Chuyện lạ: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc không nhận SV ĐH Quốc gia

26/08/2011 06:53
Xuân Trung
(GDVN) -Nhiều sinh viên hộ khẩu tại Vĩnh Phúc tốt nghiệp loại khá, giỏi hai trường ĐH Giáo dục, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (ĐHQGHN) bị từ chối khi nộp hồ sơ xét tuyển.

 Phân biệt đối xử?

Liên tiếp những ngày qua, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được khúc mắc của hàng trăm sinh viên có hộ khẩu tại Vĩnh Phúc, tốt nghiệp hai trường đại học nói trên với kết quả khá, giỏi. Tuy nhiên, khi mang hồ sơ nộp theo diện xét tuyển chỉ tiêu giáo viên năm học 2011-2012 của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc thì “té ngửa” khi nhận được trả lời “Hai trường đó mới thành lập, chất lượng đào tạo chưa được thẩm định nên không đuợc dự tuyển”.

Những sinh viên tốt nghiệp hai trường ĐH Giáo dục và ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (ĐHQGHN) tập chung trước Phòng tổ chức cán bộ của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc để thắc mắc. Ảnh Xuân Trung
Những sinh viên tốt nghiệp hai trường ĐH Giáo dục và ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (ĐHQGHN) tập chung trước Phòng tổ chức cán bộ của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc để thắc mắc. Ảnh Xuân Trung
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 21/7/2011 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có văn bản hướng dẫn tuyển dụng giáo viên số 796. Trong văn bản có nói rõ: “Đối tượng tuyển là những người có bằng tốt nghiệp loại hình đào tạo chính quy cao đẳng sư phạm, ĐH Sư phạm và có bằng tốt nghiệp ĐH loại hình đào tạo chính quy ở các trường công lập phù hợp với môn học cần tuyển. Người có bằng tốt nghiệp ngoài sư phạm phải có chứng chỉ sư phạm, chứng chỉ học phần quản lý Nhà nước và quản lý ngành do các trường được Bộ GD&ĐT cho cấp phép”.

Văn bản hướng dẫn là thế, nhưng phần đăng ký xét tuyển vào các trường trực thuộc Sở lại quy định “bó hẹp”, chỉ tiếp nhận hồ sơ người có bằng tốt nghiệp chính quy ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Sư phạm Thái Nguyên (ngành Sư phạm), ĐH Hà Nội (khoa Tiếng Anh), ĐH Thể dục thể thao chuyên ngành Giáo dục thể chất.

Vẫn theo văn bản này, riêng các đối tượng đăng ký xét tuyển vào các đơn vị trường trực thuộc Phòng Giáo dục tại các huyện (bao gồm các cấp học từ mầm non, tiểu học và THCS), thì ngoài các trường trên còn được mở rộng sang các trường khác như ĐH Tây Bắc, ĐH Hùng Vương.

Như vậy, ngầm ý theo văn bản này, những sinh viên tốt nghiệp hai trường ĐH Giáo dục và ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (ĐHQGHN) chỉ được phép dự tuyển vào các  trường trực thuộc Phòng Giáo dục (mầm non, tiểu học và THCS). Tuy nhiên, trớ trêu ở chỗ, năm 2011 các Phòng Giáo dục lại không có chỉ tiêu cho các ngành của hai trường nói trên. Như vậy, khác gì Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc “cố tình” gạt những sinh viên tốt ngiệp hai trường đó ra?

Khó hiểu trước cách tuyển dụng của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, ngày 16/8/2011 đích thân Hiệu trưởng ĐH Giáo dục, GS TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc có công văn số 400/ĐHGD-ĐT gửi đơn vị này cùng Sở Nội vụ Vĩnh Phúc. Bà Lộc bày tỏ: “Việc sinh viên tốt nghiệp ĐH Giáo dục không thuộc đối tượng được đăng ký xét tuyển vào giáo viên tại tỉnh Vĩnh Phúc đang gây hoang mang, nguy cơ bất ổn không chỉ cho sinh viên có hộ khẩu tại tỉnh nhà đã tốt nghiệp nói riêng và còn đối với các sinh viên khác đang theo học tại trường ĐH Giáo dục”.

Ngày 22/8, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có công văn số 946 gửi lãnh đạo trường ĐH Giáo dục, trong đó có giải thích: “Do điều kiện đội ngũ giáo viên THCS và THPT không thiếu nhiều, nhất là THCS đang thừa giáo viên. Công tác tuyển dụng giáo viên năm 2011, ngành giáo dục Vĩnh Phúc chỉ lựa chọn tuyển ở một số ngành học, một số ngành không tuyển”.

Bức xúc

Nhiều sinh viên khi gặp chúng tôi bày tỏ, đây là một “sân chơi” không bình đẳng khi lãnh đạo Sở có sự phân biệt giữa chất lượng các trường. Nhiều sinh viên cho biết, bản thân muốn cống hiến cho nền giáo dục tỉnh nhà nhưng cuối cùng chỉ mang nỗi thất vọng tràn trề.
Đơn đề nghị phản ánh gửi cơ quan báo chí của những sinh viên. Ảnh Xuân Trung
Đơn đề nghị phản ánh gửi cơ  quan báo chí của những sinh viên. Ảnh Xuân Trung

Em T.T.N.N tốt ngiệp trường ĐH Giáo dục cho biết: “Thực tế, chất lượng cũng như chương trình đào tạo của trường ĐH Giáo dục rất tốt, điểm thi đầu vào của chúng em rất cao, thậm chí hơn rất nhiều so với trường các trường ĐH Sư phạm khác".

Tương tự, em N. T. D, tốt nghiệp loại khá, chuyên ngành Sư phạm Tiếng anh ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (ĐHQGHN) bức xúc: “Em không hiểu Sở căn cứ vào cơ sở nào để đánh giá chất lượng đào tạo giữa các trường. Chúng em được đào tạo phương pháp sư phạm bài bản”.

Ứng viên bị loại vì trường mới

Ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết: “ĐH Giáo dục đây là một ngôi trường mới, cả tên cũng mới. Cái tên cũng mang ý nghĩa đồng thời là vỏ vật chất của nội dung”.

Ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc: Không tuyển vì hai trường ĐH Giáo dục và DDH Sư phạm Ngoại ngữ là hai trường mới. Ảnh Xuân Trung
Ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc: Không tuyển vì hai trường ĐH Giáo dục và DDH Sư phạm Ngoại ngữ là hai trường mới. Ảnh Xuân Trung

Trao đổi với Phóng viên, ông Hoàng Minh Quân giải thích, việc không có tên hai trường ĐH Giáo dục và ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (ĐHQGHN) trong danh mục nhận hồ sơ xét tuyển là do hai trường này mới, khung chương trình đào tạo chưa đáp ứng được so với yêu cầu của địa phương. Theo ông Quân, trong chỉ tiêu tuyển năm nay Sở có ý chọn các trường sư phạm truyền thống, lâu đời. Hơn nữa, phương pháp sư phạm ở ĐH Giáo dục thì không được như các trường Sư phạm truyền thống. Ngoài ra, sẽ chọn thêm các trường top cao như Bách khoa, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐH KHTN

Ông Quân giải thích: “Trong quan điểm của tôi về nhận thức đào tạo giáo viên (3+1: 3 năm đào tạo kiến thức + 1 năm đào tạo phương pháp sư phạm) như các thầy ở ĐH Giáo dục nêu ra chưa thật đảm bảo. Về mặt kiến thức khoa học, hai trường Nhân văn và KHTN nhiều hơn ĐH Giáo dục 1 năm, mà người thầy giáo trước hết đòi hỏi phải có lượng kiến thức chuyên sâu. Về mặt sư phạm, cứ so với các trường Sư phạm khác (4 năm đào tạo), như vậy thời gian đào tạo ở ĐH Giáo dục sẽ bị dồn nén vào 1 năm, do đó chất lượng không đảm bảo”

Giải thích về việc Sở lựa chọn cử nhân Tiếng Anh của trường ĐH Hà Nội thay cho ngành Sư phạm Tiếng Anh của trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (ĐHQGHN), ông Quân lí giải rằng, trước đây vẫn có quan điểm chung rằng, về kĩ năng Ngoại ngữ của ĐH Hà Nội sẽ tốt hơn trường Sư phạm Ngoại ngữ.

Ông Quân thừa nhận rằng, việc đưa ra những lựa chọn cho các chỉ tiêu là quan điểm cá nhân, cũng có thể không đúng, nhưng do Sở hiểu như thế. Trước  bức xúc về việc các ứng viên không được tiếp nhận hồ sơ xin xét tuyển, ông Quân cho biết, năm nay do  đối tượng tuyển ít hơn năm trước, Sở  có quyền lựa chọn và dựa trên cơ sở thực tế giảng dạy.

“Từ việc cụ thể này chúng tôi sẽ xem xét và thống nhất với Sở Nội vụ để có những bổ sung điều chỉnh. Trước mắt, tạm thời phòng tổ chức cán bộ vẫn nhận hồ sơ của các em, kèm theo có thêm một đơn xin được dạy hợp đồng” ông Quân thông báo.

Lí do nộp theo đơn dạy hợp đồng, ông Quân giải thích: “Việc xét tuyển được hay không Sở không quyết định được, mà phải thống nhất với Sở Nội vụ rồi báo cáo UBND tỉnh. Nếu UBND tỉnh đồng ý cho bổ sung đối tượng thì hồ sơ đó được xét bình thường, nếu tỉnh không cho thì Sở xem xét những môn còn thiếu để cho vào dạy hợp đồng (đã có đơn kèm theo) với Sở và được hưởng chế độ như giáo viên biên chế” ông Quân khẳng định.

Ông Phùng Mạnh Thắng, phó Phòng Văn hóa – Xã hội (UBND tỉnh Vĩnh Phúc): “Việc ngành giáo dục đặt ra “rào” này thực sự là khó cho sinh viên ra trường. Đến giờ tôi cũng chưa nhận được đơn của các em gửi đến UBND tỉnh.

ĐH Giáo dục được tách ra từ khoa sư Phạm của ĐH Tự nhiên (ĐHQGHN). Đây là trường có bề dày thành tích về đào tạo các ngành khoa học cơ bản.
Xuân Trung