Đại cương phòng vệ mới Nhật Bản có tính tiến công nhằm vào TQ

01/06/2013 06:33
Việt Dũng
(GDVN) - Bản kiến nghị đề xuất xây dựng quân đội chính quy, xây dựng khả năng đánh đòn phủ đầu và tăng cường phòng thủ tây nam nhằm vào Trung Quốc.
Biên đội máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Biên đội máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 31 tháng 5 có bài viết cho rằng, ngày 30 tháng 5 Đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền Nhật Bản xác định kiến nghị "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới, sẽ trình bản kiến nghị này lên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, để Chính phủ Nhật Bản tham khảo đưa ra "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới.

Trên phương diện chính sách bảo đảm an ninh, bản kiến nghị lấy "sức mạnh phòng vệ cơ động vững chắc" làm phương châm cơ bản cho chỉnh đốn lực lượng phòng vệ Nhật Bản, thiết lập "quân đội chính quy" và Hội đồng bảo đảm an ninh quốc gia, xây dựng "Luật cơ bản bảo đảm an ninh quốc gia", đồng thời tiến hành cải cách đối với Bộ Quốc phòng.

Trên phương diện xây dựng lực lượng phòng vệ, bản kiến nghị chủ trương tăng mạnh biên chế nhân viên và ngân sách phòng vệ cho Lực lượng Phòng vệ, xây dựng mới lực lượng đổ bộ, đồng thời tăng cường phòng vệ tây nam và phòng vệ đảo. Bản kiến nghị còn chủ trương bắt tay vào nghiên cứu vấn đề Nhật Bản sở hữu khả năng tấn công các căn cứ của “kẻ thù”.

Đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội nhằm vào Trung Quốc

"Đại cương kế hoạch phòng vệ" là phương châm phòng vệ quốc phòng cao nhất của Nhật Bản, có tác dụng chỉ đạo lâu dài, đã quyết định hiện trạng và phương hướng của chính sách quân đội và quốc phòng Nhật Bản. Lưu Giang Vĩnh, chuyên gia quan hệ quốc tế, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho biết, năm 1976 Nhật Bản đưa ra "Đại cương kế hoạch phòng vệ", sau đó trải qua 3 lần sửa đổi vào các năm 1995, 2004, 2010.

Về thời gian có thể thấy, chu kỳ sửa đổi của nó ngày càng ngắn, điều này phản ánh Nhật Bản đẩy nhanh các bước điều chỉnh chiến lược phòng vệ.

Radar cảnh giới tầm xa cỡ lớn FPS-5 của Nhật Bản
Radar cảnh giới tầm xa cỡ lớn FPS-5 của Nhật Bản

Lưu Giang Vĩnh cho rằng, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, "Đại cương kế hoạch phòng vệ" chủ yếu nhằm vào "mối đe dọa Liên Xô". Năm 2004, Đại cương kế hoạch phòng vệ của nội các Junichiro Koizumi đã hoàn thành điều chỉnh chiến lược quân sự Nhật Bản sau Chiến tranh Lạnh, chuyển đối tượng phòng thủ chủ yếu từ Nga sang CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc.

Năm 2010 lại tiếp tục dựa trên phòng vệ các hòn đảo tây nam, tập trung tăng cường khả năng tác chiến cơ động, cảnh giới, theo dõi và sức mạnh trên biển-trên không nhằm thẳng vào Trung Quốc.

Còn trong bản kiến nghị do Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản đưa ra lần này, tiếp tục đề xuất tăng cường sức mạnh quân sự, tăng cường phòng vệ tây nam và phòng vệ đảo, trong đó tập trung vào phòng thủ đảo Senkaku, có ý đồ nhằm vào Trung Quốc rất rõ ràng.

Ba điểm quan tâm lớn

Lưu Giang Vĩnh cho rằng, trong bản kiến nghị "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới có 3 điểm đáng tập trung quan tâm: Thứ nhất là thiết lập "quân đội chính quy", nếu Nhật Bản chuyển Lực lượng Phòng vệ thành "quân đội chính quy" thì điều này trái với mục đích chính của "Hiến pháp hòa bình" hiện nay.

Vì vậy, phải có tiền đề là Điều 9 Hiến pháp được sửa đổi, thì mới có khả năng thực hiện, còn nếu ông Shinzo Abe không thể giành được kết quả hài lòng trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới thì ý tưởng xây dựng "quân đội chính quy" cũng sẽ "chết non".

Tàu khu trục Aegis DDG-173 Kongo lớp Kongo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu khu trục Aegis DDG-173 Kongo lớp Kongo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Thứ hai là bản kiến nghị chủ trương bắt tay nghiên cứu vấn đề Nhật Bản sở hữu khả năng tấn công căn cứ "kẻ thù", cũng có nghĩa là Nhật Bản muốn từ chính sách chuyên phòng thủ theo Hiến pháp hiện hành, chuyển sang có thể tiến hành tấn công "đánh đòn phủ đầu" trong điều kiện nhất định. Nói cách khác, Nhật Bản sẽ chuyển một quốc gia từ kiểu phòng thủ sang có khả năng tấn công, chính sách chuyên phòng thủ cũng sẽ chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.

Thứ ba là bản kiến nghị chỉ ra, tăng cường phòng thủ tây nam và phòng thủ các hòn đảo, tăng lớn sức mạnh quân sự, xây dựng khả năng tạo ra thách thức cho Trung Quốc ở đảo Senkaku và eo biển Đài Loan trong tương lai.

Trong bản kiến nghị, việc thiết lập "quân đội chính quy" sẽ đi ngược lại Hiến pháp hiện có của Nhật Bản. Vì vậy, chuyên gia Lưu Giang Vĩnh, Đại học Thanh Hoa cho rằng, từ khi ông Shinzo Abe lên cầm quyền đến nay, Chính phủ Nhật Bản đi vào giai đoạn hữu khuynh nhất kể từ sau chiến tranh đến nay, "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới và sửa đổi Hiến pháp có thể nói là hai nước cờ phối hợp của ông Shinzo Abe, "chiêu" này kế tiếp "chiêu" kia, bản Đại cương mới rõ ràng là một bản kế hoạch được ông Shinzo Abe vạch ra cho chiến lược của Nhật Bản có tính tiến công hơn, sau khi sửa đổi Hiến pháp.

Bao lâu nữa Nhật sẽ sửa đổi Hiến pháp?

Điều 96 Hiến pháp Nhật Bản quy định, phải được 2/3 số phiếu tàn thành ở cả hai viện - Hạ viện và Thượng viện, Quốc hội mới có thể đưa ra dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Điều này được sửa đổi là tiền đề để sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp, "xóa bỏ sự trói buộc pháp lý đối với sức mạnh quân sự Nhật Bản". Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã sớm đề xuất bắt đầu sửa đổi khi trả lời Quốc hội vào đầu năm.

Tàu ngầm AIP lớp Soryu tiên tiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu ngầm AIP lớp Soryu tiên tiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp được Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản công bố vào tháng 4 năm 2012, đã đề xuất nới lỏng điều kiện bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp mà Điều 96 quy định thành quá bán (trên 50%) số nghị sĩ tán thành, đặt nền tảng tốt cho việc tiếp tục sửa đổi Hiến pháp trong tương lai.

Dự thảo này đồng thời đã tiến hành sửa đổi triệt để Điều 9 Hiến pháp, đã đưa vào các nội dung như "quân đội chính quy", hoàn toàn từ bỏ tôn chỉ của Hiến pháp hòa bình. Xét đến tranh cãi quá lớn, ông Shinzo Abe mới lựa chọn "dễ trước, khó sau". Mục đích chính của phái bảo thủ ở Nhật Bản vẫn là sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp.

Hơn nữa chỉ có giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè năm nay, thì trong tương lai mới có thể thực hiện được kế hoạch sửa đổi Hiến pháp.

Điều 9 và Điều 96 của Hiến pháp Nhật Bản

Hiếp pháp Nhật Bản được gọi là "Hiến pháp hòa bình", được thực hiện từ ngày 3 tháng 5 năm 1947. Bản Hiến pháp này được viết trong thời kỳ quân đồng minh chiếm đóng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, dự định lấy mô hình tự do, dân chủ thay thế cho chế độ "đế quốc Nhật Bản". Trong đó, nổi tiếng nhất là Điều 9.

Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản (từ bỏ chiến tranh, lực lượng chiến tranh và quyền giao chiến) quy định: 1, Nhân dân Nhật Bản chân thành tìm kiếm hòa bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh được phát động bằng quyền quốc gia, đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực làm thủ đoạn giải quyết tranh chấp quốc tế. 2, Để đạt được mục đích, không duy trì lục, hải, không quân và các lực lượng chiến tranh khác, không thừa nhận quyền giao chiến của quốc gia.

Nhật Bản muốn xây dựng quân đội chính quy, sở hữu khả năng đánh đòn phủ đầu, nới lỏng xuất khẩu vũ khí, sử dụng quyền tự vệ tập thể. Trong hình là Mỹ-Nhật diễn tập trên biển.
Nhật Bản muốn xây dựng quân đội chính quy, sở hữu khả năng đánh đòn phủ đầu, nới lỏng xuất khẩu vũ khí, sử dụng quyền tự vệ tập thể. Trong hình là Mỹ-Nhật diễn tập trên biển.

Điều 96 của Hiến pháp Nhật Bản (trật tự sửa đổi Hiến pháp) quy định: 1, Việc sửa đổi bản Hiến pháp này phải được 2/3 toàn thể nghị sĩ các viện tán thành, do Quốc hội đề nghị, đưa ra cho quốc dân và được công nhận.

Sự công nhận này phải được tiến hành bỏ phiếu trong bầu cử được Quốc hội quy định hoặc bỏ phiếu nhân dân đặc biệt, phải được 50% tán thành trở lên. 2, Việc sửa đổi Hiến pháp, sau khi được thừa nhận những vấn đề trên, được Thiên Hoàng lập tức lấy danh nghĩa quốc dân công bố.

Việt Dũng