Nhật Bản - Philippines: Không cho phép Trung Quốc thay đổi hiện trạng

27/06/2013 08:26
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản và Philippines thống nhất quyết không cho phép Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển, yêu cầu TQ tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Philippines
Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Philippines

Ngày 24 tháng 6, đài truyền hình NHK Nhật Bản cho biết, cùng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã tổ chức hội đàm với Tư lệnh Hải quân Philippines Jose Luis Alano - khi đó đang ở thăm Nhật Bản.

Theo bài báo, xét đến các hoạt động trên biển dồn dập của Trung Quốc gần đây, hai bên đều cho biết quyết không cho phép (Trung Quốc) đơn phương làm thay đổi hiện trạng, Trung Quốc cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời đạt được đồng thuận về vấn đề này.

Đài truyền hình NHK tiết lộ, trong cuộc hội đàm, Nhật Bản và Philippines đã trao đổi ý kiến về các vấn đề như: hoạt động trên biển dồn dập của Trung Quốc và tàu công vụ Trung Quốc tiến hành "tuần tra chấp pháp" thường xuyên hơn ở các vùng biển xung quanh, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines xảy ra đối đầu do vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Trong cuộc hội đàm, Itsunori Onodera nói: "Nhật Bản và Philippines đều là quốc đảo, tăng cường phòng vệ đảo nhỏ và lãnh hải và bảo đảm quyền lợi biển là vấn đề chung của hai nước", đồng thời cho biết: "hai nước Nhật Bản-Philippines đều tồn tại vấn đề kéo dài chưa thể giải quyết ở biển Đông và biển Hoa Đông, trong vấn đề lãnh hải, lãnh thổ, quyết không cho phép (Trung Quốc) đơn phương làm thay đổi hiện trạng, cần phải thông qua luật pháp quốc tế giải quyết tranh chấp".

Đối với vấn đề này, Alano cho biết đồng ý và hy vọng giải quyết hòa bình các vấn đề có liên quan, chứ không phải là mở rộng khủng hoảng.

Tàu tuần tra lớp Hamilton, Philippines mua của Mỹ
Tàu tuần tra lớp Hamilton, Philippines mua của Mỹ

Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm với sự can dự của các nước lớn hoặc liên kết của các nước xung quanh, chẳng hạn truyền thông Trung Quốc thường xuyên quan tâm đến hợp tác Nhật Bản-Philippines, Mỹ-Philippines, Nhật-Việt, Mỹ-Việt, Nga-Việt, Ấn-Việt…

Gần đây, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Thích Kiến Quốc – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ để lại vấn đề đảo Senkaku và vấn đề biển Đông cho “đời sau” giải quyết. Rõ ràng, Trung Quốc bắt đầu thấy sức ép ngày càng lớn, sự phức tạp ngày càng tăng khi đòi hỏi chủ quyền (phi lý và phi pháp) biển đảo ở các vùng biển xung quanh.

Tuy nhiên, tình hình tranh chấp biển Đông sẽ ngày càng diễn biến phức tạp do các bên tranh chấp sẽ tiếp tục hành động, do lợi ích của các bên và sự can dự của các nước lớn ngày càng tăng.

Việc bảo vệ chủ quyền biển đảo phải “đem đạo nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, không chỉ “lấy sức mình là chính”, phát huy tốt nội lực, mà còn phải tận dụng tốt sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại, biết tính toán, cân đo đong đếm, cân nhắc và quan tâm tới lợi ích của tất cả các bên; đồng thời biết tiến, biết lùi, biết sử dụng các quân bài có hiệu quả, biết đề xướng, sáng lập, xây dựng, bảo vệ và sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp có hiệu quả, bảo vệ lợi ích và bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực. Đó là một con đường dài và gian nan.

Gần đây, 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc (Hạm đội Nam Hải, Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Bắc Hải) tổ chức tập trận quy mô lớn trên biển Đông.
Gần đây, 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc (Hạm đội Nam Hải, Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Bắc Hải) tổ chức tập trận quy mô lớn trên biển Đông.
Đông Bình