoàn học sinh: thi không được giải là bình thường, còn nếu chỉ được một giải cũng đã là thắng to. 
Đến lúc thi, các bạn tôi thắng to: 4 trong 5 được giải, có cả vàng lẫn bạc. Bạn cuối chỉ thiếu 1 điểm là được đồng. Từ đất Thanh Hóa, nghe qua đài tiếng nói Việt Nam, tôi vừa vui, vừa sững sờ. Khoảng hai tuần sau đó, tôi không nhớ bằng cách nào đó tôi có đề thi, tự mình ngồi làm thử, thì thấy nếu được đi thi, cũng có cơ may được giải, nhưng chắc chắn không thể là vàng!!!
Nhưng tôi đồ rằng cái lớn nhất, cái mừng nhất của các vị bộ trưởng chính là tìm được câu trả lời: việc giảng dạy Toán của nước mình, nếu không nói đến đại trà thì ít nhất ở các lớp chuyên toán, không thua kém đối với thế giới. 
Đây là một điều khẳng định rất tốt. Khẳng định sự tự tin và khẳng định chương trình dạy toán ngày xưa cứ thế mà tiếp tục. Bây giờ, sau khi kinh qua quản lí nhiều năm, tôi càng cho rằng đó là một kết luận có ý nghĩa chiến lược rất cao. Rất ít người nói được cái ý nghĩa này. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trường Giang