Bô-xít Tây Nguyên: Vinacomin nói gì về mức thuế suất 0% với Alumina?

19/05/2013 15:55
Ngọc Quang
(GDVN) - Xung quanh thông tin hai dự án bauxite Tây Nguyên, Vinacomin cho biết, mặt hàng ô xít nhôm (alumina) có mã số hàng hóa (mã HS) là 2818.20.00 với mức thuế suất (thuế xuất khẩu) là 0%, mức thuế này tương đương với mức thuế 0% của các nước xuất khẩu chính alumina như Braxin, Ấn độ, Australia.

Có sự hiểu nhầm?

Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã tổ chức họp báo về tình hình thực hiện hai dự án bauxite - alumin thử nghiệm. Tuy nhiên, tới ngày 18/5, Vinacomin tiếp tục gửi thông tin tới các cơ quan báo chí cho rằng thông tin một số báo đăng tải về mức thuế suất 0% đối với thuế xuất khẩu alumina đã gây ra những hiểu nhầm trong công chúng.

Vinacomin cho biết, mặt hàng ô xít nhôm (alumina) có mã số hàng hóa (mã HS) là 2818.20.00 với mức thuế suất (thuế xuất khẩu) là 0%, mức thuế này tương đương với mức thuế 0% của các nước xuất khẩu chính alumina nh ư Braxin, Ấn độ, Australia...

Trong danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của các nước, sản phẩm alumina được khai báo và thống kê theo phân nhóm “ Ôxít nhôm” với mã số 2818.20 chứ không xếp vào phân nhóm “Quặng nhôm và tinh quặng nhôm ” có mã số 2606.00. Sản phẩm alumin (ô xít nhôm: Al2O 3) không phải là tinh quặng nhôm, mà là một loại hàng hóa được chế biến rất sâu từ tinh quặng nhôm ra.


Theo thông tin của Vinacomin,  Alumin là một loại sản phẩm rất tinh khiết,  khác về bản chất đối với các loại quặng nhôm thô và tinh quặng nhôm. Ví dụ, đối với sản phẩm alumina do Tổ hợp alumina Tân Rai sản xuất, hàm lượng ô xít nhôm Al2O3 trong alumin là > 98,6%, cao hơn quy định về xuất khẩu sản phẩm khoáng sản alumin hiện nay Al 2O3 > 98,5%.

"Nếu mỗi năm một nhà máy alumin chỉ đóng thuế 400 tỉ đồng, theo tôi, là thấp. Bởi một dự án cỡ trăm triệu USD, không cần khai thác tài nguyên họ đã có thể đóng góp mức ấy, chưa nói đến nhà máy phải đầu tư gần tỉ USD như Tân Rai. Đó là chưa kể con số 400 tỉ nếu chưa loại trừ thuế môi trường, thuế VAT... thì lợi ích thật sự đem lại không nhiều"

 Phạm Chi Lan
 (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng - Nguồn: Tuổi trẻ)

Từ tinh quặng nhôm phải qua nhà máy luyện kim (nhà máy alumin) mới sản xuất ra alumin. Để sản xuất ra alumin từ tinh quặng nhôm, phải làm thay đổi cả cấu trúc mạng tinh thể của tinh quặng nhôm (Suất đầu tư để khai thác quặng nhôm thô chỉ khoảng 20 USD/tấn; suất đầu tư để sản xuất ra tinh quặng nhôm khoảng 45 – 50 USD/tấn; Suất đầu tư để sản xuất ra Alumin lên đến 1000 USD/tấn).   

Mức thuế suất 15-40% ở mục 16 trong Nghị quyết 710/2008/UBTVQH12 là được áp dụng cho quặng sắt và quặng nhôm, chứ không phải thuế suất áp dụng cho alumina.

Ngoài ra, trong quá trình khai thác quặng bauxite và sản xuất alumina, Vinacomin sẽ có nghĩa vụ nộp các khoản thuế khác theo luật hiện hành như thuế và phí môi trường, thuế VAT, thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Phát biểu trên tờ Tuổi trẻ, ông Phạm Quang Tú - Viện phó Viện Tư vấn phát triển, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN cho rằng, việc có hai luồng thông tin khác nhau về hiệu quả các dự án bôxit hần lớn là do lỗi của TKV, đó là vì các thông tin, số liệu TKV cung cấp không đủ, không cụ thể và thiếu thống nhất.

Như dự án Tân Rai, tại hội thảo ngày 9-4-2009, TKV công bố tổng vốn đầu tư là 628 triệu USD, nhưng cũng thời điểm đó, tại tọa đàm do Văn phòng T.Ư Đảng tổ chức, chủ tịch HĐQT của TKV báo cáo tổng mức đầu tư là 740 triệu USD. Nhưng trong công văn gửi đoàn công tác của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN, ban quản lý dự án Tân Rai lại thông báo tổng mức đầu tư là 800 triệu USD!

Về vấn đề thu hồi đất đai và đơn giá đền bù, ông Phạm Quang Tú đặt câu hỏi trên tờ báo này: Cơ sở nào để TKV đưa ra con số đền bù 250 triệu đồng/ha? Theo lý thuyết, giá đền bù phải bao gồm ba yếu tố: Thứ nhất là đền bù cho vật nuôi, cây trồng và các công trình dân sinh trên đất (theo giá thị trường). Thứ hai phải bao gồm những nguồn lợi, lợi nhuận mà người dân đáng lẽ có nếu không bị thu hồi đất và họ cũng cần một thời gian sau khi được trả đất để cây trồng có thể có thu hoạch, đạt năng suất như trước đây. Thứ ba là chi phí để hoàn thổ, đảm bảo đất có thể phục hồi sức sản xuất.


Nhiều nhà khoa học chuyên ngành về thổ nhưỡng đã bày tỏ lo ngại về khả năng sản xuất của đất sau khai thác bôxit, vì đặc thù mùa mưa của Tây Nguyên với cường độ lớn sẽ dễ dàng rửa trôi các lớp đất mặt.
"Không nên lẫn lộn hiệu quả đất nước và hiệu quả của doanh nghiệp"


GS.TSKH Nguyễn Quang Thái (phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN)
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái (phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN)

Tờ báo Tuổi trẻ cũng dẫn lời GS.TSKH Nguyễn Quang Thái (phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN): GS.TSKH Thái cho rằng: Không nên lẫn lộn hiệu quả đất nước và hiệu quả của doanh nghiệp: TKV (Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN) khẳng định dự án hiệu quả. Tôi cho rằng TKV có thể đã lẫn lộn giữa hiệu quả tài chính của doanh nghiệp và hiệu quả kinh tế tổng hợp của toàn bộ dự án đối với đất nước.

Nếu là hiệu quả với đất nước thì phải tính đủ mọi loại chi phí và kết quả để so sánh, như vận tải (không chỉ cước thuê vận chuyển vì làm gì đã có đường đạt tiêu chuẩn để vận chuyển cả triệu tấn đi xa hàng trăm kilômet), tăng giảm thuế xuất khẩu tài nguyên, hoàn thổ đất dùng sau dự án...

Nếu giảm thuế xuất khẩu quặng bôxit (từ 15-40% hiện nay) xuống 0% thì dự án bôxit có thể có hiệu quả hơn một chút. Nhưng hiệu quả đối với đất nước thực tế đã giảm, bởi đóng góp ngân sách sẽ ít đi nhiều (có chuyên gia tính rằng giảm đến 60 triệu USD/năm).

Ngọc Quang