PCT Hội Nhà Báo Việt Nam:

“Giảm thuế suất cho báo chí không ảnh hưởng nhiều tới thu ngân sách”

30/05/2013 06:34
Ngọc Quang
(GDVN) - Đây là quan điểm của ông Hà Minh Huệ - PCT Hội Nhà báo Việt Nam khi góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Ông Huệ nhận định: “Giảm thuế suất cho báo chí cũng không ảnh hưởng nhiều tới thu ngân sách, tuy nhiên lợi ích chính trị do báo chí mang lại chắc chắn sẽ rất nhiều”.

ĐB Quốc hội Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận) trình bày: Giới báo chí rất quan tâm và hoan nghênh ngay từ khi có đề xuất đưa báo chí vào diện ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được bổ sung, sửa đổi tại Khoản 2, Điều 13.

Theo đó thu nhập từ hoạt động báo in kể cả quảng cáo báo in được bổ sung vào diện áp thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm. Đây là một sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động báo chí. Cụ thể là báo in nhằm tháo gỡ khó khăn chung hiện nay. Nhưng trong tờ trình, Chính phủ lại không quy định áp dụng thuế ưu đãi đối với các loại hình báo chí khác, báo hình, báo nói, báo điện tử với lý do giảm thuế sẽ làm giảm thu nhập ngân sách.

Ông Hà Minh Huệ - PCT Hội Nhà báo Việt Nam.
Ông Hà Minh Huệ - PCT Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong giải trình cũng nói rằng, một số kênh truyền hình có thu nhập cao cho nên không thực hiện quy chế riêng, không áp thuế thấp và đặc biệt là truyền hình không có kiến nghị về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó đã không được xét.

Giải trình của Chính phủ đã nói rất đúng khi nói theo Luật báo chí, báo chí là sản phẩm văn hóa, cơ quan báo chí hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhà nước giao.

Thực tế thời gian qua hoạt động phát hành của hầu hết các cơ quan báo in bị lỗ phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Hoạt động quảng cáo trên báo khác với hoạt động quảng cáo khác. Bởi vì hoạt động quảng cáo trên báo chí chỉ là một phần của hoạt động quảng cáo chung, mà quảng cáo trên báo thường không nhiều, bị giới hạn về diện tích, khuôn khổ và thời lượng, và đặc biệt vì còn khó khăn của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tháng 3 năm 2013, do kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, do nhiều doanh nghiệp làm ăn sa sút, hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động nên nguồn thu quảng cáo của báo chí đã bị ảnh hưởng khá lớn.

Năm 2012, quảng cáo của báo in giảm 8% so với năm 2011. Tình hình thu nhập quảng cáo trong lĩnh vực truyền hình tuy khá hơn nhưng trong số 67 đài phát thanh, truyền hình, chỉ có 4 trung tâm lớn như Truyền hình Việt Nam, truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, truyền hình Hà Nội và truyền hình Vĩnh Long có doanh thu quảng cáo tốt, có tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn trên 60 đài phát thanh, truyền hình địa phương khác trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Quảng cáo trên báo điện tử và các đài phát thanh vẫn chưa có chuyển biến đáng kể, đây là điểm yếu của khối báo, đài của ta so với thế giới.

Ưu đãi cho báo in là một bước tiến thừa nhận báo chí là lĩnh vực hoạt động văn hóa như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp trước kia đã nói nhưng không áp dụng với báo chí. Hiện nay lãnh đạo các cơ quan báo chí như phát thanh, truyền hình, báo điện tử cũng mong muốn và đề nghị được ưu đãi thuế trong việc sửa đổi bổ sung lần này, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, khắc phục khó khăn, hạn chế về cung cấp mà lâu nay báo chí bị phê phán. Để báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao để phát thanh, truyền hình, báo điện tử hoạt động có hiệu quả hơn.

Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 21/5, đại biểu Thuận Hữu - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam và tôi Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, đại biểu Vũ Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam cũng đã phát biểu đề đạt nguyện vọng đề nghị: Ban soạn thảo, Chính phủ, Quốc hội xem xét giảm thuế suất không chỉ đối với báo in mà cả đối với các loại hình báo chí khác gồm: báo nói, báo hình, báo điện tử và nên để thời gian áp dụng thuế đối với báo chí lên từ ngày mùng 1 tháng 7 năm 2013 như đề xuất áp dụng với một số hình thức trường hợp doanh nghiệp ưu tiên khác thay vì áp dụng chung từ ngày mùng 1 tháng 1 năm 2014.

Tuy nhiên chúng tôi cũng thấy rằng thuế báo chí đóng góp cho ngân sách chưa nhiều, giảm thuế suất cho báo chí cũng không ảnh hưởng nhiều tới thu nhập ngân sách, tuy nhiên có giảm thu về kinh tế nhưng lợi ích chính trị do báo chí mang lại chắc chắn sẽ rất nhiều. Rất tiếc những ý kiến này chưa được Đoàn thư ký kỳ họp thể hiện trong bản tổng hợp ý kiến thảo luận tổ gửi cho các đại biểu. Rất mong ý kiến của giới báo chí được Chính phủ, Quốc hội quan tâm xem xét bổ sung trong lần thảo luận này.

Ngọc Quang