Nguyên Phó Thủ tướng chỉ ra 'cái tội' của điểm sàn

25/05/2013 13:00
Xuân Trung
(GDVN) - GS Trần Phương – Nguyên Phó Thủ tướng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định như vậy về những mặt hạn chế của điểm sàn trong hình thức thi ba chung tại các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm gần đây.
GS Trần Phương thẳng thắn nói rằng, nếu không có nguồn tuyển, không có sinh viên thì các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) sẽ chết. Đứng trước thực trạng đó, ông nhận định khâu tuyển sinh là khâu khó nhất đối với các trường ĐH, CĐ NCL hiện nay.
Ngược với chủ trương

Sự bất bình đẳng được GS Trần Phương minh chứng, đó là chính sách của sự nghiệp giáo dục đang lệch hướng, không đúng với chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà nước. Trước đó, với chủ trương đưa ra tiêu chí để phấn đấu tỉ lệ sinh viên NCL phải chiếm 40% tổng số sinh viên, theo GS Phương con số đó vẫn ít và đây chỉ là bước đầu vì thực tế trong 10 năm qua chúng ta chỉ tiến được có 15%.

“Đó là cái sai của Bộ GD&ĐT, phải phấn đấu nâng các trường ĐH, CĐ NCL lên 40%, rồi tiến tới 80%. Nước Nhật giàu hơn chúng ta nhiều lần đã có 75-80% sinh viên là NCL, nước Mỹ cũng vậy, làm như vậy mới phát triển được”, GS Trần Phương chỉ rõ.

GS Trần Phương nêu quan điểm rằng, chính điểm sàn hàng năm sẽ đẩy hàng nghìn học sinh đi ra nước ngoài học do không có cơ hội học trong nước. Điều đó tiêu tốn rất nhiều tiền, đất nước sẽ chảy máu ngoại tệ, đó chính là tội của điểm sàn. Ảnh Xuân Trung
GS Trần Phương nêu quan điểm rằng, chính điểm sàn hàng năm sẽ đẩy hàng nghìn học sinh đi ra nước ngoài học do không có cơ hội học trong nước. Điều đó tiêu tốn rất nhiều tiền, đất nước sẽ chảy máu ngoại tệ, đó chính là tội của điểm sàn. Ảnh Xuân Trung

Theo ông, một trong số những bất bình đẳng nữa là khoản đóng góp giữa sinh viên công lập và NCL có sự chênh lệch rất lớn. Nhà nước đang trợ cấp cho sinh viên ĐH công lập quá nhiều, con số có thể gần 5 triệu đồng/năm, trong khi sinh viên các trường NCL lại gánh trên 10 triệu đồng/năm. Đáng lẽ, tất cả học sinh, sinh viên Trung học chuyên nghiệp, CĐ, ĐH đều phải đóng một mức học phí như nhau, có như vậy  mới phát triển được giáo dục đại học, mới có thể tăng thêm tỉ lệ sinh viên đại học.

GS Trần Phương tiếp tục dẫn chứng để chỉ ra sự bất cập trong giáo dục hiện nay. Ông cho biết, hiện Việt Nam theo số liệu chưa chính thức cũng chỉ có 280 sinh viên/1 vạn dân, trong khi đó Thái Lan là 500, Hàn Quốc là 700. Vậy thử hỏi bao giờ chúng ta mới bằng các nước? 
“Chúng ta cứ nói CNH- HĐH đất nước mà tỉ lệ sinh viên thấp như vậy thì làm sao tiến lên được. Do đó, phải mở mạnh hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL, hiện chúng ta có đủ sức để làm việc đó vì chúng ta có một đội ngũ trí thức rất lớn mà nhiều nước không có”, GS Trần Phương khẳng định. 
Cái “tội” của điểm sàn

Tiếp tục vạch ra những khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ NCL hiện nay, GS Trần Phương cho biết nguyên nhân đó là hình thức thi ba chung và điểm sàn.

Theo GS Phương, lý gì mà Bộ GD&ĐT bắt khoảng 1 triệu học sinh mới thi tốt nghiệp THPT rồi một tháng sau lại bắt từng ấy con người thi lại một lần nữa để vào đại học? Có quan điểm nói rằng kỳ thi phổ thông là chưa nghiêm túc nhưng GS Phương lại nhận định điều đó khi thi vào đại học liệu cũng có nghiêm túc. Do đó chỉ có nên một kỳ thi duy nhất làm kết quả cho học sinh đi tiếp.

Và, một trong những nguyên nhân sâu sa dẫn đến hết nguồn tuyển, theo GS Trần Phương là yếu tố điểm sàn. Ông nhận định điểm sàn có nhiều sự bất cập và nguy hiểm nằm ở chỗ: Đây là một tiêu chí không thích hợp cho mọi ngành học, vì thực tế học Kế toán đâu có cần tới Lí và Hóa, trình độ Toán phổ thông cũng có thể làm được. 

Hơn nữa, điểm sàn không phải là một tiêu chí thích hợp cho mọi trường ĐH, CĐ. Bản chất của các trường là có nhiều cấp độ, nên mỗi một trường ĐH cần một đầu vào khác nhau mà điểm sàn không nói hết, điều này rất thiệt cho các dân tộc thiểu số, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Học sinh ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc hàng ngày phải đi bộ hàng km tới trường, trình độ của các em có hạn, trong khi đó Bộ GD&DT vẫn bắt các em phải đạt trình độ như những học sinh ở thành phố. Theo GS Trần Phương điều đó hoàn toàn vô lí, và chính điểm sàn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các vùng  miền. 

Mặt khác, xét trong điều kiện và hoàn cảnh điểm sàn không thích hợp với nước ta. GS Trần Phương nêu quan điểm rằng, chính điểm sàn hàng năm sẽ đẩy hàng nghìn học sinh đi ra nước ngoài học do không có cơ hội học trong nước. Điều đó tiêu tốn rất nhiều tiền, đất nước sẽ chảy máu ngoại tệ, đó chính là tội của điểm sàn. Muốn tốt hơn, hạn chế học sinh ra nước ngoài học theo GS Phương thì phải mở thêm các trường.

Ủng hộ 3 tiêu chí tuyển sinh mùa 2013

Chia sẻ thêm, GS Trần Phương cho biết, hiện đã có một số trường ĐH, CĐ NCL có phương án tuyển sinh riêng và đã trình Bộ. Tuy nhiên, bản thân ông nhận thấy có 3 tiêu chí để đáng được lưu tâm.

Tiêu chí thứ nhất, lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT là nền tảng xét tuyển vào ĐH, cho thi phổ thông 8 môn:  Toán, Lí, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ, vậy ngành học nào cần biết Toán, Lí hay Sử, Địa thì phải chọn ngành đó. 

Tiêu chí thứ hai: Dựa vào học bạ của học sinh trong 3 năm cuối cấp.

Và tiêu chí thứ ba là một số ngành đặc biệt lấy năng khiếu (thi kiến trúc, mỹ thuật,…). 

Xuân Trung