Tâm nguyện của cử tri gửi tới Quốc hội

20/05/2013 13:35
Mai Nguyễn
(GDVN) - "Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 ở cơ sở còn hình thức, lúng túng; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa thực hiện được mục tiêu đề ra; việc lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất, không hình thức…" là những ý kiến đóng góp tâm huyết của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa 13, được Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ Quốc Huỳnh Đảm thông qua vào sáng 20/5.

Góp ý sửa Hiến pháp: còn nhiều lúng túng

Cử tri hoan nghênh Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cũng như việc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp kéo dài thời gian góp ý đến hết tháng 9/2013.

Đại biểu Quốc hội chất vấn các bộ trưởng tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Hồng Vĩnh (Tiền phong).
Đại biểu Quốc hội chất vấn các bộ trưởng tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII.  Ảnh: Hồng Vĩnh (Tiền phong).

Bước đầu các cơ quan chức năng đã tập hợp được hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân, qua đó đã huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân tham gia tích cực vào xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tuy nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở một số nơi, nhất là ở cấp cơ sở còn hình thức, lúng túng, bị động, chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan; một số nơi in, phát Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới từng hộ gia đình nhưng việc hướng dẫn nhân dân thảo luận góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân chưa tốt.

Cử tri và nhân dân kiến nghị các cơ quan hữu quan tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác những ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc; đồng thời giải trình rõ những nội dung không tiếp thu để hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo.

Phòng, chống tham nhũng: chưa đạt mục tiêu

Công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua tuy đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý còn ít; một số vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.

Cử tri và nhân dân kiến nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát và xử lý kịp thời, nghiêm túc các vụ việc tham nhũng, lãng phí, nhất là những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm, nhằm giúp các cấp uỷ Đảng và chính quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và hy vọng trong thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những chuyển biến tích cực.

Cử tri cho rằng tình trạng lãng phí vẫn diễn ra phổ biến trong sản xuất và tiêu dùng, trong đầu tư, mua sắm tài sản công… Đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp; nhiều công trình dở dang do thiếu vốn hoặc xây dựng xong nhưng không khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả gây lãng phí nghiêm trọng. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.

Bên cạnh đó tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn rất phức tạp. Nhiều vụ khiếu nại, tố cáo mặc dù đã được giải quyết nhưng người dân vẫn không đồng tình. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật đất đai cần có những quy định cụ thể; mục đích thu hồi đất khác nhau thì cần có cơ chế thu hồi khác nhau để tránh tiêu cực, đồng thời phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất…

Lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất

Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, vì vậy cử tri và nhân dân kiến nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Để làm tốt việc này, cử tri kiến nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát; yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực; tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra cử tri và nhân dân cả nước cũng phản ánh kiến nghị tới Quốc hội giải quyết về những bất cập trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Mai Nguyễn