Hà Nội đã có kế hoạch mua máy bay trực thăng cứu hỏa

28/05/2013 14:42
Mai Nguyễn
(GDVN) - Cháy lớn xảy ra trong ngõ ngách ô tô không thể vào được. Cháy ở các khu phố cổ, đặc biệt ở các tòa nhà cao tầng thang máy không vươn tới… Khắc phục điều này Hà Nội đã có kế hoạch mua máy bay phục vụ cho công tác PCCC.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC vào sáng 28/5, đa số các ĐBQH đều có cùng quan điểm các vụ cháy thường để lại những hậu quả khôn lường, và không khỏi lo lắng vì trang thiết bị phục vụ công tác PCCC hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu.

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan tổ chức, hộ gia đình, vì luật PCCC chưa quy định cụ thể rõ ràng nên khó thực hiện trong thực tế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Trong luật cũng chưa nêu chế tài. Mặc dù có đề cập đến việc bồi thường, nhưng nếu họ không thực hiện được thì sẽ như thế nào, vì nhiều trường hợp có khi bán cả nhà đi cũng không đền bù nổi.

Trong khi các phương tiện PCCC vừa thiếu, lại vừa yếu, ông Vinh và nhiều ĐBQH khác cũng đưa ra các tình huống “oái oăm” nhưng thường gặp, đó là tình huống cháy ở trong ngõ hẹp chỉ có xe máy đi được, khu vực đó lại không có đường nước, hay các tình huống cháy ở khu phố cổ, các tòa nhà cao tầng, đặc biệt cháy từ tầng 30 trở lên…thì sẽ ra sao? Cứu được một nhà thì khiến mấy nhà xung quanh nát, vậy việc đền bù thế nào?...

“Có đến 50% nguyên nhân gây ra các vụ cháy xuất phát từ ý thức chủ quan của con người. Khi đánh giá TNGT thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu là chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Nhưng cũng chỉ nên xem trách nhiệm đến đâu thôi. Vì có thể họ làm tốt nhưng dân vẫn cứ uống bia, rượu rồi lái xe, tai nạn vẫn xảy ra, vậy phải quy trách nhiệm thế nào đây?” – ĐBQH Nguyễn Phạm Yến Nhi (đoàn Hà Nội) phản ánh.

Trong khi công tác PCCC còn nhiều lúng túng, chưa chuyên nghiệp, phương tiện còn thiếu, đặc biệt thang chữa cháy chỉ vươn được đến tầng 17… theo bà Nhi cần tuyên truyền công tác PCCC đến mọi người dân, bởi đôi khi chỉ một anh thợ hàn làm rơi một cái tàn thôi cũng có thể gây ra một vụ cháy rất lớn.

Một loại máy bay trực thăng chữa cháy của nước ngoài (ảnh minh họa)
Một loại máy bay trực thăng chữa cháy của nước ngoài (ảnh minh họa)

Thiếu phương tiện là một trong những bất cập rất lớn được đa số các ĐB quan tâm và đưa kiến nghị. ĐB Trần Hữu Tuất (đoàn Nghệ An) cho rằng ngân sách hàng năm cần mua sắm các phương tiện cần thiết và tập huấn cho công tác PCCC, nếu không trong điều kiện hiện nay việc huy động rất khó.

Đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi luật PCCC, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng các vụ cháy đã và đang gây ra những tổn hại hết sức to lớn về người và của, không lường trước được. Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân, bà An cũng đề nghị phải đầu tư ngân sách cho công tác PCCC.

Giải đáp những băn khoăn lo lắng của các ĐB Hà Nội về công tác PCCC của thủ đô, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết ở Hà Nội đã có một vài xe đặc chủng có thể vươn cao lên tầng 39 của tòa nhà.

Theo Bí thư Hà Nội, xét về mặt thiết kế các tòa cao tầng đã phải có thiết bị PCCC rất nghiêm ngặt theo yêu cầu. Để khi cháy lớn xảy ra các tòa nhà đã có thể tự xử lý ứng cứu được bằng nước, bọt, khí, thang thoát hiểm trước khi phương tiện cứu hỏa đến...

Bên cạnh đó Hà Nội cũng đã nghĩ đến phương án mua phương tiện máy bay để phục vụ PCCC:

“Thành phố Hà Nội đã có đề nghị mua trực thăng. Trong trường hợp tự chữa không được thì áp dụng phương tiện hỗ trợ. Đến ngày hôm nay tôi chưa thấy có trực thăng mang về nhưng đã có kế hoạch mua sắm. Tôi nói vậy để chúng ta đừng quá lo lắng đến mức cháy ở tầng cao thì vô phương cứu chữa” – Bí thư Phạm Quang Nghị cho biết.

Mai Nguyễn