Hành khách Vietnam Airline bị “đuổi” vì trót... làm thủ tục sớm?

02/06/2013 07:48
Hoàng Lực
(GDVN) - Ngồi “chơi” điện thoại trong khu vực “check in”, nhân viên Vietnam Airline tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có thái độ hằn học, khó chịu khi hành khách hỏi thông tin chuyến bay và muốn làm thủ tục, không những vậy nhân viên này còn “đuổi” hành khách chỉ vì “check in” sớm?


Đó là nội dung phản ánh của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Phú Nhuận - TP.HCM) đến đường dây nóng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vào chiều ngày thứ 7 (1/6/2013).

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, do lo muộn giờ bay, bà Tuyết tranh thủ đi buổi trưa để tránh tắc đường và làm thủ tục cho chuyến bay từ Cam Ranh đi TP.HCM. 

Tuy nhiên khi đến khu vực “check in” thuộc Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, do thấy vẫn có thông báo tiếp đón hành khách nên bà Tuyết đã đi vào và đề nghị nhân viên Vietnam Airline làm thủ tục. Nhưng do mải “chơi” điện thoại, nhân viên nữ Vietnam Airline đã không đáp lời. Bà Tuyết phải gọi lớn tiếng, nhân viên này mới quay lại với thái độ khó chịu.

Sau khi nghe bà Tuyết hỏi về việc muốn “check in” cho chuyến bay VN1357, bay lúc 14h 35’, nhân viên nữ này trả lời trống không: “Chưa đến giờ làm thủ tục, 12h30’ chị quay lại”. Sau đó không một lời giải thích, nhân viên này quay đi bỏ mặc khách hàng. Bức xúc trước thái độ ứng xử coi thường hàng khách, bà Tuyết đã yêu cầu được gặp người quản lý nhân viên Vietnam Airline để phản ánh thái độ và cung cách phục vụ của nhân này.


Đáp lại yêu cầu của bà Tuyết, một nhân viên Vietnam Airline khác tay cầm tờ giấy A4 và bút ra đưa cho bà Tuyết nói: “Bút đây, giấy đây chị viết gì thì viết”. Theo lời giải thích của nhân viên này, nếu muốn phản ánh gì khách hàng cứ viết vào giấy, bỏ vào hòm thư góp ý sau khoảng thời gian sẽ có người gom và đọc thư sẽ trả lời khách hàng. 


Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh


Trước quy định lạ đời và thái độ dửng dưng với khách hàng, bà Tuyết lại yêu cầu được gặp người chịu trách nhiệm cao hơn của Vietnam Airline để phản ánh trực tiếp, tuy nhiên nhân viên nữ kia cho rằng: “Ở đây em là sếp cao nhất rồi, chị gặp ai cũng phải viết giấy như vậy thôi”. Do quá chán nản với cung cách phục vụ của nhân viên Vietnam Airline đặc biệt là cung cách giải đáp những thắc mắc của khách hàng bà Tuyết đành đứng chờ ngoài khu vực “check in”.
So sánh với giờ được “check in” trước chuyến bay, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho biết, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, chị từng được “check in” sớm 6 tiếng trước chuyến bay. Nhưng quan trọng hơn là thái độ ứng xử với hành khách của nhân viên Vietnam Airline. “Tôi thường xuyên đi lại bằng máy bay và thường đặt vé thương gia, vé VIP, cũng tin tưởng và thấy chính sách thay đổi của Vietnam Airline thời gian qua rất tốt. Nhưng tôi quá bức xúc trước thái độ ứng xử của 2 nhân viên Vietnam Airline. Là hành khách trong nước tôi còn thấy vậy nếu là khách quốc tế chắc họ chỉ biết nuốt cục tức vào trong rồi về nước và không muốn quay lại” – bà Tuyết bức xúc. Cũng nêu lên những bất cập tại sân bay Cam Ranh, trên Kienthuc.net đăng tải thông tin về giá các loại đồ ăn của CHKQT Cam Ranh đắt nhất thế giới. Theo đó, trong bài viết nêu giá một số đồ ăn như 1 chiếc bánh hamburger không kèm nước uống tại sân bay này có giá 180.000 đồng, một tô mì gói có thêm trứng gà, giá bán 60.000 đồng hay một que kem giá 35.000 đồng... Du khách quốc tế và trong nước còn bình chọn đây là những đồ ăn "đắt nhất thế giới". Không những vậy hành khách đến và đi tại Cam Ranh thường xuyên phản ánh rằng, quá mệt mỏi vì khu vực “check in” không có ghế. Nếu muốn ngồi chờ, mọi người phải vào quán cà phê bên cạnh và đương nhiên phải trả tiền.
Trả lời Kienthuc.net, ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, cho biết: “Từ tháng 5/2009 đến giữa năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa đã 3 lần gửi công văn đến bộ Giao thông vận tải và các cơ quan ngành hàng không, đề nghị sớm nghiên cứu tăng chuyến bay nội địa. Thế nhưng, tình hình vẫn không được cải thiện.

Năm 2012, du lịch Khánh Hòa đón đón 2,3 triệu lượt khách, trong đó có hơn 530.000 lượt khách quốc tế với gần 90% khách du lịch quốc tế đến với Khánh Hòa bằng đường hàng không. Thiếu chuyến bay đến từ 2 trung tâm Hà Nội và TP.HCM không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của du khách mà còn làm giảm sự hấp dẫn của du lịch Nha Trang-Khánh Hòa.

Để có thể tăng chuyến bay đến Khánh Hòa vào mùa cao điểm, trước mắt, lãnh đạo tỉnh cần chủ động làm việc với Bộ giao thông, Cục hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác, nhằm tìm hướng giải quyết tình huống”.
Hoàng Lực