Chuyện bây giờ mới kể về một doanh nghiệp tán gia bại sản vì dự án “ma” Rusalka:

Nhà thầu khóc ròng vì quyết định phi lý

29/05/2013 13:56
Nhóm PV điều tra
(GDVN) - Dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp Rusalka được tỉnh Khánh Hòa phê duyệt vào năm 2000, nằm ở vị trí đắc địa với số vốn đầu tư khổng lồ, nhưng mới thi công được hai năm thì bị rút giấy phép. Nay dự án sắp “hồi sinh” sau gần chục năm nằm im phơi nắng phơi sương. Ít ai biết trong dự án nói trên, một doanh nghiệp từng tin lời đối tượng lừa đảo, đầu tư vào đây hàng trăm tỉ đồng, hàng chục năm ứ đọng vốn, nay lại có nguy cơ mất trắng số tiền nêu trên.
Siêu dự án “nàng tiên cá”

Mười ba năm trước đây, giữa tháng 11/2000, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) cấp giấy phép số 2178/GP cho 3 công ty có trụ sở đặt tại Liên bang Nga đều do ông Nguyễn Đức Chi (quốc tịch Việt Nam) làm đại diện là Công ty cổ phần Dạng Đóng Elaitrox, Công ty TNHH Luzhniky - DHL, Công ty TNHH DHL - Cargo. Ông Chi thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch "Rus – Invest - Tur" (viết tắt là R.I.T) tại Nha Trang theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, mục đích để đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Rusalka (theo tiếng Nga, nghĩa là “nàng tiên cá”). R.I.T có vốn đầu tư đăng ký là 15 triệu USD, vốn pháp định 4,5 triệu USD, được cấp phép hoạt động trong 40 năm.

Tài sản hàng trăm tỉ BMC đầu tư vào dự án Rusalka, nay lại bị Nguyễn Đức Chi… kế thừa
Tài sản hàng trăm tỉ BMC đầu tư vào dự án Rusalka, nay lại bị Nguyễn Đức Chi… kế thừa


Với tham vọng đưa khu nghỉ dưỡng thành “điểm du lịch tầm cỡ quốc tế”, Rusalka được triển khai trên diện tích gần 45ha đất thuộc phường Vĩnh Hải, gồm khu nhà nghỉ khách sạn, khu sân golf 9 lỗ, khu tập luyện cùng các dịch vụ kèm theo, khu vui chơi giải trí, thể thao, sân tennis, vũ trường, karaoke, lặn biển, thuyền… hứa hẹn “cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế”.

Có trong tay giấy phép đầu tư của Bộ KH & ĐT, giấy chứng nhận của tỉnh, R.I.T do ông Chi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã ký hợp đồng với hơn 30 nhà thầu xây dựng các hạng mục công trình trong khu nghỉ dưỡng, trong đó Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp Thương mại (BMC) là tổng thầu xây dựng "Khu nhà nghỉ Rusalka - Nha Trang" với tổng giá trị hợp đồng là 15 triệu USD. BMC và nhiều nhà thầu phụ cùng khẩn trương thi công, huy động hàng vạn lượt công nhân với đủ thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ đại công trình. Nhưng sự cố đã xảy ra trước khi người dân thành phố biển kịp thấy được diện mạo của “nàng tiên cá” Rusalka.

Chiêu lừa đảo khiến “tiên cá” mắc cạn

Ngày 25/6/2005, Nguyễn Đức Chi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bắt giam để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát và bản án số 16/2009/HSST ngày 2/3/2009 của TAND tỉnh Khánh Hòa, đối tượng Chi đã làm giả tài liệu của tổ chức nhằm lừa dối cơ quan Nhà nước để thành lập công ty R.I.T nhằm xin đầu tư dự án Rusalka Khánh Hòa, tự bổ nhiệm mình làm chủ tịch HĐQT, chuyển nhượng vốn khống của R.I.T để trả nợ cá nhân.

Theo nội dung văn bản của Interpol Việt Nam số 3255/C55-P2 ngày 8/11/2011, văn bản số 3803/C55-P2 ngày 28/12/2011 của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) thì hai trong số 3 thành viên trong giấy phép đầu tư là không tồn tại. Thành viên còn lại là Công ty Luzhniki DHL thành lập ngày 30/10/2003, tức là 3 năm sau ngày thành lập R.I.T, và sau này cũng giải thể ngày 27/10/2007. Như vậy Nguyễn Đức Chi đã thành lập R.I.T từ 3 công ty "ma", đã hai lần tự lập và ký giả chữ ký của các ông bà đại diện cho các công ty tại Nga để tự phong cho mình chức vụ chủ tịch HĐQT.

Trong quá trình xây dựng dự án, dù công ty Cargo và Luzhiky không góp vốn đầu tư, nhưng cuối tháng 1/2004, Chi tự “chế” Biên bản họp HĐQT công ty R.I.T lần thứ hai, tài liệu này làm ngay tại Việt Nam nhưng tiêu đề lại ghi tại Matxcơva (Nga). Nội dung biên bản được Chi đóng dấu 3 công ty Nga, giả chữ ký của các đại diện, xác định Cargo và Luzhniky mỗi công ty góp 550 ngàn USD vốn pháp định. Tại biên bản họp HĐQT lần thứ 3 và thứ tư, cũng xác định mỗi công ty trên góp vốn 900 ngàn USD. Sau này tại cơ quan điều tra, Nguyễn Đức Chi thừa nhận: "Thực tế hai công ty Nga là Cargo và Luzhniky chỉ đứng tên mà không có vốn".

Cuối tháng 10/2006, Bộ KH & ĐT ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án, thu hồi giấy phép. Vài ngày sau, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

Bằng những chiêu trò, Nguyễn Đức Chi đã thành lập công ty "ma", tự phong chức chủ tịch HĐQT, tự "bơm vốn ảo" biến R.I.T trở thành nhà đầu tư cho siêu dự án "nàng tiên cá". Tại bản án số 16/2009/HSST ngày 2/3/2009, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên bị cáo Chi phạm tội "làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức", xử phạt 18 tháng tù giam.

Đầu năm 2007 Hội đồng định giá tài sản dự án được thành lập, cho thấy phần I có 34 nhà thầu, giá trị thực tế xây dựng là 100,5 tỷ đồng; phần II chi phí văn phòng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tài sản cố định là 16,2 tỷ đồng, trong đó tiền đền bù giải phóng mặt bằng chỉ vỏn vẹn 1,1 tỷ đồng. Với tư cách nhà thầu chính, tính đến thời điểm năm 2005, công ty BMC đã đầu tư vào dự án 74 tỷ đồng (tương đương 5 triệu USD), ngoài ra còn rót hơn 2 tỷ đồng cho R.I.T trả lương và chi phí khác của dự án.

Tài sản hàng trăm tỉ BMC đầu tư vào dự án Rusalka, nay lại bị Nguyễn Đức Chi… kế thừa
Tài sản hàng trăm tỉ BMC đầu tư vào dự án Rusalka, nay lại bị Nguyễn Đức Chi… kế thừa


Như vậy có thể thấy, chủ đầu tư R.I.T của dự án triệu đô này thực tế chỉ mất rất ít tiền túi, chủ yếu là lợi dụng tiền, tài sản, nhân công của nhà thầu BMC. Từ đây dẫn đến một việc nan giải là làm thế nào để giải quyết những vấn đề còn tồn tại liên quan đến tài sản của dự án Rusalka cho các nhà đầu tư?

Nhà thầu khóc ròng vì quyết định phi lý

Sau tám năm tìm cách giải cứu "nàng tiên cá", cuối cùng UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp phép cho một chủ đầu tư mới, có trách nhiệm “hồi sinh” dự án, đồng thời có nghĩa vụ kế thừa công nợ của chủ đầu tư cũ là công ty R.I.T của Chi. Song điều bất ngờ, chủ đầu tư mới lại là “anh em” với chủ cũ.

Đầu năm 2010, ông Chi được trả tự do. Công ty cổ phần Du lịch Trọng điểm Nha Trang (Focus Travel Nha Trang) được lập, do em trai là ông Nguyễn Đức Tấn làm đại diện. Tháng 10/2011, Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã có cuộc họp với các ngành, địa phương liên quan để nghe Sở KH & ĐT báo cáo tình hình thanh lý dự án, đề xuất các bước tiếp theo. Thành phần tham dự chỉ có duy nhất ông Chi là "người ngoài" bên cạnh các lãnh đạo của tỉnh. Kết quả cuộc họp sau đó được thông báo: "Nhà đầu tư mới được lựa chọn là Focus Travel Nha Trang".

Ngày 16/4/2013, tỉnh này cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, khi này đã được đổi tên Champarama Resort & Spa; vẫn với mục tiêu xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu đất liền ven biển Bãi Tiên (phường Vĩnh Hòa). Vốn đầu tư khoảng 1200 tỷ đồng, bao gồm: giá trị đã thực hiện khoảng 600 tỷ đồng, vốn đầu tư để hoàn thiện khu C dự án giai đoạn 1 khoảng 210 tỷ đồng, vốn đầu tư khu A và khu B khoảng 400 tỷ đồng. Nhà đầu tư mới cam kết kế thừa tất cả nghĩa vụ, trách nhiệm về công nợ của nhà đầu tư cũ R.I.T.

Nếu cách đây 13 năm, R.I.T được cấp phép đầu tư Rusalka với 100% vốn nước ngoài, thì nay 100% vốn là nguồn vốn trong nước, bao vốn tự có của doanh nghiệp và vốn huy động khác. Nhìn một cách tổng thể, mặc dù chủ đầu tư đã được sang tên, nguồn vốn đã đổi, nhưng thực chất vẫn là… chủ cũ.

Lý giải cho việc cấp giấy chứng nhận đầu tư kiểu "đánh bùn sang ao", nội dung công văn số 3857 "về việc báo cáo và xin chỉ đạo xử lý tài sản dự án Rusalka" gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 12/7/2012, tỉnh Khánh Hòa cho rằng: Trong giấy phép đầu tư số 2178/GP ngày 16/11/2000 của Bộ KH & ĐT cấp cho công ty R.I.T, người đại diện cho cả 3 pháp nhân Liên bang Nga được cấp phép đầu tư thực hiện dự án Rusalka là ông Nguyễn Đức Chi.

Hai trong 3 công ty được cấp phép không thực hiện đầu tư vào dự án Rusalka nên công ty còn lại do ông Nguyễn Đức Chi đại diện sở hữu 100% cổ phần thực hiện. Điều này được hiểu là tài sản Rusalka thuộc về ông Chi, ông này là đại diện cho công ty R.I.T theo giấy phép đầu tư số 2178/GP, chịu trách nhiệm xử lý tài sản, thanh lý công nợ với các tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng.

Về kết quả thanh lý, xử lý công nợ liên quan đến tài sản dự án, trong báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: "Chủ đầu tư đã thỏa thuận, thống nhất với 12 nhà thầu và tập thể nhân viên đã làm việc cho công ty R.I.T, một công ty chủ đầu tư đã liên lạc nhưng chưa có trả lời, 3 công ty không liên lạc được, bốn công ty không đạt được thỏa thuận”.

Tuy chưa xử lý dứt điểm tài sản của dự án Rusalka, nhưng theo UBND tỉnh Khánh Hòa, để sớm tiếp tục đầu tư dự án không để thiệt hại, lãng phí kéo dài thì phải đồng thời tiến hành thanh lý, giải quyết công nợ của dự án Rusalka, kết hợp thành lập doanh nghiệp mới trên cơ sở khối tài sản còn lại của dự án. Trong đó, việc chưa thống nhất công nợ giữa chủ đầu tư cũ và các tổ chức, các nhân liên quan, đề nghị các bên xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thực chất một số nội dung trong báo cáo này là sai sự thật, “đánh lận con đen”. Đương nhiên giải pháp trên vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhà thầu BMC. Như ví von của đại diện người đứng đầu BMC: “Không khác gì cướp tiền của tôi trong ví của tôi, rồi… mang cho người khác”.

(Còn tiếp)

Nhóm PV điều tra