Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13:

Không lập Tòa án Hiến pháp, không đa sở hữu đất đai

22/05/2013 07:04
Ngọc Quang
(GDVN) - Ủy ban Dự thảo sửa đổi hiến pháp cho rằng: Xuất phát từ đặc điểm mô hình tổ chức bộ máy và điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay thì việc thành lập Tòa án Hiến pháp với chức năng tài phán là không phù hợp. Với vấn đề đất đai, ủy ban này đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai.

Đề nghị không quy định đa sở hữu đất đai

Về sở hữu đất đai, qua tổng hợp, có 3 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo, cho rằng quy định đất đai, các tài nguyên thiên thiên, các tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý... thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp; Loại ý kiến thứ hai đề nghị đa dạng hóa sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tập thể, sở hữu cộng đồng và sở hữu tư nhân về đất ở; Loại ý kiến thứ ba đề nghị tách thành hai điều, một điều quy định về sở hữu toàn dân, một điều quy định về sở hữu nhà nước.

Ý kiến này cho rằng, cần có sự phân biệt rạch ròi giữa đất đai là tài nguyên quốc gia - thuộc sở hữu toàn dân với những đất đai mà toàn dân đã giao cho Nhà nước - một chủ thể cụ thể quản lý, sở hữu.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục đề nghị không đa sở hữu đất đai.
Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục đề nghị không đa sở hữu đất đai.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng: Quy định đất đai, các tài nguyên thiên thiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý... thuộc sở hữu toàn dân là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay. Vấn đề sở hữu về đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội.

Để làm rõ hơn nội dung này, dự thảo đã xác định đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai.

Thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch

Làm rõ thẩm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước

"Làm rõ thẩm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước"

Ông Phan Trung Lý: “Không tùy tiện xâm phạm, hạn chế quyền con người”

Ông Phan Trung Lý: “Không tùy tiện xâm phạm, hạn chế quyền con người”

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nêu quan điểm: Thu hồi đất là vấn đề quan trọng, vừa liên quan đến quyền sở hữu toàn dân về đất đai, vừa liên quan đến quyền của người sử dụng đất. Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội quy định cơ chế thu hồi đất vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không đặt vấn đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu.

Tuy nhiên, để bảo đảm việc thu hồi đất không bị lạm dụng, đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc của việc thu hồi, bồi thường, đó là “Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”; nội dung cụ thể về điều kiện và thể thức thu hồi, bồi thường sẽ được xác định trong luật.

Về trường hợp thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, đất đai là nguồn lực quan trọng cần được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm mục đích phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vậy, việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết.

Tuy nhiên, để tránh việc thu hồi đất tràn lan, Dự thảo quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các trường hợp thu hồi đất do luật định. Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”.

Đề nghị không thành lập Tòa án Hiến pháp

Về Hội đồng Hiến pháp (Điều 120) hiện có hai loại ý kiến chính: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp mà duy trì cơ chế bảo hiến hiện hành, bởi vì việc bổ sung thiết chế mới này trong khi chưa rõ vị trí, nguyên tắc hoạt động và cơ chế phối hợp với các cơ quan khác, dễ dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, làm cồng kềnh bộ máy, dẫn tới hoạt động không hiệu quả.

Loại ý kiến thứ hai tán thành sự cần thiết phải thành lập Hội đồng Hiến pháp, nhưng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ quyền hạn đối với thiết chế này cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, hiến pháp hiện hành đã xác định cơ chế bảo vệ hiến pháp thông qua các quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là về Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Cơ chế bảo vệ hiến pháp hiện hành cơ bản phù hợp với tính chất và đặc điểm mô hình tổ chức của bộ máy nhà nước ta, nhưng thực tiễn thời gian qua cho thấy cơ chế này chưa thực sự hiệu quả nên cần phải tiếp tục được hoàn thiện. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, việc xây dựng cơ chế bảo vệ hiến pháp đã được thể hiện trong các nghị quyết của đại hội X, XI và tranh luận tại hội nghị trung ương 5 khóa XI cũng chỉ rõ “nghiên cứu các mô hình các cơ quan bảo vệ hiến pháp phù hợp với thể chế chính trị và điều kiện cụ thể của nước ta”.

Do đó, cùng với việc tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế bảo vệ hiến pháp hiện hành, dự thảo đề xuất phương án thành lập Hội đồng Hiến pháp, quy định về Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo không mâu thuẫn với quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đồng thời thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp – hành pháp – tư pháp.

Ủy ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội hai phương án:

Phương án một, tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Các UB Quốc hội và các cơ quan khác của nhà nước trong việc bảo vệ hiến pháp.

Phương án hai, thành lập Hội đồng Hiến pháp như trong dự thảo.

Có ý kiến đề nghị cần thành lập cơ quan bảo hiến độc lập như Tòa án Hiến pháp để có chức năng phán quyết các hành vi vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp – hành pháp – tư pháp. Về vấn đề này, UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, xuất phát từ đặc điểm mô hình tổ chức bộ máy và điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay thì việc thành lập Tòa án Hiến pháp với chức năng tài phán là không phù hợp.

Ngọc Quang