Hàn Quốc đánh giá rất kỹ báo cáo của Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc

03/06/2013 07:07
Việt Dũng
(GDVN) - Báo Hàn Quốc đã phân tích những nội dung đáng chú ý về Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2013 của Mỹ.
Vệ tinh quân sự của Trung Quốc
Vệ tinh quân sự của Trung Quốc

Ngày 29 tháng 5 tờ "Nhật báo quốc phòng" Hàn Quốc đăng bài viết nhan đề "Trung Quốc đẩy nhanh biên chế vũ khí trang bị mới", đã điểm lại sự tiến triển trong năm 2012 của Quân đội Trung Quốc trên các phương diện như vệ tinh nhân tạo, tàu sân bay, máy bay chiến đấu tàng hình, hệ thống phòng không tổng hợp và mạng lưới cảnh báo sớm.

Bài viết liên hệ những vũ khí trang bị mới này với chiến lược chống can dự/ngăn chặn khu vực (A2/AD) được dư luận phổ biến quan tâm gần đây, đồng thời còn đề cập tới việc Quân đội Trung Quốc thường nghiêng về sử dụng công nghệ lưỡng dụng (quân dụng, dân dụng) để có được công nghệ vũ khí mũi nhọn, thậm chí bất chấp thủ đoạn vi phạm luật pháp quốc tế và các biện pháp quản lý xuất khẩu. Nội dung bài viết như sau:

1. Năm 2012, tàu sân bay Liêu Ninh biên chế, máy bay chiến đấu tàng hình thứ hai bay thử thành công

Quân đội Trung Quốc đang đẩy nhanh phát triển vũ khí trang bị mới khiến cho Bộ Quốc phòng Mỹ cảm thấy thực sự lo ngại. Trong một mục riêng của "Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2013" do Bộ Quốc phòng Mỹ đệ trình lên Quốc hội vào đầu tháng này, đã giới thiệu các loại vũ khí mới mà Trung Quốc biên chế trong năm 2012.

Từ đó có thể thấy, Bộ Quốc phòng Mỹ cảm thấy lo ngại đối với cách làm tăng cường sức chiến đấu của Quân đội Trung Quốc, đồng thời muốn thông qua hình thức này để thu hút sự quan tâm và coi trọng của Quốc hội Mỹ đối với vấn đề.

Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Vệ tinh nhân tạo: Trung Quốc đã phóng nhiều loại vệ tinh ứng dụng. Dự kiến, đến năm 2015, Trung Quốc sẽ phóng 100 vệ tinh. Những vệ tinh ứng dụng này cung cấp các dịch vụ như viễn thám, thông tin, khí tượng, dẫn đường định vị, đồng thời còn dùng cho mục đích quân sự. Vệ tinh được Bộ Quốc phòng TQ nhắc tới gồm có vệ tinh thăm dò cự ly xa, vệ tinh quan trắc Trái đất, vệ tinh dự báo theo dõi môi trường và giám sát thiên tai, vệ tinh quan trắc tài nguyên, vệ tinh theo dõi biển, vệ tinh khí tượng.

Tàu sân bay đầu tiên: Tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 25 tháng 9 năm 2012. Trong 3-4 năm tới, tàu Liêu Ninh sẽ tập trung tiến hành huấn luyện cơ bản, huấn luyện máy bay hải quân, huấn luyện tuần tra sẵn sàng chiến đấu. Khu vực tác chiến chính của tàu sân bay Liêu Ninh là biển Hoa Đông và biển Đông, khả năng cảng Thanh Đảo trở thành cảng chính của tàu sân bay là rất lớn. Sau khi thành lập lực lượng bay trên tàu sân bay, rất có khả năng sẽ đóng ở căn cứ hải quân Tam Á, tỉnh Hải Nam. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phủ nhận thông tin việc Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay thứ hai ở nhà máy đóng tàu tại Thượng Hải, đồng thời cho rằng, những tin đồn như vậy không chính xác.

Máy bay chiến đấu tàng hình: Ngày 31 tháng 10 năm 2012, tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã tiến hành bay thử lần đầu tiên máy bay chiến đấu tàng hình thứ hai J-31. Tháng 1 năm 2011, máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên J-20 của Trung Quốc đã tiến hành bay thử lần đầu tiên ở Thành Đô. Hiện nay, Trung Quốc đang gấp rút tiến hành công tác nghiên cứu chế tạo máy bay thử nghiệm của máy bay chiến đấu tàng hình thứ ba.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc

Có thể nói, công tác nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tàng hình Trung Quốc đi vào quỹ đạo chính, đã mở ra một trang mới. Mặc dù như vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn cho rằng, máy bay chiến đấu tàng hình do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo rất khó tiến hành triển khai chiến đấu thực tế trước năm 2018. Đây là do trong quá trình nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tàng hình, Trung Quốc còn đối mặt với thách thức nghiêm trọng trên các phương diện như động cơ phản lực tính năng cao.

Hệ thống phòng không tổng hợp: Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới phòng không để ứng phó với các loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa như tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo. Điều này đánh dấu năng lực tác chiến phòng không của Trung Quốc đã được nâng cao. Trong hệ thống phòng không tổng hợp của Trung Quốc, giành được sự phát triển nổi bật có hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa, mạng lưới cảnh báo sớm, hệ thống thông tin chỉ huy.

Tên lửa đất đối không tầm xa có tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 (sao chép SA-20 hay S-300 của Nga), Trung Quốc không thỏa mãn với điều đó, mà còn muốn nhập khẩu tên lửa đất đối không tiên tiến hơn là S-400 Triumf. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, những tên lửa đất đối không mới này của Trung Quốc có thể đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật hoặc tầm trung.

Mạng lưới cảnh báo sớm: Trước đây, Trung Quốc luôn sử dụng tên lửa đất đối không do Nga chế tạo để bảo vệ an toàn phòng không của các đô thị chính như thủ đô. Sau khi máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của Trung Quốc lần lượt biên chế cho Không quân, năng lực cảnh báo sớm của Không quân Trung Quốc đã được cải thiện.

Máy bay cảnh báo sớm Trung Quốc
Máy bay cảnh báo sớm Trung Quốc

Trên cơ sở đó, Trung Quốc có kế hoạch kết hợp với hệ thống vệ tinh đảm đương nhiện vụ phòng thủ đối với lãnh thổ, không phận, lãnh hải và trong không gian vũ trụ. Ngoài ra, Trung Quốc còn có kế hoạch liên kết hệ thống thông tin chỉ huy, hệ thống cảnh báo sớm, tên lửa đất đối không, pháo đối không với nhau, thực hiện kết nối nhiều loại vũ khí trang bị. Điều đáng chú ý là, hệ thống thông tin chỉ huy kiểm soát sẽ có năng lực đánh giá tổn thất chiến đấu.

Những vũ khí trang bị này có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự, vì vậy đã thu hút sự chú ý rất lớn của Mỹ. Trong "Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2013" đã tiến hành nói rõ về các loại vũ khí trang bị biên chế năm 2012 ở các lĩnh vực liên quan đến Pháo binh 2, Hải quân, Không quân, lực lượng mặt đất, tác chiến vũ trụ, tác chiến thông tin. Sau đó, lại đưa những vũ khí trang bị này vào một chuyên mục để tiến hành giới thiệu chi tiết.

Những vũ khí trang bị mới này của Trung Quốc có liên quan chặt chẽ đến chiến lược chống can dự/ngăn chặn khu vực (A2/AD) được phổ biến quan tâm gần đây. Sử dụng những vũ khí trang bị mới này có thể theo dõi chặt chẽ các động thái của các thế lực, mối đe dọa ở cự ly xa, tạo sự lan tỏa sức chiến đấu, tránh radar tập kích, tiến hành đánh chặn đối với các mục tiêu tấn công. Vì vậy, đối với Trung Quốc, chắc chắn sẽ toàn lực phát triển những vũ khí trang bị này.

Trung Quốc muốn mua hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 Triumf của Nga, tầm phóng tối đa 400 km.
Trung Quốc muốn mua hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 Triumf của Nga, tầm phóng tối đa 400 km.

2. Quân đội Trung Quốc đã tìm mọi cách sở hữu công nghệ vũ khí mũi nhọn

Vũ khí mũi nhọn tuy nói có thể trực tiếp mua từ nước ngoài, nhưng nước xuất khẩu vũ khí thường sẽ cân nhắc vấn đề an ninh của bản thân họ, thường không sẵn sàng xuất khẩu vũ khí trang bị mới nhất, đã tạo ra rất nhiều rào cản trong vấn đề chuyển nhượng công nghệ. Xét đến tính liên tục của phát triển công nghệ, cần phải nắm chắc công nghệ ở mức độ nhất định thì mới có thể bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo.

"Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2013" cho biết, khi nhập công nghệ mũi nhọn từ nước ngoài, Trung Quốc thường tập trung vào nhập khẩu công nghệ lưỡng dụng (quân dụng, dân dụng). Các công ty và cơ quan nghiên cứu trực thuộc của Chính phủ Trung Quốc “thường ngụy trang thành công ty tư nhân” tích cực tìm cách nhập khẩu công nghệ để tăng cường năng lực và biện pháp công nghệ để tự nghiên cứu phát triển.

Một số doanh nghiệp thương mại tham gia nhập khẩu công nghệ có quan hệ chặt chẽ với cá viện nghiên cứu của Quân đội Trung Quốc, hoặc trực tiếp nằm dưới sự quản lý của các tổ chức chính phủ như Ủy ban quản lý theo dõi, giám sát tài sản nhà nước.

Những cơ quan và doanh nghiệp Trung Quốc này thường thông qua các hình thức như đại hội công nghệ, hội thảo công nghệ và hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, cùng nghiên cứu phát triển đối với các công nghệ đặc biệt, từ đó tiếp cận được với công nghệ mũi nhọn của nước ngoài.

Điều đặc biệt đáng chú ý là, do sử dụng phương thức thương mại chính đáng, hoạt động học thuật không thể thu được thiết bị, vật liệu và công nghệ an ninh quốc gia quan trọng, Trung Quốc thậm chí đã bất chấp thủ đoạn, đã vi phạm pháp luật và các biện pháp quản lý xuất khẩu của Mỹ.

Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc của Mỹ đã liệt kê những hành vi vi phạm pháp luật này. Tháng 3 năm 2012, hai người Đài Loan đã bị khởi tố do bị tình nghi ăn cắp công nghệ công nghiệp quân sự nhạy cảm của Mỹ cho Trung Quốc.

Tháng 6 năm 2012 Công ty Pratt & Whitney (PWC) thừa nhận đã cung cấp cho Trung Quốc phầm mềm quân dụng cần thiết cho việc phát triển máy bay trực thăng tấn công Z-10. Tháng 9 năm 2012, người Trung Quốc họ Lưu đã bị kết án do ăn cắp tài liệu điện tử liên quan đến các nội dung như thiết bị dẫn đường.

Máy bay trực thăng vũ trang Z-10 của Trung Quốc
Máy bay trực thăng vũ trang Z-10 của Trung Quốc
Việt Dũng