Trang Trần: Bây giờ trở thành người mẫu dễ quá

17/06/2013 07:45
An Hiếu
(GDVN) - Là một trong những người mẫu cá tính và thẳng thắn nhất showbiz Việt, Trang Trần dường như không ngại “va chạm” với bất cứ vấn đề gì. Cô đã dành cho Giáo dục Việt Nam một buổi trò chuyện thú vị xoay quanh những vấn đề “nổi cộm” thời gian gần đây.

“Đã chán nản với nghề người mẫu”

Thời gian này thấy chị ít xuất hiện trong các sự kiện thời trang. Chị tập trung cho công việc kinh doanh và từ thiện nhiều quá nên “bỏ bê” sự nghiệp hay vì thời buổi kinh tế khó khăn, các đơn vị không đủ kinh phí để mời chị?

- Thật ra đấy cũng là một điều khó khăn cho tôi. Khách hàng họ vẫn mời tôi nhưng cát-sê giảm rất nhiều mà khối lượng công việc vẫn thế. Từ casting, tập chương trình, thử đồ, diễn… mất khoảng 3 ngày mà số tiền nhận được chỉ bằng một nửa, chưa kể, tôi cũng nghĩ rằng tôi là một trong số các người mẫu đã có chỗ đứng một chút thì việc cắt giảm cát-sê một phần cũng có ảnh hưởng đến việc giữ gìn tên tuổi và cũng không trang trải được cuộc sống.

Một điều quan trọng khác là tôi đang hạn chế xuất hiện ở những nơi ồn ã, mệt mỏi của showbiz mà tôi chỉ làm những điều khiến mình thấy vui, thấy thích.

Mỗi một thời điểm ai cũng có những thay đổi về suy nghĩ. Nếu là 4 năm trước tôi máu ăn thua lắm, có những show diễn mình phải xuất hiện bằng được, mình phải diễn trên sân khấu đấy và tỏa sáng trong bộ sưu tập đấy kể cả cát-sê thấp cũng được. Nhưng bây giờ tôi thấy trở thành người mẫu dễ quá nên khiến tôi chán nản.

Chưa kể việc hiện tại bây giờ, có rất nhiều phóng viên báo chí làm đại diện cho một số người đẹp, nghệ sỹ thì đương nhiên họ phải lăng-xê “gà” của họ nên chắn chắn về việc hình ảnh mình cũng đã gặp thiệt thòi rồi.

Trang Trần
Trang Trần

Điều đấy có phải là yếu tố quan trọng đối với một người mẫu nói chung hay cá nhân chị không?

- Tất nhiên là điều đó làm mình thấy buồn rồi, vì vị trí của mình tốt, về chuyên môn mình cũng hơn họ nhưng đôi khi lên báo, các title lại chẳng liên quan gì đến mình cả. Tôi thấy nó có vẻ “bạc” đối với những người mẫu đã khẳng định được tên tuổi của mình và kể cả cá nhân tôi. Vì thế trong thời gian trở lại đây tôi đặt nhẹ mọi vấn đề và cũng chọn lọc hơn cho mình các show diễn, nơi mình được cọ sát được với các đồng nghiệp thực sự của mình và mình thích. Chứ tôi nghĩ mình không cần phải chạy đua, đấu tranh để rồi nhận lại sự mệt mỏi. Đó cũng là lí do tôi dành nhiều thời gian hơn với công việc thiện nguyện.

Dù sao tôi cũng là một người có sức ảnh hưởng đến một bộ phận khán giả nào đó nên việc tôi thấy mình kêu gọi cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn là việc nên làm.

Thời gian tới này chị vẫn tiếp tục duy trì công việc của mình một cách “mờ nhạt” như thế?

- Tôi không cho rằng đó là “mờ nhạt” mà đó là con đường tôi lựa chọn và nó thoải mái với tôi. Với lại, từ cuối năm trước tôi đã dành thời gian để suy nghĩ rất nhiều về sự nghiệp lâu dài của mình. Tôi đã đưa ra quyết định rằng mình sẽ trở lại với con đường mà mình đã theo đuổi ban đầu đó là sân khấu điện ảnh.

Lý do gì khiến chị quyết định lựa chọn điện ảnh thay vì người mẫu?

- Tôi thấy mình đã thuộc lứa… già rồi đặc biệt là về chiều cao (cười). Tôi cao có 1m74 thôi nhưng bây giờ các em người mẫu thế hệ sau này có chiều cao cao hơn rất nhiều, tôi thấy mình không nên chạy đua ở đường đua không cân sức thế nữa. Bản thân những người làm chương trình, họ cũng sẽ nhắm đến những người mẫu có chiều cao, nhan sắc tuyệt hơn. Vì thế tôi dành thời gian tĩnh tâm, đọc sách, trau dồi kiến thức về điện ảnh, xem nhiều phim hơn thay vì thời gian lúc trước dành cho chụp hình, spa, tập gym, mua nhiều tạp chí thời trang để học hỏi.

Điều tôi mong muốn bây giờ là được trở về đầu quân cho một sân khấu kịch nào đó để mình được hoạt động đúng lĩnh vực mà mình theo đuổi dài lâu. Nghề người mẫu cũng đã cho tôi quá nhiều rồi. Tôi không phải đại gia, không quá giàu có nhưng tôi cũng đã cố gắng dành dụm được một khoản để tiếp tục sự nghiệp điện ảnh. Tất nhiên, ở những BST mà các NTK cần tôi vẫn sẵn sàng xuất hiện, đó là ân tình.

Là một người mẫu có thâm niên, chị nghĩ sao về việc các “nhân vật” không mời mà đến ở nhiều sự kiện lớn nhỏ? Đó có phải con đường tốt để các người đẹp PR cho mình không?

- Tôi nghĩ chuyện gì cũng có hai mặt của nó, “nổi nhanh thì dễ vớt” – tôi thấy thế! Tôi chưa từng xuất hiện ở những nơi mình không được mời và không liên quan đến công việc của mình. Ngày trước khi tên tuổi còn chưa được nhiều người biết đến, đi event ít nhất tôi cũng nhận được 1 triệu, triệu rưỡi rồi dần dần khi khẳng định được vị trí của mình, khách hàng trả cho tôi vài trăm đô hoặc một vài ngàn cho một bộ hình quảng cáo, cái gì cũng cần sự cố gắng và từ từ. Bây giờ tôi thấy nhiều người đẹp quá, ồ ạt kéo nhau đi event mà chẳng giải quyết được vấn đề gì trong công cuộc đó.

Trừ những gameshow như Cặp đôi hoàn hảo hay Bước nhảy hoàn vũ, tôi xuất hiện rất bình thường và đến với mục đích cổ vũ cho bạn bè đồng nghiệp của mình thôi chứ không ham hố tạo dáng chụp hình để lên báo. Vì tôi thấy điều đó thật buồn cười khi các thí sinh đang tham gia cuộc thi mới là các nhân vật chính chứ đâu phải mình?

Các nghệ sỹ lớn tuổi họ rất tránh điều này. Như hôm ra mắt phim “Biết chết liền”, một số các nghệ sỹ gạo cội đều có mặt nhưng không ai hay biết. Vì họ chọn cho mình sự xuất hiện im lặng rồi nép mình vào phòng chiếu phim, để những “nhân vật chính” được thực sự tỏa sáng bởi đó là mồ hôi nước mắt của họ, những vị khách mời ấy chỉ muốn biết anh em, đồng nghiệp của mình thể hiện được cái gì.

Chắc chắn những người như bạn đề cập sẽ nổi nhanh nhưng rồi sẽ bị quên lãng cũng sớm. Khán giả bây giờ người ta tinh lắm. Cứ xuất hiện nhan nhản thế mà khi hỏi đến những dự án, những cống hiến cho nghệ thuật tuyệt nhiên không thấy người ta biết họ là nghệ sỹ kiểu gì ngay!

Xét về chuyên môn để cấp thẻ cho người mẫu thì mông lung lắm

Gần đây đang “sốt” thông tin từ ngày 1/1/2014, các người mẫu sẽ phải có thẻ hành nghề mới được biểu diễn, chị có quan tâm không?

- Tôi có đọc báo về chuyện này nhưng ở khía cạnh đánh giá về mặt chuyên môn đối với người mẫu thì tôi thấy nó khá mông lung, vì tôi không hiểu Cơ quan quản lý sẽ đánh giá dựa vào đâu? Vì ở Việt Nam bây giờ, tất cả chỉ là chứng chỉ của một trung tâm dạy chứ không phải “model look” của nước ngoài, không có những trung tâm mà chứng chỉ của họ được công nhận đẳng cấp quốc tế. Tất cả những người mẫu ở Việt Nam đi tham gia các sự kiện thời trang thế giới chỉ được cấp chứng nhận và kỷ niệm chương, xác nhận sự có mặt của họ trong sự kiện đó chứ nó không nói lên được điều gì.

Nếu xét về giải thưởng vậy những người như tôi chẳng hạn không có giải thưởng thì sao? Trong khi chắc gì một bạn thuộc top 5 Siêu mẫu Việt Nam đã có kinh nghiệm catwalk hay bề dày trình diễn như tôi? Bây giờ các cuộc thi mọc lên nhan nhản, tôi quá tuổi rồi đi thi làm sao? Mà thi catwalk thì nghĩ gì mà các em còn trẻ lại được với tôi?

Thế nên, tiêu chí này sẽ khiến cho các bạn người mẫu cảm thấy lo lắng và hoang mang. Theo tôi, cơ quan quản lý cần có một hội đồng thẩm định chuyên môn cho người mẫu chứ không phải cứ cao là người mẫu.

Nói về các show diễn và quản lý, thời gian gần đây vụ lùm xùm xung quanh về “Đêm hội chân dài”, chị có theo dõi tin tức không và đánh giá thế nào về những thông tin đấy với con mắt làm nghề?

- Tôi thấy mọi người đang quá khắt khe với “Đêm hội chân dài” vì một fashion show mà bảo họ biểu diễn lố lăng cũng khó. Chúng ta vẫn có những buổi trình diễn các BST áo tắm như như áo tắm Xuân Thu để giới thiệu, quảng bá thì việc trình diễn nội y trong “Đêm hội chân dài” tôi cho là bình thường, họ cũng không có các hành động quá khích, phản cảm, dung tục gì vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Bản thân “Đêm hội chân dài” chỉ là một cuộc chơi, một buổi gặp gỡ, giao lưu, tri ân khách hàng mà tôi nghĩ, có một sân chơi như thế cũng không có gì quá đáng. Có chăng, chỉ có hình ảnh trên vé mời là phản cảm theo góc nhìn của đa số người Việt Nam mình còn thật ra trên thế giới, chuyện đó không phải là vấn đề lớn.

Còn nếu bức xúc, tôi thấy báo chí không nên tiếp tay cho những bộ hình phản cảm ví dụ như một cô Miss này Miss kia, xuất thân từ mấy cuộc thi của một trang Facebook… khoe dáng, lăn lộn, tạo những hình ảnh khiêu khích bên ô tô này nọ mà vẫn cho đứng ngang hàng với các nghệ sỹ tên tuổi trên báo thì đúng hơn. Tại sao cơ quan chức năng không “truy” đến các trang báo đó hay BTC các cuộc thi, các sự kiện kiểu đấy?

Chị có “hiến kế” gì cho công cuộc quản lý này không?

- Theo tôi, cứ cấm tiệt các bài báo đưa tin lộ hàng này kia hoặc các cơ quan quản lý nên tham gia trong việc quản lý danh sách khách mời xuất hiện ở các sự kiện thì tốt hơn. Nếu những nhân vật không có tên trong danh sách có mặt thì yêu cầu họ ra về. Một lần, hai lần như vậy họ sẽ tự chán mà không đi nữa và cũng là động lực để họ phát triển nghề nghiệp một cách thật sự. Tôi nghĩ đó là cách làm sạch cho nghề nghiệp này cũng như nghệ thuật nói chung tốt nhất!

Vậy vấn đề quảng cáo rượu trá hình thì sao?

- Đấy cũng là điều bình thường mà, nếu người ta trả tiền xứng đáng tôi vẫn sẽ nhận lời tham gia. Trong hợp đồng họ yêu cầu các người mẫu, nghệ sỹ tên tuổi có mặt trong buổi tiệc chứ có bảo bọn tôi phải trình diễn khiêu khích, mời mọc khách hàng uống rượu đâu?

Mà tôi thấy rất kỳ, cái gì không quản lý được là cấm! Trong khi đó, nếu muốn cấm quảng cáo rượu để tránh lôi kéo mọi người uống rượu thì tại sao không đóng cửa các nhà máy rượu vẫn đang hoạt động, sản xuất ngay ở chính Việt Nam? Tại sao vẫn cho nhập khẩu rượu? Nếu muốn quản lý tốt hay cấm thì nên triệt từ tận gốc chứ!

An Hiếu