Vỡ đập thủy điện ở Gia Lai: Do chất lượng công trình không đảm bảo

13/06/2013 08:15
Viết Cường (Tổng hợp từ VOV, Tuổi Trẻ)
(GDVN) - Đến tối 12/6, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai triển khai. Chưa phát hiện có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn. Về phía chủ đầu tư đến nay vẫn chưa có mặt để khắc phục sự cố. Theo nhiều lãnh đạo của tỉnh Gia Lai đánh giá, nguyên nhân vỡ đập thủy điện do chất lượng công trình không đảm bảo.

Đập thủy điện vỡ, chủ đầu tư ‘mất hút”

Ông Võ Thanh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, đến tối 12/6 lực lượng cứu hộ, cứu nạn của huyện vẫn đang nỗ lực để tìm kiếm những người có thể còn đang bị cô lập ở vùng ngập lụt do vỡ thủy điện Ia Krêl 2. Cán bộ các xã, thôn làng trong vùng hạ lưu thủy điện này đang tiến hành thống kê nhân khẩu để có thể xác định cụ thể về số người có thể đang trong vùng ngập lụt. Đồng thời hướng dẫn người dân thống kê thiệt hại để yêu cầu phía chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krêl 2 bồi thường.

Lực lượng cứu hộ huyện đội Đức Cơ (Gia Lai) tìm kiếm người dân bị mắc kẹt (Ảnh Thái Bá Dũng, Tuổi Trẻ)
Lực lượng cứu hộ huyện đội Đức Cơ (Gia Lai) tìm kiếm người dân bị mắc kẹt (Ảnh Thái Bá Dũng, Tuổi Trẻ)

Như vậy, đến thời điểm, chưa phát hiện có thiệt hại về người. Lực lượng cứu hộ đã đưa được 10 người bị cuốn trôi và 20 hộ gia đình bị cô lập trong vùng ngập lụt tới nơi an toàn. Và theo thống kê sơ bộ, đã có khoảng 200 ha cây cao su và hoa màu của các công ty và người dân trên địa bàn bị gãy đổ và cuốn trôi, thiệt hại ước tính là hàng trăm tỷ đồng.

Ông Hùng cho biết thêm, đến tối 12/6 vẫn chưa có đại diện nào của Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long – Gia Lai, chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krêl 2 đến địa phương để phối hợp khắc phục hậu quả.

Làm ẩu, thiết kế sơ sài

Trước đó vào chiều hôm qua 12/6, ông Phạm Thế Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - đã tổ chức cuộc họp khẩn tại huyện Đức Cơ để đánh giá vụ việc và chỉ đạo điều tra tìm nguyên nhân sự việc.

Ông Dũng nhận định sự việc vỡ đập thủy điện là nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tính mạng, của cải của người dân. “May mà thời điểm vỡ đập xảy ra vào rạng sáng, chứ nếu là nửa đêm thì không biết sẽ thế nào” - ông Dũng nói. Đại diện lực lượng cứu hộ cho biết sau khi đập vỡ, cơ quan quân sự đã liên lạc với địa phương của Campuchia ở phía hạ nguồn sông Pô Cô để có phương án ứng phó. Nhận định việc vỡ đập thủy điện lớn nên chính quyền ở Campuchia đã lên phương án di dời toàn bộ dân ở khu vực nguy hiểm.

Ông Dũng cho biết, mặc dù tính chất sự việc là nghiêm trọng nhưng từ khi xảy ra sự việc không thấy đại diện chủ đầu tư xuất hiện, cũng không có cán bộ, công nhân nào của đơn vị chủ công trình tại hiện trường. “Trách nhiệm như vậy là chưa cao. Chúng tôi sẽ làm việc lại với chủ đầu tư, bất cứ lý do gì thì họ cũng phải đền bù thiệt hại cho dân” - ông Dũng nói.

Tại cuộc họp khẩn này, nhiều ý kiến cho rằng lý do lớn nhất dẫn đến sự việc nói trên là chất lượng kỹ thuật công trình quá kém. Theo ông Phạm Thế Dũng, việc phá rừng ở khu vực bao quanh thủy điện cũng là nguyên nhân khiến lượng nước dồn về thủy điện nhanh.

“Có yếu tố môi trường trong đó nhưng cũng phải xem lại chất lượng công trình, tôi đề nghị các đơn vị điều tra nhanh chóng có kết luận nguyên nhân sự việc”. Thượng tá Lê Đức Đạo - trưởng Công an huyện Đức Cơ - cho hay qua xác định ban đầu, nguyên nhân dẫn đến việc vỡ đập là chất lượng công trình có vấn đề. “Đập thiết kế chứa 8-10 triệu m3 nước, trong khi đó lượng nước khi xảy ra vỡ đập chỉ 3-4 triệu m3, chỉ bằng một nửa thiết kế. Rõ ràng việc thiết kế đập, chất lượng công trình có vấn đề”.

Ông Lê Vinh - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai - nhấn mạnh: “Theo đánh giá ban đầu của tôi thì chất lượng công trình không đảm bảo nên xảy ra sự cố. Tôi quan sát và thấy việc đầm nén, chất lượng của đường ống ngăn nước không đảm bảo yêu cầu. Chủ đầu tư là đơn vị tư nhân nên họ chạy theo kinh doanh, làm rất sơ sài.

Đập nén như thế cũng không phải, bêtông cống nén như thế là không đảm bảo, sắt thép thì lơ phơ. Tôi sẽ yêu cầu họ cung cấp nhật ký việc xây dựng toàn bộ để có đánh giá thật chính xác”. Về việc hiện trường phần đập vỡ lộ ra rất ít hạng mục làm bằng bêtông, hầu hết đập được đắp bằng đất, ông Vinh nói tùy theo loại công trình, không nhất thiết đập thủy điện nào cũng phải được thiết kế bằng bêtông.

Viết Cường (Tổng hợp từ VOV, Tuổi Trẻ)