Vinatex đang lỗ hay lãi?

12/06/2013 13:24
T.Phạm (tổng hợp)
(GDVN) - Vinatex đặt mục tiêu đạt doanh thu nội địa của toàn tập đoàn lên trên 43.200 tỷ đồng vào năm 2015. Trong đó, riêng doanh thu của Vinatex Mart với trên 200 siêu thị quy mô lớn chuyên phân phối hàng dệt may tại thị trường nội địa phải đạt ít nhất 6.800 tỷ đồng.
Ngành kinh doanh chính của Vinatex là sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm dệt may thời trang. Đồng thời, Tập đoàn còn được kinh doanh một số lĩnh vực có liên quan như: sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, thiết bị, phụ tùng, hóa chất, thuốc nhuộm, thiết bị phụ tùng ngành dệt may thời trang,…

Vinatex tự đánh giá là doanh nghiệp có số vốn nhà nước nhỏ nhất trong các tập đoàn kinh tế nhà nước nhưng hoạt động kinh doanh hiệu quả. Vinatex cho hay doanh thu 2011 của doanh nghiệp này lên đến 35.103 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần vốn chủ sở hữu. 

Theo VnEconomy cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.854 tỷ đồng, tăng 19% so với 2010. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu toàn tập đoàn đạt 15,7%. Con số này ở một số đơn vị thành viên lên tới 122,6% (Tổng công ty Cổ phần May Hữu Nghị) hay 175,4% như Công ty Cổ phần May Đáp Cầu...

Trong khi không ít tập đoàn được nhìn nhận như các “công tử” không thể rời “bầu sữa” ngân sách thì Vinatex khẳng định đã kinh doanh độc lập, canh tranh minh bạch và sòng phẳng theo đúng các quy định ngặt nghèo của các điều khoản quốc tế về ngành dệt may, hoàn toàn không có sự hỗ trợ của nhà nước.


Điểm khác biệt với các “ông lớn” khác cũng được chính tập đoàn này nhấn mạnh tại báo cáo là Vinatex đã tiến hành cổ phần hóa các đơn vị thành viên rất sớm từ năm 2001 và không chỉ sớm nhất mà còn đạt hiệu quả cao nhất. 

Cách chức TGĐ Vinatex nếu để lỗ 2 năm liên tiếp

Cách chức TGĐ Vinatex nếu để lỗ 2 năm liên tiếp

Thời điểm hiện tại, tập đoàn có gần 80 đơn vị thành viên, trong đó có 4 công ty do Vinatex nắm giữ 100% vốn điều lệ, 13 công ty có trên 50% vốn điều lệ do Vinatex nắm giữ, số công ty có tỷ lệ này từ 50% trở xuống và công ty liên doanh là 48, còn lại là các đơn vị sự nghiệp.

Theo kế hoạch, Vinatex sẽ tiếp tục cổ phần hóa các đơn vị còn lại cũng như công ty mẹ - tập đoàn trong năm 2012 nhằm thu hút thêm nguồn đầu tư từ bên ngoài, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, tập đoàn cũng sẽ tiến hành chuyển nhượng các khoản đầu tư ngoài ngành được đánh giá là rất nhỏ (chiếm 6% tổng vốn điều lệ 3.400 tỷ đồng) nhằm huy động nguồn vốn phục vụ đầu tư nâng cao năng lực chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may của tập đoàn và của toàn ngành.

Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng của Vinatex

Lộ trình đổi mới Vinatex đến 2015 đã đưa ra khá nhiều thông tin cụ thể rất đáng chú ý. Thực hiện rút vốn đầu tư ngoài ngành, song tập đoàn này cho biết sẽ “chỉ giữ lại khoản đầu tư tại Ngân hàng Hàng Hải” (Maritime Bank).

Giai đoạn 2012 - 2013, Vinatex sẽ giảm hoặc thoái vốn tại các đơn vị hiện tập đoàn đang nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp khối phụ trợ và các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả không cao.

Hai năm tiếp theo, Vinatex sẽ nghiên cứu giảm cổ phần nhà nước tại công ty mẹ tập đoàn, chỉ giữ lại 51% vốn điều lệ.

Trong đề án, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn 2013 - 2015 Công ty mẹ Tập đoàn khẩn trương thực hiện cổ phần hóa. Theo đó, sau khi tái cơ cấu sẽ có 4 doanh nghiệp do Công ty mẹ Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ; 6 doanh nghiệp do Công ty mẹ nắm giữ từ trên 50 - 65% vốn điều lệ và 20 doanh nghiệp do Công ty mẹ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. 

Trong giai đoạn 2013 - 2015 phải thoái 100% vốn của Công ty mẹ Tập đoàn tại 37 doanh nghiệp như: Công ty Đầu tư và Phát triển Bình Thắng; Công ty Tài chính Cổ phần Dệt may Việt Nam; Trường đại học Trưng Vương và một số ngân hàng thương mại cổ phần,… Đồng thời, Bộ Công Thương phải có lộ trình và phương án cụ thể để hết năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn.

Trong 8 nhóm giải pháp với nội dung khá dày dặn được nêu tại báo cáo, Vinatex cho biết sẽ đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của người đại diện phần vốn theo hệ thống đánh giá chặt chẽ. Trong đó, trên 65% số điểm phải được ưu tiên sử dụng để đánh giá việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, đánh giá việc bảo toàn và phát triển vốn trong doanh nghiệp.

Trong các giải pháp về sản xuất kinh doanh, tập đoàn xác định sẽ thay đổi tầm nhìn đối với thị trường Trung Quốc, không chỉ coi thị trường này là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu dệt may chủ yếu mà còn coi đây là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu hàng dệt may của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

Vinatex cũng đặt mục tiêu đạt doanh thu nội địa của toàn tập đoàn lên trên 43.200 tỷ đồng vào năm 2015. Trong đó, riêng doanh thu của Vinatex Mart với trên 200 siêu thị quy mô lớn chuyên phân phối hàng dệt may tại thị trường nội địa phải đạt ít nhất 6.800 tỷ đồng.

Thông tin mới nhất ngày 12/6, trong dự thảo điều lệ hoạt động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa được Bộ Công Thương công bố, trường hợp để Vinatex lâm vào tình trạng phá sản thì tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc bị hạ lương hoặc bị cách chức, đồng thời phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Riêng với chức vụ Tổng giám đốc, sẽ bị miễn nhiệm trước thời hạn nếu để tập đoàn lỗ hai năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu do chủ sở hữu giao trong hai năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được, hoặc tập đoàn lâm vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

T.Phạm (tổng hợp)