Nga muốn vượt qua giới hạn để điều quân tới cao nguyên Golan

11/06/2013 08:02
Đông Bình
(GDVN) - Điều này cho thấy chiến lược "quay trở lại Trung Đông" của Nga đang được thúc đẩy tích cực, Nga muốn khôi phục sự huy hoàng trước dây ở Trung Đông.
Cao nguyên Golan
Cao nguyên Golan

Ngày 9 tháng 6 tờ "Yediot Aharonot" Israel cho biết, Thủ tướng Israel Netanyahu cùng ngày nhấn mạnh: "Sự tan rã của lực lượng gìn giữ hòa bình trên cao nguyên Golan đã chứng minh đầy đủ rằng, Israel không thể đặt cược an ninh của mình vào lực lượng gìn giữ hòa bình".

Theo  bài báo, ông Netanyahu cũng thông báo quan điểm này với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một học giả Ai Cập giấu tên trả lời phỏng vấn phóng viên cho rằng, tình hình của cao nguyên Golan đang trở nên căng thẳng, nó phần nào phản ánh được sự phức tạp, bất ổn của tình hình Trung Đông hiện nay, đồng thời phạm vi tác động của nó đang không ngừng mở rộng.

Nói một cách nghiêm túc, cách nói "lực lượng gìn giữ hòa bình trên cao nguyên Golan tan rã" của ông Netanyahu có phần thổi phồng, bởi vì lực lượng gìn giữ hòa bình ở đó hoàn toàn không giải tán. Nhưng, quân số giảm xuống và năng lực suy yếu lại là một sự thực không thể tranh cãi.

Cao nguyên Golan nằm ở cánh đông của khu vực lòng chảo Jordan, địa thế cao mà hiểm yếu. Trong chiến tranh Trung Đông lần thứ ba, Israel đã chiếm mảnh đất này của Syria làm của riêng và chiếm đóng cho đến nay.

Thỏa thuận đình chiến ký kết giữa Syria-Israel năm 1974 quy định, khu vực cách ly cao nguyên Golan sẽ triển khai nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, phụ trách duy trì ngừng bắn giữa hai nước ở cao nguyên Golan, giám sát hoạt động tiếp xúc của quân đội hai bên và tình hình của khu vực kiểm soát vũ khí.

Thỏa thuận quy định, nhân viên gìn giữ hòa bình do Tổng thư ký Liên hợp quốc và các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an tham vấn xong rồi chọn ra. Hiện nay, lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây có khoảng 1200 quân và nhân viên dân sự đến từ các nước như Áo, Philippines, Ấn Độ.

Từ khi cuộc khủng hoảng Syria bùng phát cho đến nay, cao nguyên Golan đã xảy ra nhiều sự kiện nhân viên gìn giữ hòa bình bị bắt cóc. Ngày 6 tháng 6 vừa qua, Áo tuyên bố rút khỏi hoạt động gìn giữ hòa bình ở cao nguyên Golan.

Ngày 7 tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Nga chuẩn bị thay thế Áo điều nhân viên gìn giữ hòa bình tới cao nguyên Golan. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng gọi điện cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đưa ra kiến nghị đưa nhân viên gìn giữ hòa bình của Nga tới khu vực cách ly quân sự Syria-Israel ở cao nguyên Golan.

Ngoài Áo, Philippines cũng sẽ đánh giá khả năng rút toàn bộ 340 binh sĩ gìn giữ hòa bình ở cao nguyên Golan
Ngoài Áo, Philippines cũng sẽ đánh giá khả năng rút toàn bộ 340 binh sĩ gìn giữ hòa bình ở cao nguyên Golan

Do Nga là nước thường trực của Hội đồng Bảo an, căn cứ vào thỏa thuận, nhân viên gìn giữ hòa bình cao nguyên Golan không thể do nước thường trực đảm nhiệm.

Nhưng, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov ngày 8 cho rằng, khi giải quyết vấn đề Nga điều nhân viên gìn giữ hòa bình tới cao nguyên Golan, không thể sử dụng thỏa thuận được thông qua cách đây 40 năm để làm căn cứ, nhấn mạnh "để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ hòa bình và ổn định, cần phải có một tư duy chính trị khác".

Sadik, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu tương lai Ai Cập, chuyên gia vấn đề Trung Đông trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, Nga muốn vượt qua sự ràng buộc theo quy định của thỏa thuận, điều quân thay thế Áo chốt giữ ở cao nguyên Golan, cho thấy chiến lược "quay trở lại Trung Đông" của Nga đang được thúc đẩy tích cực.

Trung Đông có lợi ích to lớn đối với Nga, hiện nay đang là lúc Nga áp dụng các hành động khôi phục sự huy hoàng trước đây ở Trung Đông, điều này đương nhiên gây ra sự cảnh giác và bất mãn cho Mỹ.

Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế, Duma quốc gia Nga ngày 8 tháng 6 nhấn mạnh: "Nga điều nhân viên gìn giữ hòa bình tới cao nguyên Golan có ý nghĩa chiến lược đối với Nga. Nếu nhân viên gìn giữ hòa bình của chúng tôi xuất hiện ở cao nguyên Golan thì sẽ có nghĩa là Nga quay trở lại Trung Đông với tư cách là nước lớn và về cấp độ chiến lược".

Có chuyên gia Nga tiết lộ, Nga điều nhân viên gìn giữ hòa bình tới cao nguyên Golan có lợi cho việc thúc đẩy giải quyết xung đột của khu vực, hơn nữa, nhân viên gìn giữ hòa bình có thể đến từ đơn vị nhảy dù Nga.

Binh sĩ đặc nhiệm Nga huấn luyện dã ngoại. Nga muốn tham gia gìn giữ hòa bình ở cao nguyên Golan, bàn cờ Trung Đông thời gian tới sẽ có nhiều diễn biến mới?
Binh sĩ đặc nhiệm Nga huấn luyện dã ngoại. Nga muốn tham gia gìn giữ hòa bình ở cao nguyên Golan, bàn cờ Trung Đông thời gian tới sẽ có nhiều diễn biến mới?
Đông Bình