Nhật Bản lên kế hoạch tăng cường quân bị, khả năng đánh phủ đầu

29/05/2013 08:04
Việt Dũng
(GDVN) - "Nhật Bản sẽ tăng cường phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển-trên đất liền và năng lực tấn công đổ bộ, đánh đòn phủ đầu".
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Ngày 26 tháng 5, mạng “Tin tức Quốc phòng” Mỹ cho biết, theo đề án chính sách của đảng cầm quyền Nhật Bản, sau khi khả năng tự phòng vệ bị hạn chế gần 70 năm, Nhật Bản có xu hướng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển và trên đất liền, đồng thời tăng cường năng lực tấn công đổ bộ và đánh đòn phủ đầu.

Narushige Michishita, người phụ trách chương trình nghiên cứu quốc tế và an ninh, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho biết, những đề án này là do một số ủy ban nội bộ do các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và Gen Nakatani lãnh đạo đưa ra (thuộc Đảng Tự do Dân chủ/LDP), cho nên rất quan trọng.

Bài báo chỉ ra, trong đề án chính sách của Đảng Tự do Dân chủ không đề cập tới tên hệ thống vũ khí hoặc kiến nghị ngân sách, hơn nữa cách nói mơ hồ hơn so với đề án tương tự được Đảng Tự do Dân chủ khởi thảo năm 2009.

Trong đề án năm 2009, Đảng Tự do Dân chủ công khai thảo luận cho rằng, Nhật Bản cần coi các vũ khí như máy bay tiếp dầu Boeing KC-46 là cơ sở để tăng cường năng lực tấn công đổ bộ của mình. Đề án còn kiến nghị đưa hệ thống phòng thủ tầm cao gia đoạn cuối (THAAD) gia nhập vào hệ thống Aegis trên tàu chiến và hệ thống tên lửa Patriot trên mặt đất.

Máy bay tiếp dầu thế hệ mới KC-46 do Mỹ chế tạo, đang tiếp dầu cho máy bay ném bom B-1B.
Máy bay tiếp dầu thế hệ mới KC-46 do Mỹ chế tạo, đang tiếp dầu cho máy bay ném bom B-1B.

"Đảng Tự do Dân chủ khi đó không cầm quyền", cho nên mới có thể càng trực tiếp hơn - Gen Nakatani nói.

Tháng 12 năm 2012, trong cuộc bầu cử Hạ viện, Đảng Tự do Dân chủ đánh bại Đảng Dân chủ (DPJ), giành được thắng lợi mang tính áp đảo. Năm 2013, đề án do Đảng Tự do Dân chủ khởi thảo đã dùng từ cẩn thận hơn, bởi vì mỗi chữ đều rất có giá trị.

Theo các nguồn tin biết rõ nội dung thảo luận của Đảng Tự do Dân chủ và các nhà phân tích, mặc dù đề án này thận trọng tránh đề cập tới đối đối tượng lo ngại chính của Nhật Bản - Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, nhưng vẫn thể hiện Nhật Bản có thể sẽ tăng cường thế phòng thủ ở mức độ nhất định.

Brad Glosserman, chủ nhiệm điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) cho rằng, ông cảm thấy cách nói Nhật Bản thúc đẩy tăng cường năng lực tấn công đánh đòn phủ đầu gần đây gây lo ngại.

Ông nói: "CSIS đã thảo luận 6 năm về phương thức tấn công đánh đòn phủ đầu, đồng thời những tháng gần đây, chúng tôi cũng đã thấy những lời kêu gọi khôi phục và tăng cường năng lực này lại xuất hiện. Tôi lo ngại việc phát triển loại khả năng này vì nó có thể gây hậu quả mang tính phá hoại".

Còn Paul Aguilar, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tư vấn chuyển đổi và chiến lược toàn cầu trụ sở tại Mỹ cho rằng, nội dung đề àn chính sách này đã phản ánh, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản có thể sẽ biên chế vũ khí trang bị tiên tiến cho 1-2 trung đoàn bộ binh. Trong 5 năm tới, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản sẽ có tới 48 tàu đổ bộ.

Máy bay chiến đấu F-2 mang theo tên lửa chống hạm ASM-2 của Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu F-2 mang theo tên lửa chống hạm ASM-2 của Nhật Bản.

Giáo sư Christoph Hughes, chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản và chính trị quốc tế, Đại học Warwick Anh cho rằng: "Tôi cho rằng, với đề án này, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hy vọng sở hữu một số vũ khí tác chiến đổ bộ sau cải tiến, chẳng hạn một số tàu đổ bộ hoặc máy bay cánh xoay nghiêng. Đây có thể là một bước nhảy quan trọng, nhưng Đảng Tự do Dân chủ xem ra không hề hy vọng Lực lượng Phòng vệ hoàn toàn phát triển thành một lực lượng thủy quân đánh bộ".

Hughes cho biết, đề án này đang đối mặt với rất nhiều trở ngại, trong đó có sự phản đối của đa số nghị sĩ trong nội bộ Đảng Tự do Dân chủ và tiểu ban chuyên môn của Đảng Dân chủ. Điểm cuối cùng, nhưng cũng rất quan trọng là, Bộ Tài chính Nhật Bản bất kể thế nào đều không sẵn sàng tăng cường ngân sách quốc phòng.

"Nhưng nếu Đảng Tự do Dân chủ có thể nỗ lực thực hiện tất cả những điều này, họ thật sự sẽ trở nên rất cấp tiến" - Hughes nói.

Trung Quốc luôn tuyên truyền và cố tỏ ra lo ngại về xu hướng cứng rắn hơn trong nội bộ Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông, coi việc Nhật Bản thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, trở thành quốc gia bình thường, xây dựng quân đội chính quy, nới lỏng xuất khẩu vũ khí là những hành động “quân phiệt hóa”.

Trung Quốc tỏ ra đặc biệt lo ngại Nhật Bản sử dụng các tiềm lực công nghệ của họ cho phát triển vũ khí trang bị, tăng cường thực lực quân đội, thậm chí phát triển vũ khí hạt nhân, tăng thêm thách thức cho các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hướng biển đảo (đảo Senkaku/đảo Điếu Ngư).

Tàu tấn công đổ bộ lớp Ohsumi Nhật Bản.
Tàu tấn công đổ bộ lớp Ohsumi Nhật Bản.
Việt Dũng