Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13:

Ông Ksor Phước nói về bảy khó khăn với “vùng đặc biệt khó khăn"

29/05/2013 10:45
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã báo cáo với Quốc hội kết quả giám sát: “Tình hình đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số” theo Luật Đầu tư, trong đó chỉ rõ nhiều tồn tại về mặt pháp lý.

Luật đang chồng chéo

Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư rộng, bao quát toàn bộ hoạt động đầu tư, nên một số quy định còn chồng chéo với các luật khác, như: Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường... nhất là các vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục và thực hiện đầu tư. Ngay trong Luật Đầu tư, từ Điều 27 đến Điều 29 của mục I, chương V, các địa phương hiểu không giống nhau và cũng không có cơ quan nào đứng ra hướng dẫn thi hành, nên có nơi hiểu là: Ngoài các lĩnh vực cấm đầu tư (Điều 30), thì ở địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và khó khăn được khuyến khích ưu đãi đầu tư cho mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác.

Về danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, được áp dụng theo Nghị định số 108, đến khi thực hiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP với quy định riêng về danh mục ưu đãi đầu tư, dẫn đến sự chồng chéo, không thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc xác định thế nào là địa bàn ĐBKK, địa bàn khó khăn quá rộng, thậm chí chưa có tiêu chí thế nào là tỉnh ĐBKK, tỉnh khó khăn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước.

Thứ hai, khi Luật Đầu tư có hiệu lực, Việt Nam gia nhập WTO và bắt đầu thực hiện lộ trình cam kết về mở cửa thị trường dẫn đến có nhiều bất cập trong thực tế, như: Chưa có quy định về việc áp dụng cam kết đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư đã được thành lập tại Việt Nam; nhà đầu tư đăng ký dự án đầu tư có nhiều mục tiêu khác nhau; quan niệm thống nhất áp dụng đối với nhà đầu tư không thuộc quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của WTO...

Thứ ba, về cơ chế, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư: Hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành chính sách này thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai. Chính sách hỗ trợ quy định tại khoản 1, Điều 20, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, ngày 13/8/2009 thì người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp từ 30% diện tích trở lên thì được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất.

Tuy nhiên trong thực tế, cùng một chủ sử dựng đất có nhiều lần diện tích đất bị thu hồi để giải phóng mặt bằng phục vụ cho nhiều dự án khác nhau, nhưng diện tích bị thu hồi đối với từng dự án khác nhau lại chưa đến 30% diện tích đang sử dụng, nhưng tổng diện tích đất bị thu hồi của các dự án đối với một chủ sử dụng đất lại lớn hơn 30% đất nông nghiệp đang sử dụng, nhưng vẫn không được áp dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 20, nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ, gây khó khăn và thiệt thòi cho người dân.

Thứ tư, chính sách, mức ưu đãi trong Luật Đầu tư chưa hấp dẫn, chưa có sự phân biệt rõ ràng đặc thù trên địa bàn đầu tư (vùng khó khăn và ĐBKK, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư) do đó chưa đủ sức thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn ĐBKK. Chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK và địa bàn khó khăn đều được hưởng mức thuế suất 10% là bất cập, không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư ở vùng ĐBKK.

Ví dụ: Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thuận lợi sản xuất nông sản hoặc Tây Nguyên là vùng sản xuất cây công nghiệp cùng hưởng mức ưu đãi như các tỉnh miền núi phía Bắc; hoặc trên địa bàn một tỉnh cũng hưởng mức thuế suất 10% như nhau, chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK.

Thủ tục hành chính rườm rà, chế tài chưa đủ mạnh

Thứ năm, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, chính sách ưu đãi đầu tư còn chậm, thiếu đồng bộ, nhiều nội dung thường xuyên thay đổi, bổ sung (đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai) dẫn đến việc khó áp dụng, lúng túng trong thực hiện. Một số nội dung chưa được hướng dẫn hoặc hướng dẫn còn chung chung, không rõ trách nhiệm, nhất là quy định về trách nhiệm của nhà đầu tư đối với địa phương trước, trong quá trình đầu tư, khai thác, sản xuất kinh doanh…

Thứ sáu, Luật Đầu tư chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án (chưa quy định ký quỹ để triển khai thực hiện dự án), chưa quy định chặt chẽ về sử dụng lao động tại chỗ (lao động tại chỗ vẫn thực hiện theo công việc, thời vụ). Theo quy định của Luật Đầu tư 2005, chỉ những dự án có vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng và những dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện mới phải thẩm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư. Các dự án đầu tư vào địa bàn ĐBKK chủ yếu dưới 300 tỷ đồng, nên không phải thẩm tra năng lực tài chính, điều này một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư nhưng cũng nảy sinh tình trạng dự án treo do không đủ năng lực tài chính, chuyển nhượng dự án ngầm, găm giữ, bao chiếm đất.

Thứ bảy, việc xử lý đối với các nhà đầu tư vi phạm quy định trong cấp giấy chứng nhận đầu tư và vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 64 của Luật Đầu tư và quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 68 của Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ chưa kiên quyết và kịp thời, chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư theo Nghị định số 53/2007/NĐ-CP, ngày 04/4/2007 của Chính phủ.

Ngoài ra, ông Ksor Phước cũng nêu thêm một loạt các hạn chế tồn tại khác như: Chính phủ, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương chưa thật sự quan tâm, thiếu đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, nắm bắt tình hình thực hiện Luật Đầu tư đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK. Cụ thể, không gửi báo cáo về HĐDT đúng yêu cầu và tiến độ, số liệu không đầy đủ, thiếu thông tin, đặc biệt còn 14 tỉnh không có báo cáo. Một số tỉnh báo cáo có chất lượng, như: Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Lai Châu, Yên Bái… ngược lại các tỉnh, như: Tuyên Quang, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Đăk Nông, Bình Phước, Cà Mau, Kiên Giang… báo cáo không có thông tin, số liệu để tổng hợp, đánh giá (mặc dù HĐDT đã có đề cương, biểu mẫu báo cáo gửi đến các tỉnh).

Ngọc Quang