Chủ tịch TP Hà Nội "gợi ý" phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc

06/06/2013 06:54
Ngọc Quang
(GDVN) - Chiều nay (5/6), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì hội nghị “Tham gia ý kiến phương án thiết kế nút giao thông Ô Chợ Dừa”.

Tại hội nghị này, Sở GTVT cùng với đơn vị tư vấn đã trình bày 5 phương án chính đã thiết kế cho nút giao thông này, và phương án 6 bổ sung quan điểm của một số chuyên gia là quay cầu về hướng đường Nguyễn Lương Bằng.

Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Thế Thảo cho biết, để giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc giao thông tại khu vực này thì xây cầu vượt là cần thiết, góp phần giảm xung đột, giảm thời gian giao thông qua khu vực này, do đó UBND TP đã giao cho BQL Dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện dự án.

Và để giải quyết hài hòa giữa phát triển song song với bảo tồn Đàn Xã Tắc, TP đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các nhà quản lý, các chuyên gia của các hội chuyên ngành về khoa học, kỹ thuật, xã hội… cùng với đơn vị tư vấn, nghiên cứu và đưa ra các phương án:

“Thành phố đã chỉ đạo từ việc lấy ý kiến của các nhà khoa học về bảo tồn đàn Xã Tắc thời gian qua và phải đảm bảo 5 tiêu chí: Thứ nhất, phù hợp với quy hoạch và chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt; Thứ hai, bảo tồn một cách tốt nhất di tích Đàn Xã Tắc; Thứ ba, bảo đảm phát triển giao thông đô thị khu vực; Thứ tư, hạn chế ảnh hưởng đến điều kiện sống của dân cư trong khu vực; Thứ năm, cải thiện không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị”, ông Thảo cho biết.

Chiều nay, UBND TP Hà Nội công bố 6 phương án xử lý nút giao thông Ô Chợ Dừa, trong đó có các phương án bảo tồn Đàn Xã Tắc. Ảnh: Ngọc Quang
Chiều nay, UBND TP Hà Nội công bố 6 phương án xử lý nút giao thông Ô Chợ Dừa, trong đó có các phương án bảo tồn Đàn Xã Tắc. Ảnh: Ngọc Quang

Và kể từ sau lần đầu tiên công bố các phương án vào cuối tháng 3 vừa qua, cho tới hôm nay, chủ đầu tư mới tiếp tục công bố 6 phương án, trong đó đang chú ý là phương án 3 và 4 (thiết kế cây cầu cong về phía Nam) nhằm tránh khu vực bảo tồn.

Phương án 1: Cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 1, chia làm 2 nhánh đi qua đảo giao thông, chiều dài cầu khoảng 750m (bao gồm cả đường dẫn). Đây là phương án được UBND thành phố giao trong nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư. Phương án này phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu về tổ chức giao thông, góp phần cải tạo không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị, không ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực. Tuy nhiên, có một phần cầu ảnh hưởng đến không gian khu vực khoanh vùng di tích.

Phương án 2: Cầu vượt trực thông hướng đường vành đai 1, đi lệch về phía Bắc (phía đường Tôn Đức Thắng), nhưng mép cầu chờm đều lên đảo lưu dấu đàn Xã Tắc 1,5m. Phương án này phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu về tổ chức giao thông, có một phần không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị đẹp. Tuy nhiên, vẫn có ảnh hưởng đến một phần không gian phía trên di tích và khoảng cách với nhà dân quá gần.

Phương án 3:Cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1, đi lệch về phía Nam (phía đường Nguyễn Lương Bằng). Phương án này phù hợp với quy hoạch, cầu đi lệch về phía Nam nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu lưu thông; khoảng cách với nhà dân nằm trong giới hạn tối thiểu. Tuy nhiên, phương án này giải quyết được yêu cầu về ưu tiên bảo tồn di tích đàn Xã Tắc.

Phương án 4: Cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1, đi lệch về phía Nam (phía đường Nguyễn Lương Bằng) có thiết kế bổ sung cầu nhánh đi một chiều từ Khâm Thiên đi qua nút Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên đường Vành đai 1.

Trên cơ sở phương án 3, để giải quyết cơ bản về vấn đề giao thông và không gian kiến trúc ở đây, đơn vị tư vấn đề xuất bổ sung thêm nhánh cầu dẫn từ đường Khâm Thiên đi qua nút Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên đường Vành đai 1 nhằm thu hút lượng xe đi về phía Tây qua nút (là hướng có lưu lượng giao thông lớn nhất sau khi mở rộng đường Vành đai 1).

Phương án 4 kế thừa các ưu điểm của phương án 3, đồng thời khắc phục được hạn chế về giao thông của phương án 3: Không ảnh hưởng đến phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc, cải thiện được không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị. Vấn đề tổ chức giao thông tuy có khó khăn (do cầu cong) nhưng vẫn khắc phục được để ưu tiên giải quyết yêu cầu về bảo tồn di tích.

Phương án 5: Xây dựng hầm chui trực thông theo hướng đường vành đai 1, đi ngầm bên dưới khu vực bảo tồn Đàn Xã Tắc (nghiên cứu trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý). Do chiều sâu khảo cổ khoảng 6m và hệ thống thoát nước dọc đường Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng ở độ sâu lớn hơn hoặc bằng 4m nên độ sâu của hầm lớn hơn 11m (chưa kể móng hầm).

Phương án này phù hợp với quy hoạch, không phá vỡ không gian, cảnh quan hiện trạng nhưng ảnh hưởng đến khu vực không gian bên dưới các hố khai quật dấu tích đàn Xã Tắc; Ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, hào kỹ thuật… Không đảm bảo cao trình tuyến đường do phải đặt đỉnh hầm chui ở cao độ 3,5m, chênh cao lớn so với cao độ quy hoạch nút, chưa giải quyết được vấn đề giao thông tổng thể đối với nút giao là đầu mối của 7 tuyến đường (ngã 7). Ngoài ra, phương án này chỉ có thể thực hiện khi đã xác định được di tích bảo tồn.

Phương án 6: Cầu vượt theo hướng Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng (nghiên cứu trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý). Phương án này là nút giao khác mức. Quá trình triển khai phải mở rộng đường Tôn Đức Thắng và đường Nguyễn Lương Bằng theo chỉ giới được phê duyệt. Việc triển khai sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí do phải giải phóng mặt bằng với khối lượng lớn (dù vậy về lâu dài vẫn phải thực hiện theo chỉ giới đã phê duyệt và công bố).

Để khắc phục hạn chế nêu trên, phương án đề xuất là xây dựng cầu vượt với kết cấu, tải trọng nhẹ (xe buýt có thể lưu thông). Phương án này vẫn là nút giao khác mức theo quy hoạch; không ảnh hưởng đến vùng bảo vệ di tích đàn Xã Tắc;

Mặc dù đây không phải là hướng giao thông chính nhưng sẽ góp phần giảm được xung đột giữa các hướng giao thông ra và vào nút, đồng thời sau khi tuyến Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu được thông xe, phương án này cũng góp phần giảm lưu lượng giao thông cho các nút giao Cánh Linh – Quốc Tử Giám cũng như các khu vực lân cận.

Sau khi nghe ý kiến của các nhà khoa học, trong đó đại đa số đề nghị phát triển sâu hai phương án 3 và 4, vì đã đáp ứng được tiêu chí là tránh khu vực cần bảo tồn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kết luận: “Sẽ tiếp thu nghiên cứu và có sự điều chỉnh cho phù hợp và tiếp tục thông tin tới các nhà khoa học. Sau khi nghe các đơn vị liên quan báo cáo, thành phố nghiêng về phương án số 4.

 Đối với phương án 5 là thực hiện việc làm hầm và phương án 6 nghiên cứu quay cây cầu sang hướng đường Nguyễn Lương Bằng có lẽ sẽ dừng lại chứ không tiếp tục phát triển ra nữa, vì làm như vậy thì không biết đến bao giờ mới giải quyết được vấn đề này”.

Ngọc Quang