Tướng lĩnh quân đội nói về bài phát biểu của Thủ tướng tại Shangri–La

02/06/2013 07:51
Theo QĐND
Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 diễn ra ở Xin-ga-po, bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận trong nước cũng như giới học giả, ngoại giao và báo giới quốc tế. Ngay sau khi Thủ tướng kết thúc bài phát biểu, hàng loạt hãng thông tấn nước ngoài đã có những tin, bài truyền đi thông điệp của Thủ tướng về xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như chính sách quốc phòng của Việt Nam thông qua bài phát biểu. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, bài phát biểu dẫn đề đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tại diễn đàn an ninh quan trọng này, không những ấn tượng và xuất sắc, mà còn đưa ra thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng, thể hiện vai trò và vị thế then chốt của Việt Nam trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Chủ tịch Đối thoại Shangri La 12. Ảnh: chinhphu.vn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Chủ tịch Đối thoại Shangri La 12. Ảnh: chinhphu.vn.

* Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là rất quan trọng đối với các nước khu vực

Tham dự Hội nghị Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 tại Xin-ga-po, Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu rất quan trọng khẳng định rõ nguyện vọng và lòng mong muốn của nhân dân Việt Nam duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và toàn khu vực; khẳng định lập trường cũng như quyết tâm của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp bất đồng; đề xuất chiến lược và quan điểm của Nhà nước Việt Nam; đề cao vai trò của ASEAN và các đối tác, nhất là Mỹ-Trung trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông.

Trong đó, Thủ tướng nước ta nhấn mạnh: Cần tạo dựng và xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, trên cơ sở tuân thủ và thực thi đầy đủ các luật pháp và công ước quốc tế; đề cao trách nhiệm của từng quốc gia, vai trò các nước lớn, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương, nhất là Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Việt Nam sẵn sàng đàm phán với các nước để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, thông qua đối thoại hòa bình trên cơ sở luật pháp và công ước quốc tế, tôn trọng lịch sử, vì lợi ích chung giữa hai nước, cũng như khu vực và toàn thế giới.

Trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa; là bạn là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia và dân tộc trên toàn thế giới, Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè trên toàn cầu, trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, hòa bình trong khu vực và thế giới; thúc đẩy sự thành công hội nghị quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 tại Xin-ga-po lần này.

Biển Đông có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nguồn sống của nhân dân nhiều nước, cửa ngõ giao thương thúc đẩy sự thịnh vượng của nhiều quốc gia, đường hàng hải vận chuyển hàng hóa lớn của toàn thế giới. Hiện tại, Biển Đông đang tồn tại tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải do lịch sử để lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, ảnh hưởng tới hòa bình và phát triển trong khu vực cũng như toàn thế giới.

Nguyện vọng và lòng mong muốn của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực là: Giữ vững hòa bình, đẩy mạnh hợp tác để phát triển, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh; giải quyết các tranh chấp bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, theo luật pháp và công ước quốc tế. Trong đó ASEAN và các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ cần đạt được thỏa thuận, sớm xác định rõ trách nhiệm, cùng thực thi đầy đủ công ước về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); đồng thời làm hết sức mình để sớm ban hành Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, yếu tố then chốt giữ vững hòa bình ổn định ở Biển Đông, trong khu vực và toàn thế giới. (Thiếu tướng PGS TS BÙI THANH SƠN)
Tăng cường hợp tác giữa quân đội các nước để xây dựng lòng tin 
Tôi rất tâm đắc với những nội dung được đề cập trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La 12, đặc biệt là vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia và sự khẳng định chính sách đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam. Lòng tin có ý nghĩa quyết định đối với quan hệ hợp tác giữa các quốc gia. Quan hệ giữa các nước chỉ có thể đi vào chiều sâu và phát triển bền vững khi có lòng tin với nhau. 
Bản chất của việc xây dựng lòng tin có thể hiểu là việc thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và việc làm, tiến tới hợp tác thực chất; tăng cường hợp tác, giao lưu để hiểu biết lẫn nhau, để thay đổi các quan niệm về nhau và tạo ra những động lực tăng cường lòng tin, thúc đẩy hợp tác; cùng nhau xây dựng các cơ chế giám sát, kiểm tra để các bên đối tác đều thực hiện đúng cam kết. Việc cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác (qua việc phát ngôn) hoặc tạo cơ sở để đối tác dự báo được hành động của mình (qua việc làm) là nội dung chính của xây dựng lòng tin.

Tuy nhiên, xây dựng lòng tin là một quá trình rất khó khăn, nhất là giữa các nước có lịch sử tranh chấp và xung đột lâu dài. Nếu một trong hai bên có sự nghi ngờ lẫn nhau, thì thành quả xây dựng lòng tin có thể biến mất, quá trình hợp tác có thể bị chệch hướng.

Thời gian tới, để phát huy vai trò của quân đội trong xây dựng lòng tin giữa các nước trong khu vực, quân đội các nước cần tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa lực lượng vũ trang (LLVT) các nước để tạo ràng buộc lợi ích và tính liên kết lợi ích, nâng cao mức độ hiểu biết lẫn nhau, qua đó tăng cường tương tác và sự gắn kết giữa quân đội các nước.

Quân đội các nước cần đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu học thuật để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về hệ thống chính trị, văn hóa chính trị và các yếu tố khác, làm cơ sở để mở rộng quan hệ và đưa các quan hệ đi vào chiều sâu. Cần tiếp tục mở rộng các hình thức hợp tác giao lưu giữa quân đội các nước; thiết lập đường dây nóng và cách tiếp cận nhanh chóng giữa các lãnh đạo quân đội, nhằm kịp thời trao đổi thông tin và xử lý các tình huống khẩn cấp.

Tăng cường trao đổi, thăm viếng lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo quân sự và an ninh; thiết lập cơ chế trao đổi tin tức tình báo; định kỳ tổ chức đối thoại quốc phòng và chiến lược; tham gia các cuộc hội nghị, hội thảo; mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác từ song phương sang đa phương.

Cần tăng cường công khai và minh bạch quá trình ra quyết sách và thực thi chính sách quốc phòng, tránh tình trạng một nước này đưa ra thông tin sai lệch về chính sách quốc phòng của nước khác. Các nước cần định kỳ xuất bản Sách Trắng quốc phòng, trong đó công khai chính sách quốc phòng, ngân sách quốc phòng, vũ khí trang bị…

Tiếp tục xây dựng các khuôn khổ và cơ chế hợp tác mang tính ràng buộc lẫn nhau để thống nhất về giới hạn, hoặc phạm vi chấp nhận được của hành vi, hoặc cơ chế giải quyết bất đồng, làm giảm nghi ngờ lẫn nhau. Thông qua việc ký kết các văn kiện hợp tác, đối tác, các bên có thể thống nhất nội dung và phạm vi hợp tác, hoặc cơ chế giải quyết các tranh chấp, tránh sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. (Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN (Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng))

* Tăng thêm niềm tin và trách nhiệm

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Xin-ga-po đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế và toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đó là tiếng nói của Việt Nam mà Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ gửi đến các nước trong khu vực và thế giới, khẳng định lập trường, quan điểm, đường lối đối ngoại, chiến lược quốc phòng của Việt Nam và giải pháp giải quyết những vấn đề đang phức tạp trên Biển Đông.

Cá nhân tôi nói riêng và cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng Quân đoàn 4 hết sức tâm đắc về quan điểm xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột.

Tôi vừa mới thay mặt Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 tham gia đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu đi thăm, làm việc tại huyện đảo Trường Sa. Chuyến đi giúp tôi có được cái nhìn thực tế sâu sắc và toàn diện, đồng thời củng cố lòng tin về trách nhiệm, khả năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của chúng ta.

Chúng tôi nghĩ rằng phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một thông điệp rõ ràng của Đảng và Nhà nước ta gửi đến cộng đồng quốc tế, khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng làm hết sức mình để xác lập lòng tin giữa các quốc gia, bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Mọi vấn đề dù khó đến đâu, nhưng nếu giữa các quốc gia có lòng tin với nhau thì sẽ cùng nhau giải quyết thành công.

Bài phát biểu của Thủ tướng cũng giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu sâu sắc thêm về quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; biện pháp giải quyết những vấn đề phức tạp trên Biển Đông; lập trường trước sau như một của Đảng, Nhà nước ta về chủ quyền quốc gia; chính sách quốc phòng và nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước; vai trò, trách nhiệm của lực lượng vũ trang nhân dân trong tình hình mới.  (Đại tá PHẠM XUÂN TRẠO (Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4))

Theo QĐND