Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Đừng để xảy ra hội chứng cầu vượt"

06/06/2013 07:56
Ngọc Quang
(GDVN) - “Chúng tôi cũng muốn nhân dịp này để nói với lãnh đạo thành phố rằng, chúng ta tự hào là thành phố nghìn năm, nhưng hình như trong tư duy của mình thì cái nghìn năm là thứ yếu, còn cái nhu cầu phát triển ngày hôm nay nó lấn át phần nào”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, rất mừng vì câu chuyện “tắc Xã Đàn” tưởng không có lối thoát thì cuối cùng thành phố cũng đã tổ chức gặp các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để lắng nghe ý kiến, tạo sự đồng thuận.

“Tôi đặt ra một câu hỏi là: Nếu như thành phố làm được việc này sớm hơn, thậm chí quy mô của hội nghị không cần lớn như thế này thì có lẽ câu chuyện ở nút giao thông Ô Chợ Dừa đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Và như vậy cũng khiến cho nhiều người hiểu lầm là cứ cái gì không muốn làm thì mới mang ra bàn.

Chúng ta đã thấy rằng ở đây đã tìm được sự đồng thuận rất cao là tìm phương án hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Con đường ấy chúng tôi hàng ngày đi qua, rất hiểu bức xúc của người dân và rất muốn được chia sẻ. Tuy nhiên, vấn đề là qua việc này thì rất mong Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa khi huy động trí lực của các nhà khoa học, các chuyên gia cho các việc tương tự”, ông Quốc nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, dường như sự phát triển đang lấn át phần nào nền văn hiến nghìn năm của Thủ đô. Ảnh: Ngọc Quang
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, dường như sự phát triển đang lấn át phần nào nền văn hiến nghìn năm của Thủ đô. Ảnh: Ngọc Quang

Lấy dẫn chứng, Nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ ra việc đến bây giờ Hội Di sản Văn hóa Việt Nam mới nhận được tài liệu (GS Lưu Trần Tiêu cho biết mới nhận được vào tối 4/6, tức là trước nửa ngày diễn ra hội nghị).

“Tại sao không mời Hội Di sản vào cuộc ngay từ đầu? Rồi Hà Nội cũng có Hội sử học, tại sao không mời từ đầu? Rồi Viện Khảo cổ học cũng cần được mời tham gia ngay từ đầu… Tôi tin chắc rằng nếu tổ chức được để các tổ chức này tham gia thì sẽ sớm có giải pháp, tránh đi sự xung đột về quan điểm bảo tồn – phát triển như thời gian qua”, ông Quốc đặt vấn đề.

Theo ông Dương Trung Quốc, Hà Nội cần phải rút kinh nghiệm, thay đổi quan niệm về mối liên hệ giữa chính quyền và các tổ chức có chức năng phản biện, các tổ chức mà về mặt lý thuyết thì chính quyền luôn nói là quan trọng, nhưng hình như e ngại nhiều hơn là tin cậy.

Ngay cả việc phía Cục Di sản (Bộ Văn hóa) là cơ quan quản lý Nhà nước là đơn vị thỏa thuận đồng ý để phía thành phố thực hiện dự án thì tại sao không tranh thủ ngay ý kiến của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và Hội đồng Di sản của Chính phủ? Nếu tranh thủ sớm các ý kiến của nhiều nhà chuyên môn ngay từ đầu thì chắc rằng sẽ sớm tìm được sự đồng thuận.

Chủ tịch TP Hà Nội gợi ý phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc

Chủ tịch TP Hà Nội "gợi ý" phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc

Nói Hà Nội chưa tìm ra đàn Xã Tắc là không hiểu biết gì

"Nói Hà Nội chưa tìm ra đàn Xã Tắc là không hiểu biết gì"

“Tôi nghĩ rằng mỗi một lĩnh vực khác nhau thì đều có những lợi ích khác nhau, một bên là đòi hỏi bảo tồn, một bên là muốn phát triển giao thông, cho nên cần có sự hài hòa.

Tôi là người được GS Phan Huy Lê giao chắp búp làm văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi lấy câu chuyện cách đây 6 năm về việc giải quyết đàn Xã Tắc này cho khảo cổ học, bảo tồn mang tính chất tình huồng vì không thể mở rộng ra được, và vẫn khai thông con đường.

Chính vì thế chúng ta phải xem lại những bài học tốt, và đặt câu hỏi là tại sao lại để xảy ra sự xung đột quan điểm như thời gian vừa qua? Rõ ràng ở đây chưa có sự phối hợp tốt, phối hợp chưa chủ động”, ông Quốc bày tỏ.

Bên canh việc đánh giá cao những nỗ lực của thành phố trong việc tìm ra những giải pháp căn bản, vấn đề còn lại là tìm phương án tốt nhất mà trên cơ sở đặt ra là phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, Nhà sử học Dương Trung Quốc đề nghị với Chủ tịch TP Hà Nội sớm có quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn TP, làm cơ sở tránh những việc đáng tiếc có thể xảy ra và đồng thời sớm thỏa thuận tìm được sự đồng thuận.

“Chúng tôi cũng muốn nhân dịp này để nói với lãnh đạo thành phố rằng, chúng ta tự hào là thành phố nghìn năm, nhưng mà hình như trong tư duy của mình thì cái nghìn năm là thứ yếu, còn cái nhu cầu phát triển ngày hôm nay nó lấn át phần nào.

Cho nên chúng tôi kiến nghị với thành phố sớm có quy hoạch về khảo cổ học, mà điều này thì không thể trách các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu không làm, bởi vì đây là chủ trương của nhà nước giao cho chính quyền địa phương phải làm trước”, ông Quốc nói.

Nói về 6 giải pháp làm cầu vượt tại nút giao Ô Chợ Dừa, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, phương án số 5 đưa ra với dự tính lên tới hơn 1.500 tỷ đồng là con số rất lớn, vậy thì cần phải so sánh với phương án số 6 là đưa cây cầu quay sang hướng đường Nguyễn Lương Bằng, vừa giải phóng được ách tắc mà vừa không ảnh hưởng tới di tích.

Còn với phương án 3 và 4, dù cây cầu có bị cong một chút thì đó cũng chính là thái độ của Hà Nội ứng xử với di tích.

Tuy nhiên, ông Quốc cũng đặt ra một vấn đề mang tính tổng thể: “Qua so sánh giao thông với nhiều nước, tôi thấy rằng cầu vượt là giải pháp có tính chất tình huống, chỉ giải quyết được vấn đề ở một giai đoạn nào đó, sau đó phải có quy hoạch tốt, điều hòa tốt thì cầu vượt dần dần không còn nữa. Nhưng nếu chúng ta chỉ coi cầu vượt là cứu cánh duy nhất thì tôi nghĩ rằng rất có thể sẽ nảy sinh “hội chứng cầu vượt” vì ngã tư này thông thì ngã tư sau vẫn tắc và lại phải có cầu vượt.

Làm như thế thì không căn cơ, cho nên tôi rất muốn Hà Nội quan tâm hơn về quy hoạch tổng thể về xây dựng, về giao thông, dành nhiều đất hơn nữa cho giao thông, bớt đi những công trình cao tầng trong phần lõi của thành phố. Thậm chí có người đã nói rằng, may mà thị trường BĐS bị đóng băng chứ nếu không thì còn tắc nữa. Vì thế, chúng tôi rất muốn nhân dịp này xin nêu một loạt các vấn đề để thành phố quan tâm”.

Ngọc Quang