NATO thực sự lo ngại tin tặc từ TQ, muốn hợp pháp hóa chiến tranh mạng

06/06/2013 08:34
Đông Bình
(GDVN) - Hiện nay, Mỹ và NATO thực sự lo ngại về tin tặc của các nước như Trung Quốc, Nga..., đáng chú ý NATO có thể sử dụng biện pháp đáp trả bằng vũ lực.
Đội quân tác chiến mạng của Lực lượng Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc
Đội quân tác chiến mạng của Lực lượng Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc

Với việc mở rộng lực lượng tác chiến mạng, phương Tây ngày càng gia tăng chỉ trích Trung Quốc tấn công tin tặc.

Ngày 3 tháng 6, tờ "Thời báo Tài chính" Anh cho rằng, Washington đã phẫn nộ, chỉ có điều chưa xác định phải làm thế nào. Quan chức Mỹ chỉ trích tin tặc Trung Quốc từ năm 2005 đến nay đã ăn cắp bí mật thương mại doanh nghiệp, vài tháng trước thậm chí đã nổ ra "xung đột chính trị". An ninh mạng đã trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu của quan hệ Mỹ-Trung.

Chính quyền Obama, Quốc hội và các cơ quan nghiên cứu Mỹ đang tìm kiếm phương thức trừng phạt tin tặc Trung Quốc và tin tặc ở các khu vực khác. Washington đang cân nhắc áp dụng trừng phạt thương mại đơn phương hoặc các biện pháp trừng phạt khác đối với các tổ chức và cá nhân của Trung Quốc.

Thông tấn xã Canada cho biết, ngày 3 tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Mackay đã gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề tấn công mạng, muốn Trung Quốc hành động có quy tắc và khuôn khổ về internet.

Đối với vấn đề này, Tần An, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược không gian mạng Trung Quốc lại lập luận cho rằng, một số nước đã "có ý đồ" khi chỉ trích Trung Quốc về tấn công mạng nhiều như vậy, trong khi đó Trung Quốc thiếu chiến lược không gian mạng và không công khai thành lập lực lượng quốc phòng mạng.

Tần An tố cáo lại rằng, trên thực tế, các số liệu của Trung tâm ứng phó khẩn cấp internet Trung Quốc cho thấy, tình hình Trung Quốc bị các nước tấn công mạng ngày càng nghiêm trọng. Hai tháng vừa qua, 2.194 máy chủ của Mỹ đã khống chế 128,7 máy chính của Trung Quốc. Mỹ đứng đầu về số lượng máy chủ điều khiển và xếp hạng chúng. Sự chỉ trích của phương Tây về hoạt động tấn công mạng của Trung Quốc không có căn cứ chắc chắn.

Quân đội Mỹ rất coi trọng tấn công mạng
Quân đội Mỹ rất coi trọng tấn công mạng

Tần An nói rằng, một bảng xếp hạng năng lực phòng thủ mạng của trang mạng thông tin khoa học công nghệ Mỹ cho biết, Trung Quốc được cho là kẻ xâm lược không gian mạng, nhưng năng lực phòng thủ mạng của họ hoàn toàn không cao, chỉ đứng hạng thấp trong 23 quốc gia. Nguyên nhân chính là Trung Quốc thiếu chiến lược an ninh mạng thống nhất.

Báo TQ cho hay, ngày 31 tháng 5, hãng RIA Novosti đăng bài viết "NATO muốn hợp pháp hóa chiến tranh mạng" cho rằng, Trung tâm phòng thủ mạng NATO nằm ở Estonia, sắp tới công bố một cuốn "Sổ tay luật quốc tế áp dụng cho tác chiến mạng", cho rằng NATO có thể tiến hành đáp trả vũ lực khi bị thiệt hại “hữu hình” bởi các cuộc tấn công mạng.

Điều này làm cho Nga cảm thấy lo ngại, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga đã mời các chuyên gia tổ chức hội nghị bàn tròn để thảo luận vấn đề này. Đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết, mục đích tài liệu này của NATO là hợp pháp hóa tác chiến mạng.

Ngày 4 tháng 6, đài truyền hình 24 giờ Pháp cho rằng, trong bối cảnh tấn công mạng trầm trọng hơn, rất nhiều người chỉ trích Trung Quốc phát động tấn công, Bộ trưởng quốc phòng của 28 quốc gia thành viên NATO tổ chức hội nghị vào thứ Ba, chủ đề chính là vấn đề an ninh mạng.

Một quan chức cấp cao NATO giấu tên cho biết: "Thách thức an ninh mạng xảy ra bất cứ lúc nào, tốc độ thay đổi có lẽ vượt bất cứ mối đe dọa nào khác hiện nay của chúng tôi. Chúng tôi phải bảo đảm việc ứng phó của NATO có thể theo kịp sự thay đổi, phát triển của mối đe dọa".

Hãng AFP cho biết, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Hagel lần đầu tiên tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO, ông sẽ lấy an ninh mạng làm vấn đề ưu tiên thảo luận của NATO. Cuối tuần trước, tại Đối thoại Shangri-La, ông Hagel đã lên án Trung Quốc tiến hành các hoạt động gián điệp mạng nhằm vào Mỹ.

Mạng máy tính nhân lên gấp bội sức mạnh chiến đấu cho quân đội.
Mạng máy tính nhân lên gấp bội sức mạnh chiến đấu cho quân đội.

Theo hãng Reuters, "các Bộ trưởng Quốc phòng NATO lần đầu tiên đánh giá phòng thủ mạng, cho thấy cùng với việc phương Tây ngày càng lo ngại bí mật hạ tầng cơ sở và quân sự bị tin tặc ăn cắp, an ninh mạng đã được đưa lên thành một trong những vấn đề quan trọng nhất của NATO hiện nay".

Reuters nhấn mạnh: Lầu Năm Góc Mỹ lên án Trung Quốc thông qua thủ đoạn gián điệp mạng thúc đẩy hiện đại hóa quân đội, nhưng Bắc Kinh đã phủ nhận sự chỉ trích này.

Gần đây, tờ "Bưu điện Washington" lên án tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp thông tin thiết kế của 20-30 hệ thống vũ khí quan trọng của Mỹ. Theo bài báo, tấn công mạng có thể phá hoại các công trình hạ tầng cơ sở quan trọng và thông tin quân sự; trong các cuộc tấn công quân sự truyền thống, làm cho một quốc gia trở nên yếu ớt hơn.

Theo tờ "Le Figaro" Pháp, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO, "tấn công mạng quy mô lớn" đến từ Nga, đặc biệt là từ Trung Quốc sẽ trở thành chủ đề thảo luận trọng điểm.

Ngày 2 tháng 6, tờ "Nhật báo phố Wall" Mỹ cho biết: "Ngày 23 tháng 4, chỉ số Dow Jones Mỹ giảm 150 điểm trong 7 phút, lý do là tài khoản Twitter của hãng AP phát đi thông tin Nhà Trắng xảy ra nổ.

Thông tin này nhanh chóng bị xác nhận là tin giả, là hành vi của tổ chức tin tặc tự xưng là "đội quân điện tử Syria". Chỉ số Dow Jones được khôi phục. Nhưng, bài học của sự việc này rất rõ ràng, một thông tin Twitter có thể gây ra cơn sóng gió kinh tế lớn".

Theo bài báo, thời đại đã có sự thay đổi thực sự to lớn, trong thời kỳ bức tường Berlin, đối đầu giữa hai bên biên giới là xe tăng và ý thức hệ; trong thời đại bức tường lửa, biên giới là cởi mở, quan niệm được tự do truyền tải, chiến tranh bị “ảo hóa”, nhưng kết quả lại có tính phá hoại thực sự.

Con chuột và bàn phím cùng hệ thống mạng máy tính - vũ khí lợi hại của thời đại thông tin
Con chuột và bàn phím cùng hệ thống mạng máy tính - vũ khí lợi hại của thời đại thông tin

Tổ chức European Police Office (viết tắt là Europol) dự đoán, mỗi năm các doanh nghiệp bị thiệt hại lên tới 1.000 tỷ USD do hoạt động tội phạm mạng. Tấn công mạng là thủ đoạn “rẻ” được các phần tử khủng bố, các nhà hoạt động và đặc công dùng để tấn công phá hoại trên phạm vi lớn. Đối mặt với mối đe dọa này, nhiệm vụ chính của NATO là bảo vệ mạng nội bộ của mình.

Trên thực tế, những năm gần đây, các nỗ lực tăng cường phòng thủ mạng của NATO chưa từng dừng lại. Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, trong thời gian NATO không kích Nam Tư, tin tặc dân tộc Serb từng phát động tấn công, gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với NATO, sau đó sự coi trọng đối với mối đe dọa an ninh mạng của NATO ngày càng tăng cường. Năm 2008, NATO thành lập Trung tâm phòng thủ mạng ở thủ đô Talinn của Estonia.

Theo hãng Reuters, năm 2011 NATO phê chuẩn chính sách phòng thủ mạng bản sửa đổi và kế hoạch hành động tăng cường phòng thủ. NATO còn đưa phòng thủ mạng vào tiến trình quy hoạch bình thường, làm cho phòng thủ mạng đạt được sự coi trọng như các lực lượng quân sự khác, chẳng hạn máy bay chiến đấu.

Từ năm 2013 trở đi, tất cả các quốc gia NATO đều sẽ đưa ra chính sách quốc gia phòng thủ mạng, xây dựng cơ quan chủ quản quốc gia phòng thủ mạng, đồng thời hình thành năng lực ứng phó kịp thời đối với các cuộc tấn công mạng. Trọng điểm của NATO là bảo vệ hệ thống thông tin của mình, chứ sẽ không phát triển thực lực tấn công.

Tờ "Global Post" Mỹ tiết lộ một vở kịch như sau: "Sau khi bị quân nổi dậy tấn công, quốc đảo Boolea ở châu Phi lại bùng phát dịch tả nghiêm trọng. Nhà cầm quyền địa phương nhanh chóng bị đánh bại. Dưới sự trợ giúp của Liên quân quốc tế và Tổ chức cứu trợ quốc tế, quốc gia này mới không sụp đổ. Nhưng cuộc tấn công chí tử lại kéo đến: Mạng máy tính của Liên quân quốc tế và Tổ chức cứu trợ quốc tế bị tấn công, năng lực phản ứng suy yếu rất lớn. Liên quân quốc tế phái đến 10 thành viên lực lượng phòng thủ mạng, ra lệnh cho họ đánh lui các cuộc tấn công mạng trong 2 ngày. Trong khủng hoảng, tại doanh trại Quân đội Nga ở bờ biển Baltic, một người đàn ông phát động tấn công mạng đã rời khỏi phòng điều khiển, gặp thoáng qua quan chức ngoại giao và sĩ quan phương Tây đến thăm...".

Vở kịch này thực chất là một kịch bản diễn tập vào tháng 4 năm nay của Trung tâm phòng thủ mạng NATO, cuộc diễn tập  này nhằm kiểm tra năng lực phản ứng của lực lượng mạng NATO.

Tấn công tin tặc - chiến tranh không khói súng
Tấn công tin tặc - chiến tranh không khói súng
Đông Bình