Món ngon, bài thuốc từ quả vải

28/05/2013 06:55
Thùy Liễu (th)
(GDVN) - Y học cổ truyền cho rằng, quả vải bổ tỳ ích can, sinh tân chỉ khát, ích tâm dưỡng huyết,...
Vải còn gọi là lệ chi, được trồng nhiều ở nước ta, quả vải thu hoạch vào tháng 5-6, dùng ăn tươi hay sấy khô. Hạt vải (lệ chi hạch) thái mỏng phơi hay sấy khô được dùng làm thuốc. Trong hạt vải có tanin, độ tro, chất béo.

Phần áo hạt vải thường gọi là múi vải, thành phần chủ yếu là đường, ngoài ra có vitamin A, B, C. Vitamin A và vitamin B chỉ có trong múi vải tươi. Múi vải cũng là một vị thuốc trong Đông y, vị ngọt chua, tính bình.

Vải có tác dụng bổ dưỡng đối với các tổ chức đại não, cải thiện các chứng mất ngủ; hay quên;...
Vải có tác dụng bổ dưỡng đối với các tổ chức đại não, cải thiện các chứng mất ngủ; hay quên;...

Tác dụng của quả vải

1. Bổ sung năng lượng, ích trí bổ não

Trong cơm vải chứa 66% đường glucose, 5% đường saccharose, chứa tổng đường trên 70%, đứng hàng đầu của cây ăn trái, có tác dụng bổ sung năng lượng, gia tăng dinh dưỡng. Vải có tác dụng bổ dưỡng đối với các tổ chức đại não, cải thiện các chứng mất ngủ; hay quên; tinh thần ủ rũ… thấy rõ.

2. Tăng cường chức năng miễn dịch 

Cơm vải chứa nhiều vitamin C và protid, giúp ích tăng cường chức năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng. Từ xưa đến nay được xem là món ăn tẩm bổ.

3. Giải độc tiêu thũng, chỉ huyết chỉ thống

Vải được nhiều người biết đến tác dụng bồi bổ ra, còn có thể dùng cho các bệnh ngoại khoa như khối u, lao hạch, đinh nhọt, chấn thương chảy máu…

4. Chỉ ách nghịch, chỉ phúc tả (giảm trào ngược, cầm tiêu chảy)

Vải có tính ấm bồi bổ hệ tiêu hóa, còn có thể giảm trào ngược, là món ăn thực dưỡng tốt cho người bệnh bị nôn oẹ mang tính trào ngược ngoan cố và tiêu chảy giấc sáng.

5. Ngăn ngừa quá trình phát triển của các tế bào ung thư

Theo hai nghiên cứu của các chuyên gia ở Đại học Zhejiang Gon Shang và Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) cho thấy: Trong quả vải thiều chứa chất flavonoid có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Ngoài flavonoid, trong quả vải còn chứa các loại vitamin C, đây là nguồn dưỡng chất mà cơ thể không thể sản xuất được, có tác dụng giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh ung thư, tim mạch. Ngoài ra nó còn tốt cho xương, da và các mô cơ thể giúp ngăn ngừa các chứng bệnh như cảm lạnh, sốt, viêm họng, giảm đau.

6. Giúp máu tuần hoàn

Cùi quả vải có chứa nhiều hợp chất hữu ích giúp máu tuần hoàn. Trong phương pháp chữa bệnh cổ truyền của người Trung Quốc có đề cập, nếu ăn vải thường xuyên sẽ giúp máu tuần hoàn tốt, lợi tỳ, tốt cho người bệnh mới ốm dậy, suy nhược. Cùi vải khô là thuốc bổ nguyên khí có lợi cho sức khỏe phụ nữ và nhóm người cao niên. Theo nghiên cứu thì vải có tác dụng hạn chế tắc nghẽn mạch máu, phá hủy tế bào và giảm nguy cơ đột quỵ hơn 50%.

Trong quả vải thiều chứa chất flavonoid có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ.
Trong quả vải thiều chứa chất flavonoid có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ.

Các đơn thuốc trị bệnh từ quả vải

1. Chữa nấc

Vải cả quả đốt thành than, tán bột, hòa với nước nóng uống.

2. Chữa đau răng

Vải cả quả thêm ít muối, đốt thành than, nghiền nhỏ, xát vào chỗ răng đau.

3.  Chữa tinh hoàn sưng đau

Hạt vải đốt thành than, nghiền nhỏ, hòa với rượu cho uống ngày 4-6g. Hoặc: Hạt vải, trần bì, hồi hương 3 vị bằng nhau, tán nhỏ, ngày uống 4-6g.

4. Chữa đau bụng

Vải là loại quả chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng rất tốt cho hệ thống tiêu hóa, hạn chế nguy cơ mắc bệnh táo bón, tiêu chảy. Ngoài ra có thể dùng hạt vải đốt (không cháy thành than) sau đó nghiền pha vào rượu uống (6gam/ngày) hoặc dùng vỏ quả vải, ô mai, ổi, mỗi loại 10 gam sắc uống sẽ có tác dụng chữa tiêu chảy.

5. Giảm đau

Để giảm đau người ta dùng hạt quả vải to, bổ đôi, đồ qua nước sôi rồi phơi khô, có tác dụng giảm đau, sưng tinh hoàn, hệ thống thần kinh, dạ dầy, thoát vị bẹn, giảm sưng các tuyến trong cơ thể, lều dùng mỗi ngày 3-6 gam dưới dạng thuốc sắc. Trường hợp tinh hoàn đau có thể dùng hạt vải, vỏ quýt xanh, quả hồi, 3 thứ bằng nhau, sao vàng tán nhỏ, rây bột uống mỗi ngày 8 gam với rượu.

Các món ăn bài thuốc từ vải

1. Chè vải - táo đen

Vải tươi 100g, táo đen 10 quả, đường trắng một ít. Vải bỏ hạt, cắt nhỏ, táo đen rửa sạch, trước tiên cho táo vào nồi, sau khi dùng nước nấu ra, cho vào vải; đường trắng, chờ đường tan, múc vào chén. Món chè công hiệu dưỡng huyết (bổ máu), giữ nhan sắc, kiện tỳ dưỡng tâm (bồi bổ tiêu hóa và nuôi dưỡng tim), an thần ích trí (ngủ ngon, trí nhớ tốt). Thích hợp dùng cho người bệnh suy nhược cơ thể, sắc mặt vàng bủng, mất ngủ hay quên. Cũng có thể thường dùng cho phụ nữ sản hậu thiếu máu, người bị thiếu máu.

Cùi quả vải có chứa nhiều hợp chất hữu ích giúp máu tuần hoàn.
Cùi quả vải có chứa nhiều hợp chất hữu ích giúp máu tuần hoàn. 

2. Cháo vải - hạt sen

Vải khô 7 quả, hạt sen (bỏ tim) 5 quả, gạo 60g. Trước tiên vải khô lột bỏ vỏ ngoài, hạt sen rửa sạch, cùng gạo vào nồi nấu thành cháo. Món cháo công hiệu bồi bổ tiêu hóa cầm tiêu chảy. Đối với người bị tiêu chảy do suy chức năng tiêu hóa lâu ngày; người cao tuổi thận suy tiêu chảy giấc sáng, thường dùng có hiệu quả.

3. Canh vải - phổ tai

Vải khô 7 quả, phổ tai (hải đới) 30g, rượu gạo một ít. Vải khô lột bỏ vỏ ngoài, phổ tai sau khi ngâm nở rửa sạch, cắt lát; cho nước vào nồi, thêm vào vải khô; phổ tai lát, sau khi nấu sôi chuyển qua lửa nhỏ hầm phổ tai đến mềm, thêm vào một ít rượu gạo, nấu sôi thì dùng. Món canh công hiệu nhuyễn kiên tán kết (làm mềm, hóa giải sự kết tụ).

4. Sirop vải

Vải 1 kg, mật ong lượng vừa. Cơm vải tươi ép ra dạng tương, cho vào nồi, thêm vào mật ong trộn đều, sau khi nấu chín cho vào trong lọ, đậy kín để hơn 1 tháng, để dạng tương kết thành cao thơm, cho vào tủ lạnh để bảo quản. Món sirop này công hiệu ích khí dưỡng âm (bồi bổ âm dương), thông thần kiện não (sảng khoái). Thích hợp dùng trong các chứng bệnh như thiếu máu, hồi hộp, mất ngủ, miệng khát, khí suyễn (khó thở), ho, chán ăn, tiêu hóa kém, suy nhược thần kinh, táo bón. Người bình thường dùng còn trợ giúp thông minh, làn da sáng đẹp, sống lâu. Vải mang tính ấm nhiều, không nên ăn nhiều trong một lúc.

Lưu ý:

- Có người sau khi ăn quả vải bị nôn nao, nổi mề đay, đau bụng, nôn mửa... Các triệu chứng đó không phải do vải mà do một loại nấm sống ở những núm quả vải bị dập nát, úng thối gây ra.

- Vải là loại quả ngọt, dễ ăn, có tác dụng chữa bệnh tốt. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều trong một lúc, có thể gây nóng, rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, gây hiện tượng dị ứng. Các triệu chứng thường thấy là buồn nôn, mồ hôi ra nhiều, khát, khô miệng, mệt mỏi và ở thể nặng có thể gây nhức đầu, mê man, nhất là trẻ nhỏ và nhóm người mắc bệnh tiểu đường.

Thùy Liễu (th)