“Ba mình đang công tác tại đảo Song Tử Tây”

06/06/2013 14:34
PV
(GDVN) -Câu nói mộc mạc nhưng chất chứa niềm tự hào lớn lao trên là chia sẻ của cô con gái có bố là bộ đội Trường Sa, trong chương trình “Biển đảo của chúng ta” trên Zalo.
Lời nhắn đó chỉ là một trong hàng vạn thông điệp gửi về biển đảo thân yêu của của những người con, người vợ, người em, người lính… 

“Ba mình đang công tác tại đảo Song Tử Tây”

“Ba mình đang công tác tại đảo Song Tử Tây”, đó là một tin nhắn tràn đầy vẻ tự hào của một bạn nữ tên Nguyễn Hồng Minh, sinh năm 1992, có nick name trên Zalo là Mjnh mũm mĩm. Nguyễn Hồng Minh cho biết cha cô đang công tác tại đảo Song Tử Tây đã được 2 năm. Trước đó cha còn công tác tại đảo Sinh Tồn 3 năm, sau đó về đất liền 3 năm.
Ngày còn nhỏ, Hồng Minh hay viết thư thăm hỏi bố và các anh bộ đội. Cô còn có nhiều bài thơ về người lính hải quân. Trong niềm tự hào vô biên về người cha - người lính biển đảo, cô đã có những nhắn gửi trên Zalo rất ngắn gọn như chất chứa cả sự tin yêu: “Ba mình đang công tác tại đảo Song Tử Tây”. Hồng Minh hiện là hướng dẫn viên du lịch ở Quảng Ninh và thường xuyên sử dụng Zalo để gởi lời yêu thương đến người cha của mình nơi biển đảo
.
Cùng một niềm tự hào như Hồng Minh, bạn Hồ Thế Hải, sinh viên năm 1, khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Huế chia sẻ với các thành viên trên Zalo: “Tôi rất tự hào vì bố tôi là người lính biển đảo, những người thầm lặng bảo vệ sự bình yên cho chúng ta”. Thế Hải cho biết, bố tên Hồ Thế Công, công tác tại Nhà giàn DK1. Bố bạn là bộ đội Trường Sa được 20 năm, khoảng thời gian còn dài hơn số tuổi của bạn vì năm nay Thế Hải chỉ mới vừa tròn 19 tuổi.

“Anh họ của tôi là anh hùng Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng - người đã hi sinh để giữ lấy biển đảo”

“Đỏ ngầu. Nước sặc vào mũi cay xè, nhưng tôi vui lắm. Lần đầu với biển của tôi là thế”, Vũ Hoàng, nhân viên kinh doanh tại TP.HCM bắt đầu câu chuyện bằng cảm xúc lần đầu tiên khi được đến với biển. 
“Khi tôi học lớp 6 cũng là lúc anh trai tôi lên đường nhập ngũ. Anh đi đóng quân ở hải quân Cam Ranh Khánh Hòa. Tôi vẫn nhớ và gìn giữ những con ốc biển anh gửi cho tôi. Thi thoảng được nghe anh kể về chiến công giữ đảo trước quân thù của các chiến sĩ. Có người hy sinh trên biển, có người bị thương. Có những chiếc tàu dũng mãnh lao lên đảo để giữ lấy đảo. Tôi cũng được bố kể cho tôi nghe về người anh họ của tôi - anh hùng Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng, người đã hi sinh để giữ lấy biển đảo cho tổ quốc trong trận chiến đảo Gạc Ma tháng 3-1988. Khi đó, có lẽ do còn nhỏ tuổi nên tôi chưa hiểu lắm và cũng không biết nói gì...”

“Cho dù gian khó em cũng sẽ cố gắng vượt qua để chồng luôn vững tâm công tác”.

Làm nao lòng cộng đồng mạng là một nhắn gửi yêu thương hết sức giản dị của một người vợ có chồng đang công tác tại Trường Sa. Chị Nguyễn Thị Hữu Thịnh đã chia sẻ: “Cho dù gian khó em cũng sẽ cố gắng vượt qua để chồng luôn vững tâm công tác. Vợ đã hi sinh tuổi trẻ để cùng chồng đi hết cuộc đời này. Yêu chồng và chúc đồng đội của chồng thành đạt và nhiều hạnh phúc.

Vợ yêu chồng rất nhiều...”. Hơn ai hết, những người vợ là những người tưởng chừng như luôn cần sự chở che của người đàn ông lại vô cùng mạnh mẽ để người chồng của mình yên tâm làm nhiêm vụ vì quê hương đất nước. 

 “Bộ đội hải quân mà không được ra Trường Sa thì không phải là hải quân”

Không chỉ có người thân gởi tin nhắn yêu thương đến lính đảo, mà những người đã từng trực tiếp công tác và chiến đấu tại Trường Sa cũng tham gia nhắn gởi và chia sẻ về biển đảo quê hương. Đó chính là anh Nguyễn Huy Tuấn, hiện công tác tại Bộ Tư lệnh thủ đô, đi bộ đội từ 1999, công tác tại Trường Sa 9 năm và vài lần sau đó trở lại Trường Sa.
Anh đã chia sẻ câu chuyện của mình với nhiều rung cảm: “Tôi nguyên là bộ đội hải quân. Tôi có 9 năm công tác ngoài Trường Sa. Bây giờ khi không còn là bộ đội hải quân nhưng Trường Sa luôn trong trái tim tôi cũng như mỗi người dân Việt Nam. Những kỷ niệm về Trường Sa không bao giờ phai.

Năm 1999, tôi mang trên mình bộ quân phục sĩ quan, rồi được điều về quân chủng hải quân. Tôi được biên chế về lữ đoàn 147 công tác 5 năm, đến tháng 10-2004 tôi được điều vào lữ đoàn 146 để ra đảo. Trong suy nghĩ của chúng tôi lúc đó, bộ đội hải quân mà không được ra Trường Sa thì không phải là hải quân. Khi bước chân từ tàu lên đến đảo, lúc đó tôi mới tin là mình đã được đặt chân đến Trường Sa...”
Trên đây chỉ là một vài tin nhắn được góp nhặt từ hàng chục ngàn tin nhắn gởi đến biển đảo từ chương trình. Dù ngắn gọn, giản dị nhưng chứa đựng nhiều câu chuyện khiến cho cộng đồng mạng xúc động. Những câu chuyện tưởng chừng như vô cùng riêng tư, nhỏ nhặt của mỗi con người lại trở nên to lớn, đồng điệu với hàng triệu trái tim đang hướng về nơi nghìn trùng sóng vỗ ấy.

Tưởng chừng như thời đại thông tin bùng nổ, khoa học kĩ thuật tiên tiến chỉ làm cho con người thô cứng cảm xúc, nhưng không, sức mạnh của công nghệ đã “nối kết” nhiều trái tim và nhiều miền không gian tưởng chừng như không thể.
Những tin nhắn gởi đến biển đảo liên tục được cập nhật tại trang web:
 http://zaloapp.com/biendong/thongdiep
PV