ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo:

"Phiếu tín nhiệm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình thấp là hơi khắt khe"

13/06/2013 07:24
Ngọc Quang
(GDVN) - Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình được 88 phiếu tín nhiệm cao (17,67%), 194 phiếu tín nhiệm (38,96%) và 209 phiếu tín nhiệm thấp (41,97%).
Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Nguyễn Văn Bình


Chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam bên hàng lang kỳ họp, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (tỉnh Vĩnh Phúc) nhận định, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này cơ bản đã phản ánh thực chất tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và cũng là một bước tiến dài trong chế độ dân chủ, thể hiện trách nhiệm của nhà nước.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng, ở một số trường hợp cụ thể, kết quả phiếu tín nhiệm chưa thật thỏa đáng, nhất là với một số chức danh giữ “ghế nóng”, trong đó có trường hợp của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

“Tỷ lệ phiếu đạt tín nhiệm của Thống đốc thuộc vào nhóm thấp nhất và số phiếu tín nhiệm thấp lại cao nhất, tôi cho rằng một số đại biểu đánh giá chưa hết được vấn đề. Trong tình hình suy thoái kinh tế thì hệ thống ngân hàng sẽ bị "soi xét" rất kỹ vì nó có liên quan trực tiếp đến tất cả mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô là cả một bài toán vô cùng khó, có liên quan trực tiếp đến nhiều bộ, ngành và còn chịu một phần tác động từ nền kinh tế thế giới. Vì vậy, tất cả những gì chưa hài lòng mà dồn hết vào đồng chí Thống đốc là quá khắt khe. Tôi nói như vậy không phải là bênh vực cho Thống đốc, mà một khi đã là ĐB Quốc hội thì tôi luôn sẵn sàng bày tỏ quan điểm, chính kiến khác quan của mình”, ĐB Bảo nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, khi đánh giá tín nhiệm của Thống đốc NHNN thì cần phải đặt câu hỏi: Ông Bình đã làm được gì? Những bước đi có bài bản hay không? “Ngân hàng làm rất khó, không thể chỉ một thời gian ngắn mà có được kết quả tốt ngay, cần phải có lộ trình. Hơn nữa, nếu làm có lộ trình, tránh giải quyết nóng thì sẽ đảm bảo tính bền vững. Vì vây, theo góc nhìn của tôi thì Thống đốc không đến mức bị đánh giá tín nhiệm thấp như thế mà xứng đáng được đánh giá tốt hơn”, ông Bảo nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - ĐB Quốc hội (TP Hà Nội).
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - ĐB Quốc hội (TP Hà Nội).

Phóng viên cũng đã đề cập tới ý kiến chung của dư luận đánh giá tín nhiệm Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang xoay nhiều quanh ba nhóm thông tin: Thứ nhất là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vĩ mô chậm, trong đó có sự liên quan trực tiếp tới những chính sách của hệ thống ngân hàng; Thứ hai là thời gian vừa nhiều doanh nghiệp “báo tử” và cùng lúc thì nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng gần như không vay được vốn của ngân hàng; Thứ ba là sự xáo trốn nhất định của thị trường vàng thời gian gần đây.

Đại biểu Quốc hội “truy” lời hứa của Bộ trưởng Cao Đức Phát

Đại biểu Quốc hội “truy” lời hứa của Bộ trưởng Cao Đức Phát

Ở vị trí Bộ trưởng mà chỉ tư duy sự vụ thì cần phải xem xét lại...

"Ở vị trí Bộ trưởng mà chỉ tư duy sự vụ thì cần phải xem xét lại..."

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ: “Trong những đánh giá về ngành ngân hàng thì có một điều tôi chưa yên tâm đó là quản lý thị trường vàng, bởi thực tế là giá ở trong nước và thế giới vẫn đang chênh lệch lớn.

Tôi nghĩ là bây giờ bản thân Thống đốc và ngành ngân hàng đang có suy nghĩ nhiều về chuyện ấy, vì không chỉ riêng ĐB Quốc hội quan tâm mà cử tri cả nước rất quan tâm.

Điều quan trọng bây giờ là NHNN cần đưa ra các chính sách để giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, còn với tình hình giá chênh lệch cao thì sẽ xảy ra buôn lậu vàng.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho rằng, việc duy trì được lạm phát ở mức thấp thì trong đó cũng có công lớn của ngành ngân hàng. Báo cáo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước Quốc hội cũng đã công bố về những kết quả đáng mừng trong xử lý nợ xấu, một số kế hoạch rất rõ ràng để tiếp tục xử lý nợ xấu và giải quyết vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

“Tôi cho rằng về phía các doanh nghiệp cũng phải tự xem xét lại mình, chứ nếu không  vay được rồi cứ kêu ầm lên là ngân hàng khó khăn không cho vay là không đúng.

Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, khi cho vay thì người ta phải có tiêu chí để đảm bảo thu hồi được vốn. Trong bối cảnh chung của nền kinh tế khó khăn thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không tạo được đầu ra, chính vì thế mà ngân hàng lại càng không thể cho họ vay. Vì thế, lỗi của ngần hàng cũng chỉ có một phần thôi, còn phần lớn thuộc về kinh tế vĩ mô”, ông Bảo nhận định.

Bài toán xử lý vĩ mô bây giờ là phải tạo ra nhiều chính sách thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy các dòng tiền, kích cầu cho tiêu dùng và sản xuất, trong đó một số ngành chủ chốt như giao thông, xây dựng đều phải được phát triển mạnh thì mới đẩy được đầu ra.

“Tôi lấy thí dụ nếu giải cứu được bất động sản thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề khác, đó là chuyện ứ đọng vốn, về sản xuất vật liệu xây dựng. Khi phát triển giao thông thì đường xá cầu cống cũng được cải thiện nâng cấp tốt tạo nền tảng tốt cho các bước đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước… tất cả những vấn đề ấy thuộc về bài toán đầu ra, cần phải giải quyết.

Mặt khác, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của nhiều doanh nghiệp nhà nước cần phải thực hiện nhanh hơn nữa, vì hiện nay nguồn tiền nằm ở các doanh nghiệp nhà nước rất lớn nhưng sử dụng không thật hiệu quả, như vậy là rất lãng phí”, ông Bảo cho hay.

Ngọc Quang