Người tiêu dùng bị doanh nghiệp tố "quá đáng, vòi tiền"

28/05/2013 06:52
Hà Nhi
(GDVN) - Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Trong tổng số 961 trường hợp khiếu nại mà Hội tiếp nhận năm 2012 có nhiều khiếu nại quá đáng của người tiêu dùng nhằm mục đích vòi tiền hoặc hạ uy tín doanh nghiệp.
Bị dị ứng son môi, khách đòi bồi thường 50 triệu đồng
Vừa qua, Công ty TNHH AMI thương mại xuất nhập khẩu có tiếp nhận khiếu nại của bà Dương Thị Khuyên liên quan tới son dưỡng môi do công ty cung cấp qua cửa hàng Linh Giang, 26A Hàng Đường.
Ngay sau khi nhận được khiếu nại, AMI đã liên lạc ngay với bà Khuyên để xem xét giải quyết vấn đề nhưng sự việc vẫn không được giải quyết vì những đòi hỏi không có cơ sở từ phía người tiêu dùng (NTD).
Theo đó, bà Khuyên khiếu nại: Sản phẩm son dưỡng môi tại cửa hàng Linh Giang ngày 20/10/2012 sau hai ngày sử dụng: môi lưỡi, toàn bộ vùng miệng phồng rộp, mụn nước mầu trắng. Bà Khuyên đã khám bệnh 5 lần tại bệnh viện, điều trị và tốn phí thuốc thang, sau hai tháng vùng miệng vẫn chưa trở lại bình thường.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Trong tổng số 961 trường hợp khiếu nại mà Hội tiếp nhận năm 2012 có nhiều khiếu nại quá đáng của người tiêu dùng nhằm mục đích vòi tiền hoặc hạ uy tín doanh nghiệp. (Ảnh: Hà Nhi)
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Trong tổng số 961 trường hợp khiếu nại mà Hội tiếp nhận năm 2012 có nhiều khiếu nại quá đáng của người tiêu dùng nhằm mục đích vòi tiền hoặc hạ uy tín doanh nghiệp. (Ảnh: Hà Nhi)
Tuy nhiên, bà Khuyên không đưa ra được các chứng cứ xác thực nào, khẳng định dị ứng là do son dưỡng môi. Bà đưa ra 5 đơn thuốc cùng kiểu (nhưng không cung cấp), một số hóa đơn mua thuốc cũng cùng kiểu, giá trị mỗi cái một vài triệu đồng nhưng không phải là hóa đơn tài chính (nhưng cũng không cung cấp cho doanh nghiệp).
Bà Khuyên đòi bồi thường 50 triệu đồng ngay lập tức vì các thiệt hại dị ứng.
Trước khiếu nại của bà Khuyên, phía Công ty AMI đã giải thích: Sản phẩm có 4 chất bao gồm: hạt mỡ, dầu dừa, sáp ong và hương socola, các hạt sạn được tạo bởi các chất để tẩy tế bào chết của môi, chống khô, nứt nẻ môi, hoàn toàn an toàn với người dùng.

Muốn thắng đại gia AB Inbev, các DN bia Việt phải biết quên...

Muốn thắng đại gia AB Inbev, các DN bia Việt phải biết "quên"...

Nhà hàng, khách sạn Việt chuộng dùng gừng Trung Quốc

Nhà hàng, khách sạn Việt chuộng dùng gừng Trung Quốc

Nghi án Coca-Cola trốn thuế: Truyền thông phải vạch mặt kẻ gian lận!

Nghi án Coca-Cola trốn thuế: Truyền thông phải "vạch mặt kẻ gian lận"!

Trong buổi làm việc ngày 8/5/2013, đại diện công ty đã thử nghiệm bằng chính sản phẩm son dưỡng môi mà bà Khuyên đã mua  tại cửa hàng Linh Giang. Sau 3 tiếng đồng hồ, không có phản ứng, dấu hiệu dị ứng như bà Khuyên khiếu nại.
Do đó, phía công ty không chấp nhận bồi thường với lý do chưa có cơ sở khẳng định son môi của công ty ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng. 
“Qua sự việc trên, chúng tôi thấy: Người tiêu dùng cần phải trung thực khi khiếu nại, khiếu nại phải đúng và có cơ sở, có như vậy khiếu nại mới là sự đóng góp cho doanh nghiệp, giúp DN phát triển, đem đến cho NTD những sản phẩm tốt hơn, dịch vụ hoàn hảo hơn” – Bà Trần Thị Hiền, Giám đốc công ty AMI chia sẻ.

Người tiêu dùng đang lợi dụng quyền khiếu nại?

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết: Năm 2012, Vinastas cùng các địa phương đã tiếp nhận 961 trường hợp khiếu nại bằng văn bản, có hồ sơ. Tỷ lệ giải quyết thành công 83%.
Riêng đầu năm 2013, tại Hà Nội, Vinastas đã tiếp nhận 73 khiếu nại bằng văn bản, có hồ sơ. Trong đó, khiếu nại tới thương mại điện tử chiếm số lượng lớn nhất 15/73, khiếu nại liên quan tới bất động sản 4/73, khiếu nại liên quan tới mỹ phẩm, dược phẩm 3/73.
Trong đó, đối tượng khiếu nại chủ yếu là doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Lĩnh vực khiếu nại chiếm tỷ trọng lớn là khiếu nại về chất lượng và bảo hành hàng hóa, chất lượng dịch vụ, khiếu nại về thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm, môi trường.
Tuy nhiên, “có rất nhiều khiếu nại của NTD gọi là khiếu nại quá đáng. NTD lợi dụng quyền khiếu nại của mình để đưa ra các yêu cầu thái quá” - ông Vương Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, đây là việc làm không đúng, không trung thực, gây tổn hại trước hết cho chính NTD, sau đó tổn hại tới uy tín của doanh nghiệp. 
“Trong trường hợp giữa NTD và doanh nghiệp không thể giải quyết được với nhau, doanh nghiệp lúc ấy cũng cần sự hỗ trợ của bên thứ 3, có thể gửi phản hồi về Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD. Khi Hội gửi phản hồi và có lời giải thích cho NTD thì NTD đã phải dừng bước trước những đòi hỏi quá đáng của mình” – ông Tuấn nói.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Hà Nhi