Lấy phiếu tín nhiệm: Bản lĩnh và trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội

21/05/2013 08:38
Mai Nguyễn (ghi)
(GDVN) - Có nhiều “kênh” khác nhau để tham khảo trước khi đưa ra quyết định, song để việc lấy phiếu tín nhiệm được thực chất, công bằng thì rất cần đến bản lĩnh và trách nhiệm của mỗi đại biểu.

Bên lề hành lang QH chiều 20/5, các ĐBQH đã trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề này.

Phó đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh: Tôi không dám chắc có sự ưu ái hay không?

QH đã gửi cho từng đại biểu bản tự đánh giá về chức năng và việc hoàn thành nhiệm vụ của 49 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Bản thân chúng tôi đã nghiên cứu kỹ càng. Song đây chỉ là một trong những “kênh”, ngoài ra chúng tôi còn phải xem xem việc thực hiện công vụ của các chức danh đó trên thực tế.

Thứ hai chúng tôi còn phải xem đánh giá của dư luận, của cơ quan thông tin đại chúng về những người này thế nào.

Lấy phiếu tín nhiệm là việc làm rất lớn. Do vậy nó đòi hỏi phải có sự công tâm trong việc này. Chỉ có đánh giá một cách đúng mức mới có thể thúc đẩy được những ai còn tồn tại thiếu sót. Như vậy họ mới biết được hạn chế của mình để tiếp tục phấn đấu.

Còn những người có tín nhiệm cao cũng là một vinh dự nhưng đồng thời còn là một trách nhiệm cần phải phấn đấu cao hơn nữa. Khi thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, tôi không dám chắc có sự ưu ái hay không, vì tình cảm của mỗi con người khác nhau và sự nhận định của mỗi con người cũng khác nhau.

ĐB Ngô Văn Minh – Đoàn Quảng Nam: Phải tin tưởng bản lĩnh, trách nhiệm của từng đại biểu

Lấy phiếu tín nhiệm là việc làm đầu tiên chúng ta thực hiện đối với những người có chức vụ trong bộ máy nhà nước do QH bầu, hoặc phê chuẩn. Đây là một bước tiến mới trong quá trình thực hiện dân chủ, nhưng vì là lần đầu nên cá nhân tôi cho rằng những gì “khởi đầu nan” cũng sẽ gặp khó khăn. Có thể có những cách làm chưa được thuận lợi. Nhưng chúng ta vẫn phải tin tưởng với bản lĩnh, trách nhiệm của từng đại biểu thì chúng ta sẽ làm tốt việc này.

Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Tôi đã nghiên cứu rất kỹ bản báo cáo các đại biểu gửi trong nhiều ngày nay. Tôi tin các đại biểu khác cũng sẽ có trách nhiệm như vậy. Nhưng để đánh giá một đại biểu được QH bầu phải dựa vào rất nhiều yếu tố, mà bản báo cáo chỉ là một nguồn thôi. ĐB còn phải dựa vào báo cáo tình hình KTXH, thảo luận tại hội trường về công tác giám sát, vấn đề chất vấn...

Đã lấy phiếu tín nhiệm dù là cao hay thấp thì cũng phải phản ánh đúng thực trạng. Hiện giờ chưa thể nói được việc lấy phiếu tín nhiệm các đại biểu sẽ cao hay thấp lúc này. 

ĐB Lê Nam – Đoàn Thanh Hóa: ĐBQH có đủ khả năng để nhận biết!

Đây là kỳ thứ họp thứ 5 rồi nên các ĐBQH cũng đã có những quan sát về những người được đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp này thông qua chính những hoạt động của họ trên diễn đàn và trong hoạt động Quốc hội, quá trình thực hiện mà họ đã báo cáo, đã cam kết trước quốc hội.

Họ được Chính phủ giao hay Nhà nước giao nhiệm vụ thì nó được thể hiện trong đời sống KTXH, quốc phòng an ninh của đất nước thế nào? Tôi cho rằng ĐBQH cũng có đủ khả năng để nhận biết.

Ngoài ra thông qua việc tiếp xúc cử tri, ý kiến, thư từ của cử tri... Hay một kênh quan trọng khác là từ các cơ quan truyền thông – rất quan trọng.

Tuy nhiên lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện lần đầu nên cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm lần sau làm tốt hơn. Nhưng dù là lần đầu cũng phải làm sao để đại biểu làm được một cách khách quan, tự chịu trách nhiệm.

Sau này cần phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống hơn. Bây giờ để biết được người được lấy phiếu tín nhiệm đã tuyên thệ bao nhiêu điều, đã hứa hẹn cam kết gì trước QH. Họ hứa bao nhiêu và làm được bao nhiêu điều? Nếu làm rõ được như vậy thì việc đánh giá sẽ thuận lợi hơn

Mai Nguyễn (ghi)