ĐB Bùi Thị An nói: “Không phải cán bộ cứ đi xe sang là có tầm đâu"

07/06/2013 08:58
Nguyễn Tuấn- Hà Nhân/ Tiền Phong
Chiều 6/6, thảo luận tại tổ về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), ĐB Bùi Thị An nói: “Không phải đi xe sang là có tầm đâu, nhiều đồng chí cán bộ cao cấp giản dị, nhưng cũng có một số người còn nặng về hình thức”.

Vinashin, Vinalines là điển hình

ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) nhấn mạnh, việc sửa luật phải giải quyết những bất cập trong lĩnh vực tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, dự luật chưa khắc phục được điều này. “Luật hiện hành đi vào cuộc sống không nhiều, việc sử dụng nguồn lực của các đơn vị thuộc Nhà nước như: Vinashin, Vinalines- là điển hình trong lãng phí” - ĐB Dung nói.

Xe công đi lễ hội, xe công đi rước dâu. Ảnh: Hồng Vĩnh
Xe công đi lễ hội, xe công đi rước dâu. Ảnh: Hồng Vĩnh

Bà Dung cho rằng, không nên hô hào, mà phải có chế tài đủ mạnh. Chỉ nên quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cơ quan có liên quan trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”- Bà Dung đề xuất.

Đồng tình với ý kiến trên, theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), tình trạng lãng phí vẫn rất lớn, nhất là trong sử dụng tài sản nhà nước, chi tiêu công, mua sắm ô tô, sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất nước không hiệu quả, gây lãng phí rất nghiêm trọng.

Lãng phí là tội nghiêm trọng

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) lưu ý, lãng phí trong các lễ động thổ, khởi công, khánh thành rất lớn. Biểu hiện rõ nhất là mời nhiều đại biểu, tổ chức hoành tráng và luôn có quà tặng. “Tiền ở đâu ra nếu không là ngân sách, tiền thuế của nhân dân. Nếu thấy cần thiết thì phải có quy định rõ để tránh lãng phí. Trong luật không nên giao Chính phủ quy định”- Bà Tâm nói.

Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM), phải quy trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư gây lãng phí. Có tình trạng vẽ dự án ra để có đầu tư, rồi quyết toán xong là xong, nhưng hiệu quả ra sao thì không quan tâm. Có công trình cả ngàn tỷ đồng bỏ hoang, hậu quả rất nghiêm trọng.

“Làm ra một đồng phá mười đồng, thậm chí chưa làm được gì đã phá thì kinh khủng quá. Do vậy sửa luật là tối cần thiết vì luật này liên quan đến chống tham nhũng”- ĐB Đỗ Văn Đương nhìn nhận và cho rằng cần coi lãng phí là một tội nghiêm trọng.

Cũng theo ông Đương, phải minh bạch trong sử dụng vốn ngân sách mới xóa bỏ được tham nhũng và lãng phí. Cần tạo điều kiện cho dân chống lãng phí chứ nếu chỉ “đóng cửa” thì dân chẳng biết đâu mà chống. Đặc biệt, phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. “Sếp mà lấy xe công đưa vợ về quê, đi chùa thì phải kỷ luật đầu tiên, nếu nghiêm trọng thì phải truy cứu hình sự” - Ông Đương nói.

Không phải đi xe sang là có tầm

Bức xúc về tình trạng lãng phí, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhận định, đất nước còn nghèo nhưng tình trạng lãng phí lại rất phổ biến. Dân nghèo nhưng tổ chức cưới phải hoành tráng, rồi còng lưng đi làm trả nợ. Cán bộ thay đổi chức vụ là đổi xe mới.

Theo ĐB Đỗ Văn Đương, phải quy trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư gây lãng phí. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Theo ĐB Đỗ Văn Đương, phải quy trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư gây lãng phí. Ảnh: Hồng Vĩnh.

“Không phải đi xe sang là có tầm đâu, nhiều đồng chí cán bộ cao cấp giản dị, nhưng cũng có một số người còn nặng về hình thức. Đề nghị tăng giám sát, công khai chế độ trong phạm vi nào đó để mọi người giám sát”- ĐB An nói.

Cho rằng lãng phí, quan liêu, tham ô đi liền với nhau, ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) lưu ý, trong xây dựng cơ bản, phân bổ dự toán cần được giám sát chặt hơn. Bên cạnh đó phải chống lãng phí khi đầu tư dàn trải, ví như có cây cầu xây bao nhiêu năm mà không đưa vào sử dụng, quy hoạch treo cũng là lãng phí. “Người đứng đầu phải giải trình trước cơ quan chức năng, thậm chí phải giải trình công luận, báo chí”- Ông Bình kiến nghị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn hiện nay. Vấn đề cấp bách, bức xúc đến mức tâm trạng xã hội rất bất bình.

“Khó nói tham nhũng hay lãng phí gây thất thoát cho đất nước nhiều hơn. Nhưng tham nhũng thì kín đáo, tinh vi, lợi ích của các bên gần như đồng nhất nhau nên tìm ra người, ra việc khó khăn. Nhưng lãng phí thì không khó phát hiện so với tham nhũng. Chúng ta có thể nhận diện, nhìn ra tương đối dễ dàng, từ lãng phí đất đai, xây dựng, họp hành, lễ hội… Người có chức năng phòng chống hay người dân bình thường đều có thể nhận thấy lãng phí”- Ông Nghị nói.

Tuy nhiên, tại sao chúng ta nói nhiều mà hiệu quả không cao? Đó là quy định ràng buộc trách nhiệm, chế tài rất thiếu. “Ở các nước những quy định này rất chặt chẽ, vượt qua quy định nhiều khi phải bỏ tiền túi ra bù vào. Hội nghị hầu như không có quà cáp, phong bao.

Từ khi tôi là Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, tôi đã bỏ được thông lệ cứ mít tinh, kỷ niệm là tặng quà. Về văn hóa như vậy cũng không sang trọng, lịch sự, thậm chí người nhận về đôi khi cũng không dùng quà đó. Nhưng những việc đó thực hiện chưa được bao nhiêu và chưa thành quy chế. Tôi thấy có việc đã bỏ được như hội nghị là gắn hoa lên ngực đại biểu.

Tôi học tập bác Đỗ Mười là ngành Văn hóa khi tổ chức hội nghị không được gắn hoa lên ngực đại biểu. Mỗi hội nghị hàng nghìn người, mỗi bông hoa vài nghìn mà chẳng để làm gì, gây ô nhiễm môi trường. Những việc cụ thể như vậy nếu ai cũng có ý thức tiết kiệm thì ta làm được biết bao nhiêu việc có ích cho xã hội, chưa cần nói đến tiết kiệm xăng, xe...”- Ông Nghị nói tiếp.

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo

Sáng 6/6, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai. Nhiều ĐB đồng tình phương châm 4 tại chỗ, bởi đây là phương châm đã được áp dụng từ nhiều năm nay mang lại hiệu quả thiết thực, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các ĐB nhấn mạnh, việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai mang tính bắt buộc là cần thiết, nhưng cần quy định rõ nguyên tắc hoạt động của Quỹ, mức đóng góp cũng như cần công khai hoạt động.- H. Phúc

Nguyễn Tuấn- Hà Nhân/ Tiền Phong