Bộ Giáo dục giải thích chuyện phao thi xuất hiện nhiều nơi ở HN

05/06/2013 07:58
Xuân Trung
(GDVN) - Chiều 4/6, sau khi kết thúc thời gian thi môn cuối trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đã tiến hành họp báo thông báo tổng kết kỳ thi. Điểm lưu ý trong đó, Bộ GD&ĐT giải thích chuyện sau mỗi giờ thi phao thi lại xuất hiện trở lại, thậm chí trong ngăn bàn thí sinh…
Cuối giờ chiều qua, sau khi các môn thi tốt nghiệp THPT kết thúc, Bộ GD&ĐT đã có thông tin chính thức về tình trạng phao thi vẫn còn xuất hiện nhiều tại các Hội đồng thi, ngược lại các Hội đồng báo cáo vẫn đảm bảo thi “nghiêm túc”.

Chưa “quan tâm” thí sinh nên vẫn xuất hiện “phao”

Ông Phạm Ngọc Trúc, Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, quy định thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi đã có những hiệu quả nhất định, có thêm kênh đẻ giám sát phòng thi. Đối với những thí sinh vi phạm quy chế của năm nay đều do những giám thị phát hiện, điều đó thể hiện giám thị đã nghiêm túc hơn.

Trước thực tế, sau mỗi môn thi, nhất là những môn tự luận như Văn, Địa lí vẫn còn xuất hiện nhiều phao thi, đặc biệt tại Hội đồng thi Lam Sơn (Thanh Hóa) còn có tình trạng phao thi trong ngăn bàn và ngoài hành lang phòng thi.

Ông Phạm Ngọc Trúc lí  giải: “Sau kỳ thi vẫn  còn tình trạng vứt phao thi, đó là do cán bộ coi thi trong khi thu bài ít quan tâm tới học sinh nên có những em vứt bài bừa bãi. Chúng tôi có chỉ đạo, thi xong chưa ra khỏi phòng thi mà ném tài liệu ra phòng thi, hành lang vẫn bị đình chỉ thi. Thực tế, từ đó mỗi môn thi đã giảm hẳn”.

Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Trúc giải thích về chuyện xuất hiện nhiều phao thi sau mỗi môn thi. Ảnh Xuân Trung
Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Trúc giải thích về chuyện xuất hiện nhiều phao thi sau mỗi môn thi. Ảnh Xuân Trung

Đối với Thanh Hóa, sau khi mỗi môn thi thi xong thường xuất hiện nhiều phao thi trong Hội đồng thi (Lam Sơn), vấn đề này Thanh tra Bộ cho biết, đó chỉ là do các em sau khi làm bài xong, trưa ở lại và lôi tài liệu ra xem, đối chiếu rồi bỏ lại gầm bàn, phòng thi, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã đối chiếu và biện pháp nhắc nhở thí sinh.

Xoay quanh vấn đề chống tiêu cực, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay, những người công quyền trong kỳ thi phải làm nhiệm vụ, nhưng học sinh không bắt buộc phải giám sát, các em muốn làm thì làm, không thì thôi.

“Giám thị lơ là, trách nhiệm kém thì việc các em mang thiết bị vào phòng thi cũng là việc làm tốt. Thực tế, người có trách nhiệm tốt thì không có vấn đề gì. Môi trường giáo dục có những yếu tố riêng, không chỉ có giám sát, bên này chống lại bên kia mà phải cùng chung tay làm nhiệm vụ giáo dục” Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói về việc chống tiêu cực.
Tiếp tục ra đề theo hướng mở trong năm tới
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, môn Ngữ văn được dư luận xã hội đánh giá tích cực, có tình thời sự và tính nhân văn cao, góp phần xây dựng nhân cách cho thí sinh. Ngoài đề Ngữ văn còn có Địa lí đã khơi gợi được sự hiểu biết và ý thức về chủ quyền dân tộc, điều đó không chỉ có tác dụng giáo dục đối với các thí sinh mà còn có ảnh hưởng tốt trong xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong những năm tới sẽ tiếp tục ra đề theo hướng mở. Ảnh Xuân Trung
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong những năm tới sẽ tiếp tục ra đề theo hướng mở. Ảnh Xuân Trung

Đây được đánh giá là cách ra đề mở thể hiện tư duy khá tốt trong các kỳ thi. Những năm tới liệu có tiếp tục ra đề theo hướng này? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hướng ra đề mở như năm nay sẽ được tiếp tục duy trì trong những năm tới, càng những năm sau đề mở sẽ hay hơn vì giáo viên đã có kinh nghiệm. 
Vậy, với những ý phát triển tốt, có nét riêng của thí sinh trong dạng đề mở có được khuyến khích và chấm thêm điểm? Thứ trưởng Hiển thông tin, cách ra đề mở sẽ có nhiều ý kiến làm bài khác nhau, tuy nhiên thí sinh phải lập luận chặt chẽ, những chuẩn mực về đạo đức sẽ có và không áp đặt. Đáp án mở thì sẽ chấm mở, không có đóng. 
Trước một số thông tin cho rằng, năm nay đề Ngữ văn có một số dấu hiệu “lộ đề” đề trước đó, phóng viên bắt gặp nhiều tài liệu môn Ngữ văn xuất hiện tại các Hội đồng thi. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giải thích, đó là chuyện ngẫu nhiên, bình thường vì học gì thi nấy. Giáo viên càng giỏi, càng luyện nhiều thì việc trùng lặp càng cao. 
Xuân Trung